11:17 26/11/2020

Giải pháp xử lý chất thải nhựa ở khu vực biển Đông Á

Từ ngày 24 - 26/11, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chủ trì, phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tổ chức Hội nghị quốc tế về các giải pháp xử lý chất thải nhựa khu vực các biển Đông Á năm 2020 theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Đông đảo đại biểu trong và ngoài khu vực ASEAN tham dự.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Hội nghị là sự kiện thường niên do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Cơ quan Điều phối các biển Đông Á (COBSEA) phối hợp với các quốc gia tổ chức luân phiên tại Đông Nam Á với tham vọng trở thành nền tảng trao đổi về các giải pháp và hợp tác nhằm giải quyết nạn ô nhiễm nhựa.

Hội nghị là diễn đàn đối thoại khu vực cho các bên liên quan nhằm hướng đến các mục tiêu: chia sẻ các giải pháp ô nhiễm nhựa và rác thải biển; trao đổi về các khó khăn trong quản lý rác thải nhựa trong giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; xác định các giải pháp, cơ hội để tái chế và nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa.

Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội vào chiều 26/11, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân bày tỏ niềm vinh dự khi Việt Nam được cùng với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Cơ quan điều phối các biển Đông Á tổ chức Hội nghị. Đây cũng là một trong những sự kiện quan trọng trong chuỗi các sự kiện Việt Nam đăng cai tổ chức trong năm đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN. 

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, việc sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa không bền vững đã trở thành một mối đe dọa to lớn đối với hệ sinh thái và môi trường trên đất liền, ven biển cũng như đại dương. Để vượt qua thách thức này, tất cả các bên, bao gồm những nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các doanh nhân, người tiêu dùng phải cùng chung tay thay đổi một cách hệ thống cách thức sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nhựa.

Thời gian qua, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều quốc gia phải tạm ngừng kế hoạch giảm sử dụng đồ nhựa và nhanh chóng triển khai các quy tắc phòng, chống dịch, đặc biệt là quy tắc đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới thành công của công tác khống chế dịch ở nhiều quốc gia. Song, sự gia tăng sử dụng khẩu trang y tế dùng một lần lại gây ra vấn đề mới về rác thải, đặc biệt trong bối cảnh nhiều đơn vị xử lý ô nhiễm phải hạn chế hoặc tạm ngừng hoạt động do các lệnh giãn cách xã hội.

Đại dịch đã gây ra sự chuyển đổi hoàn toàn mô hình sản xuất và tiêu dùng trên toàn thế giới. Do đại dịch, người tiêu dùng đang sử dụng nhiều hơn các sản phẩm dùng một lần để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến những nỗ lực giảm thiểu sử dụng những sản phẩm nhựa dùng một lần, cũng như việc thu gom, tái chế rác thải nhựa. Để giữ vững những thành quả đã đạt được và tiếp tục nhiệm vụ to lớn phòng, chống rác thải nhựa, những sáng kiến và mô hình hợp tác hiện tại cần phát huy vai trò lớn hơn trong việc tạo điều kiện trao đổi cách thức tối ưu và kinh nghiệm về xây dựng chính sách, phát triển, chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực, trong từng quốc gia cũng như giữa các quốc gia.

Một trong những sáng kiến đó là mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tập trung vào tái sử dụng rác thải để sản xuất sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý và giúp giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.

Từ những nỗ lực của Việt Nam để ứng phó với ô nhiễm nhựa, đặc biệt là khi Việt Nam đã có những thành tích nổi bật được thế giới công nhận trong việc kiềm chế, ngăn chặn đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Lê Minh Ngân hy vọng thời gian tới, các quốc gia và tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phòng ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa. Qua đó, đóng góp cho nỗ lực toàn cầu để ứng phó với một trong những thách thức lớn nhất trong của thời đại chúng ta, vì một thế giới phát triển bền vững.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân và đại diện Chính phủ các nước ASEAN+3, các tổ chức trong nước và quốc tế đã chia sẻ với nhau về nguy cơ ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương cũng như tầm quan trọng của những nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế trên cơ sở tiếp cận có hệ thống đối với các nguồn ô nhiễm khác nhau, cả trên đất liền và từ biển. Các đại biểu nhấn mạnh việc cần thiết phải có sự phối hợp hiệu quả giữa các lĩnh vực ở các cấp độ khác nhau (bao gồm các khu vực công, khu vực tư nhân, xã hội dân sự, các tổ chức của người dân) để cùng thực hiện các hành động cụ thể nhằm giải quyết thách thức ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại dương.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” đã được giới thiệu như một trong những Dự án quan trọng trong lĩnh vực giảm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam. Được triển khai tại 9 tỉnh và thành phố và khu vực ven biển, Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa; nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.

Hội nghị các Giải pháp về xử lý chất thải nhựa khu vực các biển Đông Á năm 2020 được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 24 đến ngày 26/11, bao gồm 4 phiên toàn thể và 10 phiên chuyên đề liên quan đến các giải pháp nhằm giảm lãng phí nhựa, ngăn ngừa việc xả thải gây ô nhiễm biển.

Hoàng Nam (TTXVN)