12:15 31/12/2020

Giải pháp ngăn chặn đánh bắt thủy sản trái phép

Kể từ khi áp "thẻ vàng" IUU đối với các sản phẩm hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu cách nay hơn 3 năm, Ủy ban châu Âu (EC) đã hai lần sang Việt Nam kiểm tra tiến độ thực hiện các tiêu chí do châu Âu khuyến nghị để gỡ bỏ "thẻ vàng" này.

Qua hai lần kiểm tra EC đã có đánh giá tích cực về việc thực hiện nghiêm túc các tiêu chí chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp của nghề cá Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể gỡ bỏ được "thẻ vàng" để có thể tận dụng được các ưu đãi do các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), đặc biệt là FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU (EVFTA) mang lại, nghề cá Việt Nam cần phải nỗ lực hoàn thiện nhiều hơn nữa mới có thể vượt qua được những trở ngại này. 

Chú thích ảnh
Tàu cá của ngư dân Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu) ra khơi. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Kiểm tra sát sao

Tổng cục Thủy sản cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân quyền cập nhật, khai thác phần mềm Vnfishbase cho các địa phương 28 tỉnh, thành phố có biển theo quy định tại Thông tư số 24/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản. 

Riêng Tổng cục Thủy sản đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu địa phương tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh dữ liệu quản lý tàu cá trên phần mềm Vnfishbase. Tổng cục Thủy sản đã thành lập một đoàn kiểm tra đột xuất việc quản lý khai thác thủy sản, quản lý tàu cá và việc cập nhật dữ liệu trên phần mềm tại một số địa phương. 

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, các đội tàu của các tỉnh vẫn còn trường hợp xảy ra sự cố mất tín hiệu giám sát hành trình. Báo cáo của các địa phương ghi nhận, nguyên nhân của những trường hợp này là do chưa đóng phí vệ tinh nên bị ngắt kết nối, thứ hai là do lỗi kỹ thuật, thứ ba là trường hợp chưa xác định được nguyên nhân ngắt kết nối. 

Khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao quyền giám sát trực tiếp đến các đơn vị quản lý tàu cá của 28 tỉnh có biển, các đơn vị này đã tích cực hoạt động để quản lý tốt đội ngũ tàu cá khi ra khơi, nhanh chóng tiến tới được EC tháo gỡ "thẻ vàng" IUU. 

Theo ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, tỉnh Cà Mau có 5 đơn vị được phép cung cấp dịch vụ thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Do đó, việc tổ chức, giám sát tàu cá được thực hiên chặt chẽ, đã phân quyền trên 60 tài khoản giám sát đến các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nhiệm vụ giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh. 

Tình trạng tàu cá và ngư dân Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép đã giảm đi đáng kể qua từng năm. Kết quả này nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương trong công tác tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp. 

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được xem là thủ phủ đánh bắt của vùng Đông Nam Bộ, với hơn 5.800 tàu cá, trong đó có khoảng 3.000 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, đồng thời là nơi tập trung nhiều tàu cá trong và ngoài tỉnh về neo đậu tại 12 cảng cá và 3 khu neo đậu tránh trú bão an toàn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau gần 3 năm kể từ khi EC đưa ra cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, lực lượng bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển đóng trên địa bàn tỉnh đã đồng hành cùng ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương.

Các bên đã triển khai nhiều giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), giúp nâng cao ý thức của ngư dân trong khai thác, đánh bắt hải sản. Trong đó, yếu tố then chốt để ngăn chặn đánh bắt trái phép là Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cùng với ngành nông nghiệp quyết tâm thực hiện triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá trên địa bàn toàn tỉnh. 

Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trước khi ra khơi, các tàu cá đều phải qua các khâu kiểm tra chặt chẽ của Chi cục Thủy sản. Khi rời cảng, các trạm, đồn biên phòng sẽ tiếp tục kiểm tra xác định tọa độ. Nếu phát hiện ngư dân tắt máy, đội phản ứng nhanh sẽ gặp trực tiếp, yêu cầu bắt buộc chủ tàu phải điện thoại lệnh cho thuyền trưởng phải bật máy định vị, nếu cố tình sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật. 

Phải nỗ lực hoàn thiện hơn

Chú thích ảnh
Chế biến cá ngừ đại dương đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Các chuyên gia kinh tế nhận xét các FTAs đang tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam; trong đó, có mặt hàng thủy sản. Đặc biệt, EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện những bước còn lại để thuận lợi hơn cho xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng tranh thủ cơ hội này để đưa sản phẩm Việt Nam vươn mạnh ra thị trường thế giới, tăng sức cạnh tranh với các quốc gia khác. 

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, từ khi châu Âu áp "thẻ vàng" IUU đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu đều rất khó khăn, châu Âu kiểm tra thực sự gắt gao. Đầu vào nguyên liệu, châu Âu yêu cầu phải có giấy SC (hồ sơ chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản), đầu ra phải cần có giấy CC (giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm). Chứng từ đi vào châu Âu bị kiểm soát nghiêm ngặt. 

Hiện nay, xuất khẩu hải sản của chúng ta vào thị trường châu Âu vẫn giảm 30%. Nhà nước đang thực hiện biện pháp pháp lý, chế tài đối với những ghe, tàu vi phạm Luật Thủy sản 2017, thậm chí có trường hợp vi phạm nghiêm trọng đã phạt lên đến mức 2 tỷ đồng. 

Chính vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, nghề cá Việt Nam muốn giảm được những tổn thất do vi phạm bị xử phạt, tiêu thụ có hiệu quả sản phẩm khai thác, xuất khẩu được suôn sẻ, bắt buộc không có cách nào khác là phải làm sao gỡ được thẻ vàng, trở lại thẻ xanh, từ đó mới có khả năng phát triển ngành hải sản. 

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc cho rằng, châu Âu là thị trường trọng tâm mà Việt Nam không thể bỏ qua. Nếu được gỡ thẻ vàng, ngoài việc được xuất hàng vào châu Âu, tương lai Việt Nam cũng phải tự làm được hệ thống kiểm soát rõ ràng, minh bạch, từ đánh bắt đến nuôi trồng và xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Việc xuất khẩu này không chỉ vào châu Âu mà phải cho toàn thế giới.

Theo quy định của Hiệp định EVFTA, hàng đồ hộp cá ngừ được cấp quota 11.500 tấn. Các mặt hàng hải sản khác thì theo lộ trình từ 3 đến 7 năm để về thuế bằng 0%. Nếu Việt Nam vẫn còn bị giữ thẻ vàng, hoặc nguy cơ bị thẻ đỏ thì các cơ hội do Hiệp định EVFTA mang lại sẽ càng ít. Đó là lý do, động lực để doanh nghiệp, ngư dân, Chính phủ phải cùng bắt tay vào, làm sao giải quyết được chuyện lấy lại thẻ xanh hoặc chỉ duy trì thẻ vàng trong thời gian ngắn.

Hồng Nhung - Minh Hưng (TTXVN)