06:20 28/06/2015

Giải pháp mới giúp giảm chi phí cho người chăn nuôi

Tại Hội nghị khoa học về thức ăn gia súc tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi đã thông tin về những nghiên cứu về việc bổ sung men tiêu hóa trong thức ăn chăn nuôi, giúp người chăn nuôi giảm chí phí sản xuất.

Tại Hội nghị khoa học về thức ăn gia súc tổ chức tại Hà Nội ngày 27/6, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi đã thông tin về những nghiên cứu về việc bổ sung men tiêu hóa trong thức ăn chăn nuôi, giúp người chăn nuôi giảm chí phí sản xuất. Hội nghị do Công ty cổ phần dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (ANCO) và Công ty cổ phần Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (PROCONCO) phối hợp tổ chức.

Tiến sĩ chuyên ngành dinh dưỡng cho lợn (AB Vista của Vương quốc Anh) Gustavo Cordero cho biết, những nghiên cứu gần đây cho thấy việc bổ sung hệ men tiêu hóa Bio-zeemTM trong thức ăn chăn nuôi đã mang lại hiệu quả khả quan khi có thể giảm thiểu các bệnh tiêu hóa thường gặp trên đàn lợn, tăng cường sức khỏe và nâng cao hệ miễn dịch. 

Cám bổ sung men tiêu hóa Bio-Zeem™ có chứa enzyme phytase, giúp ức chế chất kháng dinh dưỡng phytate, vốn có trong cám gạo, bột đậu nành… là nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch, khiến lợn chậm lớn. Ngoài ra, men tiêu hóa Bio-Zeem™ còn có enzyme xylanase, giúp sản xuất ra pre-biotic là thức ăn cho lợi khuẩn, giúp lợn hấp thụ chất dinh dưỡng một cách tốt nhất.

PGS.TS. Dương Nguyên Khang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học Công nghệ (Đại học Nông Lâm TP.HCM) chia sẻ: “Kết quả thực nghiệm tại Trung tâm trên đàn lợn 56 con giai đoạn 20-50kg cho thấy, lợn có sử dụng cám có bổ sung Bio-Zeem™ cho kết quả tăng trọng nổi trội hơn, bình quân 26kg/28 ngày và mức độ hao tổn thức ăn là 1,34kg thức ăn/kg tăng trọng. Nếu so sánh với cám thông thường thì cám có bổ sung Bio-Zeem™ tiết kiệm được 6%, điều này đồng nghĩa với việc người chăn nuôi giảm được chi phí sản xuất”.

Theo PGS.TS. Dương Nguyên Khang, thực tế cho thấy, hiện nay các trang trại có quy mô lớn đều quan tâm đến việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Tuy nhiên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (đóng góp trên 90% sản lượng lợn thịt cho thị trường cả nước) vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với lý do thông thường là chi phí cao và việc áp dụng yêu cầu nhiều kiến thức chuyên sâu.


Khánh An