07:18 13/07/2016

Giải pháp đầu tư tín dụng nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long

Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016, tại Hội thảo “Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã kiến nghị một số giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hội thảo "Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL" được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức.

Chủ trì Hội thảo: ông Sơn Minh Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN; ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, ngành Ngân hàng trong thời gian qua đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống.

Hoạt động ngân hàng tại khu vực ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đến ngày 30/6/2016, huy động vốn của cả vùng ước đạt 350.038 tỷ đồng, tăng 9,93% so với 31/12/2015; tín dụng cho khu vực cũng tăng trưởng đều qua các năm, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 30/6/2016 ước đạt 397.991 tỷ đồng, tăng 3,39% so với 31/12/2015, chiếm 8,2% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế…

Tuy nhiên, việc đầu tư tín dụng, phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp là ngành thế mạnh chủ lực còn thấp; sự liên kết hợp tác ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa mạnh; nền kinh tế nông nghiệp trong khu vực đang phải chịu ảnh hưởng lớn của đợt hạn hán và xâm nhập mặn; vấn đề xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa được đầu tư thỏa đáng; chính sách liên kết vùng, chính sách phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được triển khai mạnh mẽ...

Hội thảo tập trung thảo luận và trao đổi xoay quanh các vấn đề: Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; ứng phó với biến đổi khí hậu như tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân khu vực; các vấn đề về thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực của vùng còn nhiều bất cập; vấn đề về liên kết vùng, tận dụng các nguồn lực tại chỗ của vùng chưa được quan tâm thích đáng,...

Tổng Giám đốc Agribank, ông Tiết Văn Thành đã đề xuất, kiến nghị một số giải pháp đối với Chính phủ, NHNN, các Bộ ngành liên quan và địa phương để đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho các mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL.

Trong đó, nhấn mạnh vào các vấn đề: rà soát, điều chỉnh và công bố quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao, chuyên môn hóa đối với cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với lợi thế cạnh tranh và sự biến đổi khí hậu; Nhà nước cần có các giải pháp đồng bộ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân;

Lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa Agribank CN tỉnh Hậu Giang và An Giang với công ty Phu Thinh Food và công ty Antesco.

Chính quyền địa phương hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động sản xuất và cấp tín dụng; Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi và bảo hiểm tài sản bảo đảm.

Gắn trách nhiệm giữa các ngành, các cấp, chính quyền địa phương trong việc quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình liên kết chuỗi; Khuyến khích và sử dụng rộng rãi các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt; Chính phủ, NHNN sớm ban hành cơ chế mới nhằm tạo hành lang pháp lý triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.

Về phía Agribank, sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020; Đẩy mạnh đầu tư đối với 7 chính sách tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và 1 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nghiên cứu mở rộng các mô hình cho vay khép kín, liên kết giữa Ngân hàng - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp; Xây dựng chiến lược khách hàng, ban hành các cơ chế, chính sách, gói cho vay theo từng đối tượng gắn với bảo hiểm nông nghiệp; Triển khai đề án điểm kinh doanh lưu động bằng ô tô chuyên dùng; Phối hợp chặt chẽ trong triển khai thỏa thuận hợp tác đối với các đơn vị đầu mối.

Cũng trong Hội thảo, Agribank chi nhánh tỉnh Hậu Giang và An Giang đã ký kết hợp đồng tín dụng với 02 doanh nghiệp là Công ty cổ phần chế biến thực phẩmxuất khẩu Phú Thịnh (Phu Thinh Food) và Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩmAn Giang (Antesco) với tổng số tiền cam kết cho vay hơn 200 tỷ đồng, tiếp tục thể hiện sự đồng hành của Agribank trong việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

PV