Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) – một tổ chức nghiên cứu độc lập tại Mỹ vừa cho đăng tải bài phân tích của tác giả Yasushi Kudo về giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông, gắn với vai trò của ngoại giao dân sự.
Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) – một tổ chức nghiên cứu độc lập tại Mỹ vừa cho đăng tải bài phân tích của tác giả Yasushi Kudo về giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông, gắn với vai trò của ngoại giao dân sự. Bài viết có một số điểm đáng chú ý sau:
Thực trạng tranh chấp và bế tắc của ngoại giao kênh ISự bất ổn tại Đông Á đe dọa an ninh toàn cầu. Tại vùng biển xung quanh khu vực quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc thì gọi là Điều Ngư, việc các tàu thuộc lực lượng chấp pháp của hai nước này đối mặt với nhau là điều xảy ra như cơm bữa. Nhưng đáng tiếc, Bắc Kinh và Tokyo vẫn chưa thiết lập được đường dây nóng cấp cao để kiểm soát "thùng thuốc súng" này.
Tàu hải cảnh Trung Quốc tại khu vực gần Senkaku/Điều Ngư. Ảnh: Reuters |
Kể từ khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố mua lại 3 hòn đảo thuộc Senkaku/Điều Ngư vốn thuộc sở hữu tư nhân hồi tháng 9/2012, các nỗ lực ngoại giao chính thống - hay còn gọi là ngoại giao kênh I - dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Phải thừa nhận rằng, dù công khai hay bí mật thì dường như cả 2 nước đang cố gắng tìm kiếm khả năng đối thoại. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một cuộc gặp thượng đỉnh giữa người đứng đầu 2 nước để bàn về tranh chấp này.
Hệ quả của tình cảnh đối đầu sâu sắc giữa 2 nước láng giềng, 2 nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới này, liên quan đến tranh chấp lãnh hải là điều dễ thấy. Kết quả điều tra do Genron NPO - một tổ chức phi lợi nhuận của Nhật Bản tiến hành hồi tháng 8 vừa qua cho thấy: Có đến 92,8% người Nhật có ấn tượng xấu hoặc tương đối xấu về Trung Quốc, trong khi 90,1% người Trung Quốc cảm thấy tương tự về Nhật Bản. Không những vậy, 52,7% số người Trung Quốc được hỏi tiên liệu rằng giữa 2 nước sẽ xảy ra xung đột quân sự trong tương lai gần, liên quan đến tranh chấp biển đảo.
Tình cảnh hận thù trong dư luận gây thêm khó khăn cho chính phủ 2 nước trong việc cải thiện quan hệ song phương. Trong bối cảnh như thế, vai trò của ngoại giao dân sự lại càng trở nên quan trọng. Đặc biệt khi ngoại giao dân sự liên quan đến việc công dân, tổ chức nước này tác động đến luồng tư tưởng, quan điểm của nhà lãnh đạo nước kia; người công dân đó đó có thể là quan chức chính phủ, học giả, chuyên gia chính sách. Những sáng kiến dạng này có liên hệ chặt chẽ với các nỗ lực ngoại giao truyền thống, có thể giúp thúc đẩy hành động của chính phủ - dù rằng nó không nhất thiết phải theo quan điểm chính thức.
Vai trò của kênh ngoại giao không chính thứcTại châu Á, có nhiều kênh thuộc dạng Ngoại giao kênh II – là những biện pháp ngoại giao bên ngoài kênh chính thức của chính phủ. Các hình thức ngoại giao theo kênh này chủ yếu bao gồm các học giả, nhà báo, thương nhân, các tổ chức điều tra nghiên cứu độc lập phi lợi nhuận (think-tank) và các chính trị gia, quan chức được mời dự hội thảo với tư cách "cá nhân" hoặc "không chính thức" nhằm hướng đến các mục tiêu chính là xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại, tăng cường hợp tác, giải quyết xung đột và kiến tạo hòa bình.
