05:16 12/05/2020

Giải pháp để Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi kinh tế sau dịch bệnh COVID-19

TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm vực dậy nền kinh tế mạnh mẽ hơn sau dịch bệnh COVID-19 bằng việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân lao động, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư chuyển đổi công nghệ số…

Giữ chân lao động, ngăn doanh nghiệp phá sản

Đánh giá về vai trò quan trọng của doanh nghiệp (DN) trong việc khôi phục kinh tế sau dịch bệnh COVID-19, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho biết dịch bệnh COVID – 19 đã tác động lớn đến kinh tế cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Theo đó, đa số các DN của thành phố đều trong tình trạng cạn kiệt nguồn lực, thiếu nguyên liệu, giảm đơn hàng, nguy cơ mất thanh khoản …

"Dự báo sang quý 2, kinh tế thành phố sẽ suy giảm nghiêm trọng hơn, số lượng DN ngừng sản xuất, phá sản có nguy cơ tăng cao. Vì vậy, thành phố không thể hồi phục kinh tế theo cách bình thường mà cần có nhiều giải pháp đi kèm, trong đó đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất tốt hơn về vốn, duy trì lao động, duy trì thanh khoản…", ông Chu Tiến Dũng nói.

Chú thích ảnh
Các sản phẩm công nghệ được khuyến khích phát triển trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 xuất hiện. Ảnh tư liệu

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, thành phố hiện có 421.000 DN đăng ký kinh doanh, trong đó DN lớn chiếm 2,2% với quy mô vốn là 67%; DN vừa chiếm 7,1% với quy mô vốn hơn 16%; DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm 90,7% với quy mô vốn chiếm 16,7%. Trong 4 tháng đầu năm, dưới tác động của dịch COVID-19, đã có 12.700 DN giải thể và dừng hoạt động, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ; hệ quả là hơn 300.000 lao động tạm hoãn, ngưng hợp đồng lao động, mất việc.

“Vì vậy, khi dịch bệnh kiểm soát tốt, thành phố tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế thành phố. Cụ thể, thành phố triển khai hàng loạt pháp đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn như: lập tổ công tác hỗ trợ DN từ tháng 3 nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các DN tiếp cận nhanh các gói hỗ trợ của Chính phủ; lắng nghe các kiến nghị của DN để đề ra chính sách phù hợp…”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết.

Đối với các chính sách hỗ trợ DN, từ sau khi dịch bệnh xuất hiện đến nay, các ngân hàng thương mại tại TP Hồ Chí Minh đã cơ cấu lại nợ là 63.000 tỷ đồng; giảm lãi cho DN kinh doanh, kinh tế hộ 12.300 tỷ đồng với 168.000 khách hàng; cho vay mới 88.800 tỷ đồng để đồng hành cùng DN với lãi suất ưu đãi 5,5%/năm. Cục thuế thành phố cũng đã khoanh nợ và gia hạn nộp thuế cho 2.255 DN với 40.000 tỷ đồng đến 30/7; khoanh nợ cho 43.000 hộ kinh doanh, tiểu thương để không bị phát sinh nợ thuế…

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Ảnh tư liệu

Liên quan đề vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế sau giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, giải pháp trước mắt lãnh đạo thành phố cần thực hiện là phải ngăn chặn tình trạng phá sản của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế thành phố. Do đó, thành phố cần giữ cho doanh nghiệp không phá sản bằng cách hỗ trợ thu nhập cho người lao động để người lao động không mất việc làm. Nếu mất lao động, doanh nghiệp không biết phục hồi sản xuất kiểu gì sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Theo đó, thành phố có thể hỗ trợ thu nhập cho người lao động ít nhất là 3 – 4 tháng bằng gói hỗ trợ của Chính phủ và gói hỗ trợ tiêng của thành phố”, ông Nhân đề xuất.

