09:22 19/09/2014

Giải pháp đồng bộ xử lý nợ xấu

Nợ xấu đang tiếp tục phát sinh do nợ “dây chuyền” của doanh nghiệp tác động lây lan; doanh nghiệp vướng nợ chưa có khả năng phục hồi. Xử lý nợ xấu là một vấn đề khá phức tạp, cần có những giải pháp đồng bộ.

Một số chuyên gia kinh tế cho biết: Nợ xấu đang tiếp tục phát sinh do nợ “dây chuyền” của doanh nghiệp tác động lây lan; doanh nghiệp vướng nợ chưa có khả năng phục hồi. Xử lý nợ xấu là một vấn đề khá phức tạp, cần có những giải pháp đồng bộ.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống hiện ở mức 4,17% tổng dư nợ. Đến thời điểm này, tổng nợ xấu đã xử lý khoảng 210.000 tỷ đồng, hiện còn khoảng 161.000 tỷ đồng. Nợ cũ chưa giải quyết dứt điểm lại phát sinh nợ mới. Vì vậy, không ít chuyên gia kinh tế cho rằng: nếu không giải quyết dứt điểm thì đây là điểm nghẽn của nền kinh tế; nợ xấu cao thì nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) cho biết: Trong bối cảnh tín dụng sản xuất -  kinh doanh chưa có dấu hiệu tăng, các ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh tín dụng xuất khẩu. Tuy nhiên, do thị trường xuất khẩu thủy sản, gạo… không thuận lợi, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này gặp khó khăn, khiến nợ xấu gia tăng. Nhiều khoản nợ nhóm 2 chuyển xuống nhóm 3, nhóm 4 rất nhanh, khiến ngân hàng không kịp trở tay. Tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng vẫn ở mức cao trên 3- 4%, thậm chí ở một số ngân hàng lớn luôn kiểm soát tốt nợ xấu cũng có xu hướng tăng lên.



Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Maritime Bank.

Ông Phạm Huy Thông, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết: Sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, đặc biệt lĩnh vực thép, xi măng giảm mạnh do cầu trong nước giảm. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn bị ảnh hưởng của kinh tế khó khăn, hoạt động co cụm, tài chính không minh bạch, điều kiện vay vốn hạn chế. Khi tiếp cận vay vốn thì tình hình tài chính và tài sản bảo đảm là thách thức lớn với các doanh nghiệp này.

Theo ông Thông, vấn đề lớn là “cục máu đông” nợ xấu vẫn chưa được khơi thông, thậm chí nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng vẫn tăng, vượt mức 4%. Dù NHNN đã tích cực xử lý nợ xấu của các NHTM thông qua Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhưng chất lượng tài sản của toàn hệ thống NHTM chưa được cải thiện do tình hình tài chính của các doanh nghiệp không có nhiều khởi sắc trong bối cảnh kinh tế chỉ phục hồi ở mức vừa phải.  Trong khi đó, hoạt động của VAMC mua và xử lý nợ xấu còn khiêm tốn; hành lang pháp lý về xử lý nợ còn nhiều vướng mắc liên quan đến các ngành khác nhau ngoài ngân hàng.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Tình hình thành lập mới doanh nghiệp và phá sản trong tháng 8/2014 tiếp tục diễn biến phức tạp. Cụ thể, trong tháng 8/2014, Việt Nam có 5.052 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 27,3 nghìn tỷ đồng (giảm 13,2% về số vốn đăng ký so với tháng trước). Trong khi đó, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động lên tới 6.681 doanh nghiệp.

Khó phát mãi tài sản thế chấp

Theo NHNN, hiện có tới 65% tài sản thế chấp là bất động sản. Tuy nhiên, để phát mãi được tài sản bảo đảm đang là một bài toán khó đối với ngân hàng bởi giá bất động sản hiện đã giảm nhiều so với trước. Trong khi đó, người đi vay và kể cả ngân hàng không muốn giảm giá bán tài sản bảo đảm.

Một chuyên gia lĩnh vực tiền tệ chia sẻ: Chưa có quốc gia nào mà việc phát mãi tài sản thế chấp, nhất là tài sản bảo đảm bất động sản lại khó khăn như ở Việt Nam. Trong khi đó, để kỳ vọng bất động sản ấm lên trong tương lai gần là rất khó. Tỷ lệ bán tài sản để thu hồi nợ hiện chỉ chiếm khoảng 1/10 trong tổng số nợ xấu được xử lý. Việc thanh khoản trên thị trường bất động sản rất thấp, không luân chuyển được nên ngân hàng, VAMC không có dòng tiền để xử lý nợ. Bên cạnh đó, VAMC cũng khó bán được tài sản bảo đảm bằng bất động sản vì còn vướng nhiều thủ tục.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chia sẻ: Một khó khăn khác là ngân hàng không thể đơn phương phát mãi tài sản. Nếu bán tài sản mà giá trị giảm so với khoản nợ được thu hồi, khách hàng không hợp tác để thanh toán nốt khoản nợ còn lại.


Thiếu tướng TS. Lê Công- Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội:

Xử lý nợ xấu giúp lưu thông dòng vốn

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực giải quyết vấn đề nợ xấu và bước đầu đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, hệ quả của nó là mối quan hệ, là “niềm tin” giữa ngân hàng và khách hàng ít nhiều đã bị ảnh hưởng. Nhiều khách hàng truyền thống, có sức khỏe tài chính cơ bản tốt nhưng do trải qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế kéo dài cũng đã bị suy giảm chất lượng hoạt động, dẫn đến vi phạm các cam kết nghĩa vụ tài chính với ngân hàng. Để xử lý nợ xấu, các NHTM cần xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu, nợ quá hạn chi tiết theo từng tháng, từng quý, đến từng vùng, từng đơn vị kinh doanh trong hệ thống của mình. Với mỗi khách hàng cần phân tích, đánh giá và có phương án xử lý cụ thể như: Cơ cấu nợ, giãn nợ, bán tài sản bảo đảm để thu nợ, khởi kiện ra tòa hoặc bán nợ cho VAMC. Vấn đề nợ xấu được xử lý sẽ giúp lưu thông dòng vốn trong nền kinh tế, tín dụng có thể được đẩy ra nhiều hơn và quan trọng là khôi phục niềm tin của thị trường, giữa ngân hàng và doanh nghiệp.





Minh Phương