11:20 20/11/2017

Giải phóng xong thành trì IS cuối cùng, Syria vẫn bị 'giằng xé' chia mảnh

Ngày 19/11, quân đội Syria đã giải phóng hoàn toàn al-Bukamal - thành trì cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đây được coi là một trong những cột mốc đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong xung đột Syria.

Quân đội Syria sử dụng tên lửa đạn đạo chống IS tại al-Bukamal. Ảnh: Southfront.org

IS đã mất tất cả các thành phố quan trọng, chỉ còn kiểm soát một số ngôi làng trong khu vực giữa hai tỉnh al-Bukamal và Deir Ezzor, một phần biên giới giữa Syria và Iraq, một khu vực khác tại Trại tị nạn Yarmouk ở thủ đô Damascus và một phần đất gần Cao nguyên Golan.

Nhiều tay súng IS đã buộc phải tháo chạy khỏi Syria nhằm tìm cho mình một con đường thoát thân tại các quốc gia khác. Những tay khủng bố ở lại thì tham gia các cuộc tấn công du kích, gắng gượng chống đỡ trước đòn tấn công của lực lượng chính phủ Syria và liên minh được Mỹ trợ giúp.

Với tình hình hiện tại, Syria có thể sẽ bị chia nhỏ thành 7 khu vực nhỏ nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng khác nhau.

Chính phủ Syria, được hậu thuẫn từ các đồng minh như Iran, phong trào Hezbollah và Nga, kiểm soát phần lớn nhất của quốc gia, bao gồm các thành phố Aleppo, Hama, Homs, Deir Ezzor, Damascus, Latakia, as-Suwayda và Tartus. Tuy nhiên, những nhóm phiến quân cố thủ trong các thành phố đó đều gây ra mối đe dọa an ninh đáng kể, đặc biệt tại phía đông Ghouta và Trại tị nạn Yarmouk.

Trong khi đó, tại tỉnh Daraa, tình hình cũng khá phức tạp khi phe nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham (trước đó có tên gọi Jabhat al-Nusra, một nhánh của nhóm khủng bố al-Qaeda ở Syria) và đồng minh kiểm soát một phần thủ phủ của tỉnh. Thỏa thuận thiết lập vùng giảm căng thẳng do Mỹ-Nga khởi xướng tại phía nam Syria cho phép tình hình chiến sự ở đây có phần hạ nhiệt. Tuy nhiên, thi thoảng vẫn có xung đột xảy ra trong Daraa và gần Cao nguyên Golan. 

Đối với khu vực at-Tanf thuộc biên giới Syria-Iraq, lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu và một số  đơn vị thuộc Quân đội Syria Tự do (FSA) tập trung lập đồn kiểm soát. Theo trang mạng Southfront, mặc dù Mỹ tuyên bố cần lập các đơn vị đồn trú tại đây để chiến đấu chống IS, song trên thực tế các đơn vị đó lại ngăn cản Syria và Iraq sử dụng đường cao tốc Damascus-Baghdad. Lực lượng Mỹ sẽ không kích và nã pháo vào bất kỳ cuộc tiến công nào của Quân đội Syria-Arab (SAA) nhằm vào at-Tanf.

Bên cạnh đó, vùng đông bắc Syria, bao gồm các thành phố Raqqa, Tabqah, Hasakah và một phần Qamishli lại do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn nắm quyền kiểm soát. SDF được hình thành từ các tay súng nổi dậy người Kurd YPG và YPJ hợp nhất với đảng Thống nhất Dân chủ Kurdish (PYD).

SDF cũng kiểm soát luôn cả khu vực tây bắc Syria. Tuy nhiên, không giống vùng đông bắc, sự chi phối của Mỹ tại khu vực tây bắc thấp hơn và mối quan hệ quân sự giữa các tay súng người Kurd địa phương với liên minh Syria-Nga-Iran tốt hơn. SDF cũng phải đối mặt với nhiều sức ép từ Thổ Nhĩ Kỳ tại đây.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm nổi dậy ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát một phần biên giới, bao gồm các tỉnh al-Bab, Azaz và Jarabulus phía bắc Syria. Tại tỉnh Idlib, lực lượng Thổ thiết lập một đường liên lạc với SDF, song gần như toàn bộ tỉnh này nằm trong tay nhóm HTS.

Với miếng bánh Syria bị chia nhỏ ra thành nhiều phần như vậy, Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria đang tăng cường các hoạt động ngoại giao để tìm phương hướng giải quyết khủng hoảng xung đột nội bộ. Tuy nhiên, mỗi nước cũng đều có hạn chế về mặt ảnh hưởng tới các hoạt động trên mặt đất cũng như mục tiêu trái ngược nhau. Từ đó càng làm cho tình hình trở nên phức tạp, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ không có tầm nhìn chiến lược dài hạn đối với Syria.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức