08:09 02/08/2020

Giải pháp 'hút' vốn cho chợ miền núi

Chợ truyền thống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đóng góp đáng kể vào cải thiện đời sống của người dân trong khu vực.

Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh ngày càng cao từ các kênh phân phối khác, chợ truyền thống đang bộc lộ nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng và điều kiện kinh doanh, kém sức cạnh tranh.

Để mô hình chợ truyền thống phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng vùng miền, cần có tư duy phát triển mới để khai thác triệt để vai trò tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.

Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương để tìm hiểu về vấn đề này.

Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015–2020 (theo Quyết định 964/QĐ/TTg) triển khai đã được 5 năm. Ông có thể đánh giá khái quát về hiệu quả của chương trình?

Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo vì đây là vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn, đời sống bà con thấp.

Một trong những chính sách này là chương trình phát triển hạ tầng thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo theo Quyết định 964 của Thủ tướng.

Chương trình thực hiện từ năm 2015 đến hết năm 2020 với tổng kinh phí là 446 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau, chủ yếu là nguồn vốn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương.

Địa bàn thực hiện là 287 huyện thuộc 48 tỉnh, thành có các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Chương trình đặt ra nhiều mục tiêu nhưng mục tiêu cơ bản nhất là nâng tổng mức luân chuyển hàng hóa và dịch vụ ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo lên đến mức 10-12 %.

Chương trình này hiện nay vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện hết năm 2010 và sau đó mới có đánh giá tổng kết.

Tuy nhiên, có thể khái quát được vài nét và nét về kết quả của chương trình. Đó là việc đầu tư cải tạo mạng lưới chợ truyền thống đã giúp nâng cấp, mở rộng, tăng thêm số lượng các chợ,  giúp cho việc lưu thông hàng hóa được tốt hơn. Cùng với đó, chương trình đã giúp cho các địa phương phát triển, quảng bá được các đặc sản hoặc các sản phẩm có thế mạnh tiềm năng.

Thực tế, không nên quá kỳ vọng vào kết quả mang tính đột phá của chương trình mà đây chỉ là kết quả tạo tiền ban đầu để giúp cho nâng cấp hệ thống hạ tầng thương mại ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Số vốn 446 tỷ đồng rải ra cho 287 huyện để thực hiện được tất cả các mục tiêu là điều không dễ dàng.

Theo ông, việc thúc đẩy hạ tầng thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đang gặp khó khăn, thách thức gì?

Hiện nay, hạ tầng cơ sở hạ tầng thương mại ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo vẫn còn thiếu và yếu.

Khó khăn đầu tiên là do nhận thức của nhiều địa phương còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất về vị trí và vai trò quan trọng của hạ tầng thương mại trong phát triển kinh tế xã hội.

Nhiều địa phương hiểu được tầm quan trọng của hạ tầng cơ sở, nhưng hạ tầng cơ sở chợ trong thương mại chưa được đặt đúng vị trí trong hạ tầng cơ sở chung.

Đầu tư cho hạ tầng thương mại của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo này mới tập trung chủ yếu là vào các hạ tầng chung như điện, đường, trường, trạm…

Trong khi nguồn vốn nhà nước chưa đủ thì hiện nay vẫn còn chưa có được cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho đầu tư từ các nguồn vốn khác, cụ thể, là chưa có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia.

Muốn thu hút đầu tư của các thành phần khác vào đây phải có cơ chế rất mạnh, không phải như vùng đồng bằng. Lý do là dân cư ở đây thưa thớt, sản xuất ít, hàng hoá ít trong khi suất đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nói chung và chợ nói riêng rất lớn, khả năng thu lời không cao nên các doanh nghiệp không mặn mà.

Muốn thúc đẩy, muốn tạo cơ chế thì phải có những cái cơ chế đặc biệt, chính sách ưu đãi cũng phải mạnh như những chính sách về thuế, đất đai, tín dụng. Cho đến nay, chúng ta chưa có được những cơ chế mạnh mẽ, đột phá hơn để có thể thu hút được.