Thế nhưng, những kênh tiếp xúc như vậy lại rất hạn chế khi xét đến quan hệ Trung - Nhật. Lấy ví dụ: Phần lớn các chương trình ngoại giao nhân dân giữa hai nước này đều là các hoạt động do chính phủ tiến hành, hoặc chí ít là định hướng. Chỉ có một số ít hoạt động khác như sáng kiến của các tổ cức doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, quan hệ kết nghĩa giữa các thành phố, các tỉnh của 2 nước, chương trình trao đổi học thuật giữa các trường đại học...
Có 2 lý do để thúc đẩy ngoại giao dân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trước hết, các nỗ lực của chính phủ dường như chưa đủ để giải quyết các vấn đề phi chính trị, ví dụ như tranh chấp lãnh thổ. Tính phức tạp của Senkaku/Điếu Ngư nằm ở chỗ, chính phủ 2 nước vừa qua đã xử lý vấn đề quá đỗi nhạy cảm này bằng việc tạo dựng dư luận trong nước theo lối kích thích chủ nghĩa dân tộc trong nội địa nhằm gây thanh thế cho mình, đồng thời đổ lỗi cho đối phương. Nổi bật nhất là việc: Người Trung Quốc không có được thông tin về việc Nhật Bản đã quản lý đảo này trên thực tế trong nhiều năm, còn ở Nhật Bản thì chính phủ lại quả quyết rằng Tokyo chưa bao giờ đồng ý đóng gói tranh chấp lãnh thổ trong suốt thời kì đàm phán kí kết Hiệp định hòa bình và Hữu nghị năm 1978 với Trung Quốc (tức là thừa nhận có tranh chấp). Kiểu ngoại giao mù mờ này từng được đánh giá là “thông thái” trong các đời lãnh đạo tiền nhiệm. Ông Đặng Tiều Bình khi còn là Phó Thủ tướng từng thừa nhận “đóng gói” tranh chấp lãnh thổ bằng lời phát biểu tại thời điểm mùa Thu năm 1978 rằng “những thế hệ tiếp theo sẽ thông thái hơn chúng ta. Lúc đó, sẽ có một giải pháp có thể chấp nhận được đối với mọi người”. Nhưng có lẽ nó không còn phù hợp trong thời điểm hiện nay.
Kế đến, lãnh đạo và người dân 2 nước đều có ý đề cập đến sự cần thiết phải giải quyết các bất đồng hiện nay. Giới lãnh đạo Trung Quốc dường như không còn úp mở nữa. Hồi tháng 9/2013, Ngoại trưởng nước này ông Vương Nghị đã tuyên bố rõ: “Trung Quốc sẵn sàng ngồi vào bàn đối thoại với Nhật Bản để tìm ra một cách thức chung nhằm kiểm soát tình hình hiện tại. Nhưng trước hết, Nhật Bản phải thừa nhận rằng có tranh chấp giữa. Cả thế giới đều biết là có”. Ở phía bên kia, 62,7% người dân Nhật Bản được hỏi cũng thừa nhận tồn tại tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Tỉ lệ số người ủng hộ giải quyết tranh chấp qua biện pháp hòa bình cũng chiếm vị trí hàng đầu, 49,1%, kế đến là biện pháp đưa vụ việc ra Tòa án công lý Quốc tế xét xử - với 42,4%.
Ý tưởng giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản mà không viện dẫn đến đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ trang không phải là điều gì đó quá mới mẻ. Điều 1 về Hiệp định Hòa bình và Hữu nghị trong Hiến chương Liên hợp quốc cũng đã đề cập đến vấn đề này. Khi vận dung nguyên tắc này cho mối quan hệ Trung – Nhật, các căng thẳng hiện nay hoàn toàn có thể kiểm soát được. Và nếu có đối thoại liên chính phủ theo định hướng này, hoàn toàn có thể nhận diện được một cách thức giải quyết cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa 2 bên.
HT (
CFR)