Ngoài hỗ trợ thu nhập cho người lao động có công việc tại các doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, thành phố cần chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo tính thanh khoản để phục hồi sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa. Thành phố có hơn 10 triệu dân, cả nước có gần 100 triệu dân, đây là nguồn khách hàng dồi dào mà DN cần chú ý tới để kích cầu tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh. Sắp tới, thành phố cũng cần tập trung hỗ trợ sản xuất thông qua việc sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc từ thị trường nội địa nhằm thay thế nhập khẩu. Giải pháp này sẽ vừa giúp DN mở rộng chuỗi cung ứng trong nước, đồng thời tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu rất sớm trong cả nước về phát triển công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ vào cuộc sống. Cụ thể cách đây 20 năm, TP Hồ Chí Minh đã đề xuất Trung ương xem công nghệ là một lĩnh vực cần ưu tiên phát triển đột phá, lựa chọn theo hướng tập trung phát triển phần mềm trước. Sau đó, Công viên phần mềm Quang Trung được hình thành, từng bước phát triển. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng xây dựng Khu công nghệ cao với nhiều chương trình khởi nghiệp công nghệ sáng tạo.  Đây cũng là địa chỉ hình thành các ý tưởng sáng tạo, thu hút các nhân tài giúp TP Hồ Chí Minh đi đầu cả nước trong phát triển công nghệ số, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công nghệ 4.0 đã đi vào từng ngóc ngách trong xã hội.

Chú thích ảnh
Công nghệ số giúp cuộc sống của con người thuận lợi và phát triển hiện đại hơn. Ảnh tư liệu

TS Đinh Bá Tiến, chuyên gia về kinh tế số thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, dịch bệnh đã đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi từ offline sang online, đẩy giao dịch trực tuyến tăng 20-30%. Không chỉ thế, các sàn thương mại điện tử còn đưa ra các gói hỗ trợ giúp các DN nhỏ tích cực bán hàng qua sàn; các nền tảng giao nhận, thanh toán... cũng đã đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường trong mùa dịch bệnh. Vì vậy, trong thời gian tới doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh... để tăng hiệu quả kinh doanh sau dịch bệnh. 

"Thực tế, vừa qua có một số DN nhỏ và siêu nhỏ khá nhanh nhạy trong chuyển đổi kinh doanh sang online. Tuy nhiên, muốn doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả hơn, nhà nước nên tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp để họ có thể tiếp cận các giải pháp tổng thể từ Nhà nước khi chuyển đổi số, giúp DN chuyển đổi nhanh, hiệu quả hơn”, TS Đinh Bá Tiến nói.

Tuy nhiên, cũng theo TS Đinh Bá Tiến, về lâu dài, phát triển kinh tế số là xu hướng chung của cả nước và khu vực nên ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát như hiện nay, TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh chuyển đổi số ở khối cơ quan nhà nước và đầu tư hạ tầng kinh tế số để bảo đảm thông tin liền mạch. Riêng với các DN, tập đoàn công nghệ lớn trong nước, cần ngồi lại để đưa ra những gói dịch vụ hỗ trợ DN nhỏ làm việc từ xa, giao dịch online... hiệu quả trong kinh doanh.

Ông Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh, cho biết Chính phủ đang có chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong khi TP Hồ Chí Minh có trên 50% DN công nghệ thông tin và đang xây dựng chương trình chuyển đổi số.… Đây là cơ hội lớn để thành phố chủ động đi đầu trong chuyển đổi và ứng dụng công nghệ số, giúp công nghệ thông tin lan toả từng ngõ ngách của các ngành nghề khác.

“Trước mắt, TP Hồ Chí Minh cần giải bài toán vẫn còn một số DN muốn ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số nhưng chưa biết triển khai theo hướng nào. Một số DN muốn dùng phần mềm quản trị cũng không biết chọn phần mềm nào giá rẻ, áp dụng được ngay. Vì vậy, thành phố nên có hướng hỗ trợ cụ thể cho từng doanh nghiệp, từng ngành nghề cho phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi số”, ông Hải Long kiến nghị.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức