12:11 29/12/2016

Giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, tính đến ngày 26/12, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015, đạt mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay.

Lễ khởi công Dự án LG Display Việt Nam Hải Phòng, có tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Theo đó, tính đến ngày 26/12, cả nước có 2.556 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 15,1 tỷ USD, tăng 27% về số dự án và bằng 97,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.

Đồng thời, có 1.225 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,76 tỷ USD, tăng 50,5% về số dự án và bằng 80,3% về vốn tăng thêm so với cùng kỳ.

Cũng trong năm 2016, có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện với tổng vốn đầu tư 3,425 tỷ USD.

Tính chung đến 26/12/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 24,4 tỷ USD.

Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong năm 2016 ước đạt 125,9 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 71,55% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô trong năm 2016 ước đạt 123,55 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2015 và chiếm 70,2% kim ngạch xuất khẩu.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm 2016, số dự án cấp mới và tăng vốn vẫn tăng mạnh so với năm 2015. Về vốn đầu tư đăng ký và tăng thêm có giảm hơn so với năm 2015 do trong năm 2016 không có nhiều dự án quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Dự kiến năm 2016 có 2 dự án lớn là dự án điện BOT Nghi Sơn 2, vốn 2,5 tỷ USD và dự án điện Vũng Áng 2, vốn 2,5 tỷ USD được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tuy nhiên, 2 dự án này không có khả năng cấp phép trong năm nay mà phải sang năm 2017.

Cũng trong năm 2016 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 1.020 dự án đầu tư đăng ký mới, 861 lượt dự án điều chỉnh vốn và 290 dự án, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 15,53 tỷ USD, chiếm 63,7% tổng vốn đầu tư đăng ký trong cả năm.

Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đứng thứ 2 với 505 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần gần 1,9 tỷ USD, chiếm 7,79% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 1,68 tỷ USD, chiếm 6,9% tổng vốn đầu tư…

Trong năm 2016 có 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 7 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 2,58 tỷ USD, chiếm 10,62% tổng vốn đầu tư đăng ký. Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 2,41 tỷ USD, chiếm 9,9% tổng vốn đầu tư.

Năm 2016, không kể dầu khí, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố; trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 836 dự án cấp mới, 222 lượt dự án điều chỉnh vốn và 1.935 dự án, tổ chức có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, tổng số vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm là 3,42 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư.

Hải Phòng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 2,98 tỷ USD, chiếm 12,26%. Tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai với tổng số vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần lần lượt là 2,79 tỷ USD, 2,36 tỷ USD và 2,23 tỷ USD.

Một số dự án lớn được cấp phép trong năm 2016 là dự án LG Display Hải Phòng, cấp phép ngày 15/4/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display co.,ltd (Hàn Quốc) đầu tư sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng... Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng, tổng vốn đầu tư đăng ký 550 triệu USD do LG Innotek Co.,Ltd (Hàn Quốc) đầu tư sản xuất mô đun camera tại Hải Phòng. Dự án phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực đầm nhà Mạc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, do Công ty TNHH tập đoàn quốc tế CDC (Cayman Islands) đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 315,46 triệu USD.

Thúy Hiền (TTXVN)