06:21 03/06/2016

Giải pháp tổng thể cho vùng nguyên liệu nông sản ĐBSCL

Giải quyết những khó khăn trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp… là những yêu cầu cấp bách để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản vùng cg.

Ông Trần Hữu Hiệp, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Không theo phong trào

Đã có hiện tượng phong trào “cánh đồng lớn” nhiều nơi xây dựng cánh đồng lớn nhưng đầu ra thì chưa có địa chỉ cụ thể. Vì vậy, chuỗi giá trị gạo, gắn nhà máy chế biến với tổ chức cánh đồng mẫu lớn muốn thành công cần phải có lộ trình, từng bước, đi từ thấp đến cao không được nóng vội, không theo phong trào, mà phải tỉnh táo dựa vào thực lực, nội tại của từng doanh nghiệp để có bước đi thích hợp. Nếu doanh nghiệp không đánh giá đúng tình hình, đầu tư không đúng, dẫn đến lỗ kéo dài… thì mô hình cánh đồng lớn sẽ bị phá sản…

Chế biến cá tra xuất khẩu.Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN


Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ:  Tìm giống cây, con mới

Không chỉ con tôm mà kể cả cá tra cũng chịu ảnh hưởng. Mặc dù thiệt hại là không đáng kể bởi phần lớn diện tích nuôi cá tra đang tập trung ở các tỉnh đầu nguồn như Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long... và thiệt hại chỉ khi độ mặn vượt quá chuẩn cho phép ngoài khả năng chịu mặn của tôm hoặc cá tra. Đã tới lúc các nhà khoa học và chính quyền các địa phương cần tập trung nghiên cứu để tìm ra những giống mới, loài nuôi mới hoặc tăng khả năng thích ứng, chống chịu với điều kiện thời tiết khí hậu như hiện nay để hướng tới một nền sản xuất không chỉ an toàn, mà còn đảm bảo phát triển bền vững.

Ông Chu Văn Cấp, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân

Để phát huy hiệu quả cánh đồng mẫu lớn, phải bắt đầu từ nhận thức của nông dân về sự đồng thuận sản xuất hợp tác làm ăn, không phá vỡ hợp đồng ký kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Trong mối liên kết 4 nhà, doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm đến cùng với người nông dân từ cung ứng vật tư đến tiêu thụ nông sản giúp tăng thu nhập cho các hộ nông dân...

Bà Trần Thị Đẹp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang: Cần sự trợ lực của nhà nước

Việc sản xuất nông sản vẫn chưa được xác định theo nguồn cung hoặc cầu, dẫn đến sản xuất tràn lan không theo nhu cầu thị trường. Trên thực tế, các doanh nghiệp hiện nay khi xác định sản phẩm bán ở đâu, thị trường nào, từ đó tổ chức lại sản xuất đáp ứng nhu cầu. Qua thực tiễn có nhiều doanh nghiệp điển hình thành công trong tổ chức chuỗi giá trị từ nhu cầu thị trường. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp có bộ máy quản trị có năng lực, trình độ tốt mới thành công. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở ĐBSCL chiếm khoảng 96%. Do đó, để xây dựng chuỗi giá trị nông sản thành công không chỉ cần tăng sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp mà còn cần trợ lực lớn từ nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL - Đại học Cần Thơ: Giải quyết đầu ra

Để giải quyết đầu ra cho nông dân, nhà nước cần hình thành liên kết chuỗi. Bên cạnh đó, người sản xuất nhỏ lẻ như nông dân phải ứng dụng khoa học - kỹ thuật để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhà nước cần có cơ chế tín dụng giúp nông dân ứng dụng kỹ thuật. Nếu nông dân có sản phẩm tốt theo 4 đúng (chất lượng đồng nhất, lượng đủ khi ký hợp đồng với doanh nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường cần và hạ giá thành sản xuất), doanh nghiệp sẽ tìm đến bao tiêu. Ngoài ra, cần chính sách hợp lý về ruộng đất để hình thành trang trại quy mô lớn.

