03:08 04/03/2017

Giải pháp sản xuất sạch trong chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL

Ngày 3/3,tại TP Hồ Chí Minh, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc phối hợp với Công ty trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam tổ chức hội thảo “Hướng tới hệ sinh thái công - nông nghiệp bền vững, tập trung vào chuỗi giá trị lúa gạo ở Đồng bằng Sông Cửu Long”.

Tìm giải pháp cải thiện các khâu trong chuỗi giá trị lúa gạo từ làm đất, sử dụng giống, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến và đầu ra...

Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tham gia hội thảo cho rằng, tình hình xuất khẩu gạo ở Việt Nam đang gặp khó, xuất khẩu gạo đạt mức kỷ lục trên 8 triệu tấn vào năm 2012 giảm xuống còn 6,6 triệu tấn trong năm 2015 và đang có dấu hiệu giảm trong thời điểm hiện nay. Việt Nam tuy đứng đầu về lượng gạo xuất khẩu nhưng gặp thử thách về chất lượng, cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp cải thiện toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, nhất là ở Khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

Chia sẻ về giải pháp cải thiện, ông Trần Văn Nhân, Giám đốc Công ty Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam, cho biết: Trong toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo Đồng bằng Sông Cửu Long, các đơn vị thực hiện dự án “Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì một nền sản xuất các bon thấp” chọn khâu chế biến lúa gạo để thực hiện giải pháp sản xuất sạch vì đây là khâu có sự tác động lớn đến toàn chuỗi giá trị.

Để thực hiện giải pháp này, các đơn vị tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà máy sản xuất lúa gạo thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng trong xay xát lúa cũng như tận dụng hiệu quả trấu sau xay xát. Theo đó, trấu có thể dùng để sản xuất nhiên liệu (củi trấu, viên nén trấu), sản xuất năng lượng hoặc dùng chất silica từ tro trấu làm phụ gia trong sản xuất vật liệu xây dựng.

Giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất lúa gạo được Tổng công ty Lương thực miền Nam tiếp cận và triển khai thực hiện tại 8 Công ty lương thực ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Các công ty cải tiến công nghệ, thiết bị để chuyển đổi việc sử dụng nguồn nguyên liệu từ dầu, than đá sang sử dụng trấu rời sẵn có trong quá trình xay sát. Đồng thời, các công ty cũng đã đầu tư nâng cấp dây chuyền chế biến gạo để tăng năng suất, hiệu quả sử dụng, cải tạo lò đốt trấu trong các dây chuyền sấy lúa để giảm tiêu hao trấu và thất thoát nhiệt.

Ông Phạm Văn Tỏ, Phó Trưởng phòng Phòng Kỹ thuật và Xây dựng cơ bản - Tổng công ty Lương thực miền Nam, cho biết: Công ty Lương thực Sông Hậu là đơn vị thực hiện đạt hiệu quả giải pháp tiết kiệm năng lượng từ năm 2013 đến nay. Hơn 4 năm thực hiện, Công ty Lương thực Sông Hậu đã tiết kiệm được 980.000 kWh điện. Không chỉ đạt hiệu quả về kinh tế, các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong khâu chế biến lúa gạo còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu ở Khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

Tại hội thảo, các chuyên gia đưa ra giải pháp cải thiện các khâu trong chuỗi giá trị lúa gạo từ làm đất, sử dụng giống, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến và đầu ra, tập trung đến giải pháp sản xuất sạch để tăng giá trị cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Dự án “Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì một nền sản xuất các bon thấp” do Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ tài trợ tại một số quốc gia, có mục tiêu chung là giảm thiểu từng bước phát sinh các chất thải công nghiệp và các sản phẩm phụ trong ngành, thúc đẩy sử dụng các chất thải như một nguồn nguyên liệu. Tại Việt Nam, dự án hỗ trợ cho ngành chế biến gạo và cà phê. Trong hơn 4 năm (2013-2017), dự án đã hỗ trợ thực hiện sản xuất sạch cho 16 nhà máy chế biến gạo và 10 công ty chế biến cà phê, giúp tiết kiệm 1,08 triệu kWh/năm, tương đương hơn 80.000 USD, cắt giảm 621 tấn CO2 thải ra môi trường mỗi năm.

Nguyễn Xuân Dự (TTXVN)