07:05 13/07/2011

Giải pháp chính trị nào cho cuộc chiến Ápganixtan?

Hiện nay thời hạn quân Mỹ rút khỏi Ápganixtan đã rõ ràng, và nếu đúng như kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2014, tổng số binh sĩ Mỹ rút khỏi Ápganixtan là 67.000 binh sĩ. Nhưng vấn đề chế độ chính trị tại Ápganixtan sẽ ra sao? Ai sẽ quản lý nước này sau khi Mỹ rút quân?

Tạp chí Âu - Á ngày 11/7 cho biết, hiện nay thời hạn quân Mỹ rút khỏi Ápganixtan đã rõ ràng, và nếu đúng như kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2014, tổng số binh sĩ Mỹ rút khỏi Ápganixtan là 67.000 binh sĩ. Nhưng vấn đề chế độ chính trị tại Ápganixtan sẽ ra sao? Ai sẽ quản lý nước này sau khi Mỹ rút quân? Lực lượng Taliban sẽ đóng vai trò gì ở Ápganixtan? Pakixtan, nước láng giềng của Ápganixtan và Mỹ, sẽ đóng vai trò như thế nào? Và chính quyền Mỹ có thể làm gì để đưa ra những câu trả lời cho các câu hỏi đó theo hướng có lợi cho Mỹ càng nhiều càng tốt?

Tổng thống Apganixtan Hamid Karzai (phải) và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ngày 12/7. AFP/TTXVN


Cũng như Mỹ, hiện nay các chính phủ châu Âu và các đối tác liên minh khác của Mỹ muốn đạt được tiến trình hòa giải chính trị tại Ápganixtan. Mới đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho biết, cuối năm nay là thời gian thích hợp cho các cuộc đàm phán với Taliban. Nhưng bằng cách đó, Mỹ có thể hy vọng đạt được một giải pháp chính trị không? Trong diễn văn về Ápganixtan hồi tháng 6/2011, Tổng thống Barack Obama đã nhắc lại các mục tiêu của mình đối với các cuộc đàm phán hòa giải với Taliban là lực lượng này phải cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda, chấm dứt bạo lực và chấp nhận bản hiến pháp hiện hành của Ápganixtan.

Một số thủ lĩnh của Taliban hầu như không có dấu hiệu nào tuân thủ đề nghị đó. Sau bài diễn văn vài ngày, để phản ứng, một số thành viên Taliban đã tấn công khách sạn Intercontinental tại Cabun, tấn công các chính khách Ápganixtan tham dự hội nghị thảo luận việc chuyển giao trách nhiệm đảm bảo an ninh tại Cabun và một số tỉnh cho Lực lượng An ninh Quốc gia Ápganixtan. Rõ ràng, một số lực lượng Taliban sẽ tiếp tục chiến đấu trong thời gian dài như các phiến quân tại Irắc. Nhưng một số lực lượng Taliban khác lại muốn đạt được một thỏa thuận và chính phủ Đức đã và đang chủ trì các cuộc đàm phán để đi đến thỏa thuận đó. Đến nay, vấn đề chủ yếu được Taliban quan tâm là các biện pháp xây dựng lòng tin như trả tự do cho các tù nhân và bỏ Taliban khỏi danh sách khủng bố. Oasinhtơn không muốn thảo luận điều đó. Tuy nhiên, chỉ có thể đạt được giải pháp chính trị nếu Taliban đạt được một số đòi hỏi quan trọng trong các cuộc đàm phán như chia sẻ quyền lực chính trị ở Cabun, kiểm soát lãnh thổ, các lợi ích kinh tế và Mỹ rút quân.

Chia sẻ quyền lực ở Cabun không phải chuyện dễ dàng. Taliban mong muốn áp đặt lại hình thức quản lý xã hội nghiêm khắc của Hồi giáo, trong khi nhiều quan chức ở Cabun phản đối. Liên minh phương Bắc, nhiều phụ nữ, những người theo chủ nghĩa thế tục cùng nhiều người khác không muốn Taliban quay trở lại tham gia chính quyền Cabun. Trong khi đó, Mỹ không thể một mình chấp nhận việc can dự chính trị của Taliban.

Taliban có thể gây ảnh hưởng chính trị lớn tại Helmand, Kandahar và các tỉnh khác dọc biên giới với Pakixtan, qua đó cho phép lực lượng này đóng vai trò nhất định trong chính phủ mà không cần quản lý tất cả Ápganixtan.

Nhưng điều này có thể dẫn đến sự phân chia đất nước do các tỉnh dưới quyền thống trị của Taliban sẽ trở thành một bộ phận của Pakixtan. Điều này sẽ giúp Pakixtan đạt được chiến lược mà họ đang tìm kiếm ở Ápganixtan và ngăn chặn Niu Đêli sử dụng mối quan hệ với Cabun để chống lại Ixlamabát, ít nhất ở các tỉnh biên giới.

Taliban đòi các lực lượng nước ngoài rút khỏi Ápganixtan. Đây là một đòi hỏi khó được đáp ứng. Tổng thống Karzai tuyên bố ông ta muốn Mỹ tiếp tục duy trì một hoặc nhiều căn cứ tại Ápganixtan sau năm 2014 và hai bên bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm thảo luận về một khung chiến lược cho phép lực lượng Mỹ tiếp tục ở lại Ápganixtan để giúp đỡ chính phủ nước này. Oasinhtơn cũng muốn duy trì các căn cứ như vậy để có thể phát động các cuộc tiến công chống Al-Qaeda tại Ápganixtan hoặc Pakixtan. Nhưng Taliban sợ rằng Mỹ sẽ sử dụng những căn cứ này để tấn công Taliban cũng như hỗ trợ chính phủ Karzai.

Nguyễn Hữu Trung (P/v TTXVN tại New York, Mỹ)