Ông Đỗ Đức Khả, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh: Xây dựng chương trình hành động cụ thể

Tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước có tiềm năng rất lớn để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, bao gồm: lúa gạo, chanh, thanh long, heo, gà, vịt, trứng gia cầm… Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất của các nhà sản xuất là tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoại trừ một số doanh nghiệp, một số hợp tác xã, một số hộ gia đình tự tìm tòi con đường đi và gặt hái những thành công ban đầu, còn lại hầu như các nhà sản xuất gặp bế tắc trong tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là do không có chiến lược tiêu thụ sản phẩm, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ. Một số hợp tác xã và doanh nghiệp tìm được đầu ra cho sản phẩm nhưng lại không thể tiếp cận được nguồn vốn vay để đầu tư, do các ngân hàng đòi hỏi tài sản thế chấp.

Để tiêu thụ hết các sản phẩm do các nhà sản xuất, chủ yếu là các hộ gia đình nông dân làm ra, cần có một tầm nhìn dài hạn về kinh doanh, tiêu thụ. Tầm nhìn này dựa trên một nghiên cứu nghiêm túc về nhu cầu, ước muốn của người tiêu dùng nông sản trong phạm vi quốc gia và toàn cầu. Để từ đó xây dựng các chiến lược hỗ trợ tiêu thụ và các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối: Cần thực hiện tốt 4 khâu

Không thể phủ nhận trái cây ngoại đang được nhập ngày càng nhiều hơn, nhưng đó là xu thế tất yếu. Đặc biệt vào năm 2017 - 2018, khi các hiệp định tự do thương mại trong khu vực ASEAN và các nước có hiệu lực thì trái cây ngoại còn có thể được nhập về nhiều hơn nhờ thuế suất giảm 0%.

Để cạnh tranh được thì Việt Nam cần thực hiện tốt 4 khâu. Đầu tiên là chọn giống tốt, phù hợp. Thứ hai là kỹ thuật trồng phải đảm bảo an toàn như VietGAP, GlobalGAP... Thứ ba là số lượng và chất lượng phải đồng đều. Từ đó mới thực hiện bước cuối cùng là xây dựng thương hiệu. Nếu chúng ta làm được điều này thì không những trái cây Việt sẽ giữ vững thị trường mà còn cạnh tranh xuất khẩu đi nhiều nước. Ví dụ, thực tế ở Việt Nam chuối chỉ 20.000 đồng/nải nhưng có nhãn mác xuất sang châu Âu có giá tới 1 euro (25.000 đồng) một quả chuối.

Ông Lương Ngọc Trung Lập, Phó trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường Viện cây ăn quả miền Nam: Sớm cải thiện chuỗi cung ứng nông sản

Doanh nghiệp cần liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác để tạo nguồn nguyên liệu ổn định; đẩy mạnh nâng cao chất lượng trái cây thông qua việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP/GlobalGAP; sản xuất rải vụ trái cây để tăng khả năng cạnh tranh với các nước có sản xuất cùng ngành hàng như: Thái Lan, Úc, New Zealand... trên thị trường xuất khẩu; xây dựng thương hiệu một số trái cây để xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ NN&PTNT: Cải cách thủ tục hành chính

Rà soát thủ tục hành chính, đồng thời công khai minh bạch trên các phương tiện thông tin về thủ tục hành chính và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính trong việc đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản. Chủ động, bố trí, sắp xếp cán bộ có năng lực, có trách nhiệm trong hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính bảo đảm đúng tiến độ theo quy định. Tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính trong triển khai dự án đầu tư̛ tại các cấp chính quyền địa phương; phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho tổ chức, cá nhân khi thi hành công vụ.

Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo từng ngành hàng chế biến nông sản. Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và hiệu lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin, nội dung thông tin phục vụ quản trị doanh nghiệp, cho quá trình đổi mới doanh nghiệp, thiết kế chế tạo sản phẩm mới và trong tiêu thụ nông sản chế biến.
Anh Đức - Duy Khương - Thu Hiền