Tốc độ tăng trưởng nhanh của thương mại điện tử, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Theo ông, xu hướng trên ảnh hưởng gì đến sự phát triển của các chợ truyền thống?

Ngay trước dịch COVID-19, trong xu thế phát triển mạnh mẽ của hội nhập quốc tế, khoa học công nghệ, bên cạnh hình thức truyền thống xuất hiện rất nhiều hình thức phân phối lưu thông hiện đại.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thương mại điện tử càng phát triển vì người dân tránh giao tiếp trực tiếp. Nhưng với Việt Nam, do đặc điểm về văn hóa, lịch sử kinh tế, chợ truyền thống vẫn tiếp tục tồn tại và thậm chí còn có khả năng phát triển ở nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian tới.

Không chỉ ở Việt Nam, chợ truyền thống vẫn còn tồn tại phát triển ở trong khu vực Châu Á, ở những cái nước mà có trình độ phát triển hơn Việt Nam.

Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo hình thức chợ truyền thống sẽ còn tiếp tục tồn tại trong thời gian khá lâu vì đây là hình thức giúp cho người dân phân phối, lưu thông hàng hóa.

Hiện có tình trạng chợ xây mới nhưng không thu hút được các doanh nghiệp và người dân tham gia, dẫn đến nhiều chợ xây xong lại bỏ hoang hoặc không sử dụng hết công năng. Vậy theo ông, tình trạng này là do đâu và giải pháp gì để khắc phục?

Qua báo cáo, một số địa phương chợ xây xong không sử dụng hoặc không sử dụng hết công suất, công năng hoặc thậm chí bỏ hoang. Nguyên nhân chính là do khi xây chợ, công tác khảo sát, công tác đánh giá, nghiên cứu vị trí đặt chợ chưa tốt nên có một số chợ đặt vào vị trí không phù hợp, quá xa khu dân cư nên không hiệu quả. Sản xuất ở khu vực miền núi còn kém phát triển, thu nhập của người dân thấp, nên chợ xây xong khó kéo được tiểu thương vào, vì vào cũng không bán được hàng hóa.

Một điểm nữa là một số địa phương xây chợ rất khang trang, kiên cố nhưng không đáp ứng được yêu cầu cụ thể về hàng hóa của địa phương cũng như  yêu cầu của cư dân nên xây xong rồi chỉ sử dụng được một phần hoặc thậm chí không sử dụng.

Hiện quy hoạch phát triển chợ ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo còn thiếu và chưa đồng bộ. Ông có khuyến nghị gì về quy hoạch hệ thống chợ tại khu vực này?

Hiện nay, một số địa phương quy hoạch chợ nhưng không phù hợp với quy hoạch chung phát triển của địa phương. Quy hoạch không đồng bộ dẫn đến việc triển khai khó khăn, lúng túng.

Để quy hoạch tốt phải xác định mục tiêu chính của quy hoạch phát triển chợ là nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động trao đổi hàng hóa địa phương, giúp tiêu thụ hàng hóa của bà con được thuận lợi. Quy hoạch hạ tầng thương mại nói chung và chợ nói riêng là phải đảm bảo tính hợp lý, căn cứ vào nhu cầu cụ thể của địa phương.

Ngoài ra quy hoạch phải phù hợp với định hướng phát triển, nằm trong quy hoạch phát triển chung. Nếu quy hoạch chợ không nằm trong quy hoạch phát triển chung thì rất khó thực hiện.

Việc xây dựng quy hoạch phải có sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt là của khối doanh nghiệp tư nhân. Một điểm nữa là trong quy hoạch phải bố trí quỹ đất để xây dựng hạ tầng thương mại nói chung và chợ nói riêng. Nếu quy hoạch có nhưng quỹ đất không có hoặc là khó khăn thì không triển khai thực hiện được.

Xin cám ơn ông!

Trần Trung/TTXVN (Thực hiện)