01:21 07/01/2016

Giải mã vụ biến mất của một điệp viên Liên Xô đào tẩu

Khi một điệp viên Liên Xô tự tìm tới Lãnh sự quán Anh tại Thổ Nhĩ Kỳ để cung cấp tin tình báo cho Cơ quan tình báo Anh MI6, ông ta không ngờ rằng yêu cầu đó sẽ dẫn mình tới cái chết.

 Bởi người biết tiếng Nga tiếp ông ta chính là Kim Philby - người mà giới chức Anh tin tuyệt đối nhưng hóa ra lại là điệp viên cài cắm của Liên Xô thuộc “bộ tứ Cambridge” lừng danh.

Ông Menzies đã bỏ lỡ cơ hội phá đường dây gián điệp Liên Xô.

Người Liên Xô đào tẩu là Constantin Volkov - Phó Tổng lãnh sự Nga ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Volkov đến Lãnh sự quán Anh ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1945. Ông tự giới thiệu với bí thư thứ nhất John Reed rằng ông là Phó Giám đốc Cơ quan an ninh Liên Xô và có “một số thông tin rất quan trọng” cần thông báo.
Thông tin này gồm các chi tiết về 250 điệp viên Liên Xô đang hoạt động ở Anh, trong đó gồm tên của hai điệp viên Liên Xô cài cắm trong Bộ Ngoại giao Anh và 7 người trong cơ quan tình báo Anh. Một trong số đó đang làm trưởng một bộ phận phản gián của Anh ở London. Thông tin này nhằm ám chỉ tới Philby - Trưởng bộ phận phản gián của MI6 lúc bấy giờ.

Đổi lại các thông tin mật, ông Volkov đề nghị được tị nạn ở Anh và được trả 50.000 bảng. Volkov nói thêm: “Tôi cho rằng số tiền này là tối thiểu so với tầm quan trọng của tài liệu và bằng chứng mà tôi đưa cho các ông vì hậu quả của việc này là toàn bộ họ hàng của tôi sống ở Liên Xô sẽ tới ngày tận thế”.

Điệp viên Kim Philby.

Biên bản ghi lời một quan chức MI6: “Tôi sẽ thoải mái nếu mọi liên lạc điện báo về vụ Volkov sẽ được gửi cho ông Philby… Tôi muốn nói thêm rằng chúng tôi tin tuyệt đối ở Philby”. Theo chỉ thị đó, tài liệu của Volkov đã “hạ cánh” trên bàn làm việc của Philby. Philby vô cùng hoảng loạn trước nguy cơ đường dây gián điệp của mình bị bại lộ. Nhưng trong một tình huống may mắn đến không thể tin nổi, Philby đã thuyết phục được Giám đốc MI6 là ông Stewart Menzies (bí danh là C) để mình đích thân tới Thổ Nhĩ Kỳ xử lý vụ Volkov.

Sau đó, Philby đã tìm cách trì hoãn thời gian tới Thổ Nhĩ Kỳ để Cơ quan tình báo Liên Xô KGB kịp cử người vào Istanbul, đưa Volkov và vợ ông ta lên máy bay riêng với một “nhân viên y tế Liên Xô”. Ông Menzies về sau kể lại: “Ngoài phi hành đoàn, máy bay chở theo một bác sĩ quân y Liên Xô. Sau đó, chúng tôi không bao giờ nghe tin về Volkov nữa”.

Mặc dù có bằng chứng rõ ràng rằng tình báo Anh đã bị người Liên Xô xâm nhập nhưng theo những tài liệu mà Cơ quan lưu trữ Anh vừa công bố, Giám đốc MI6 Menzies đã không ra lệnh điều tra vì cho rằng cáo buộc mơ hồ. Ông Menzies giải thích: “Lật lại hồ sơ cũ, duy trì theo dõi tất cả mọi người sẽ là điều bất khả thi vì xúc phạm đến họ”.

Nếu tài liệu của Volkov không rơi vào tay Philby thì ông ta hẳn đã giữ được mạng sống của mình và MI6 có thể đã đánh sập được đường dây gián điệp Liên Xô do Philby làm chỉ huy ở Anh sớm hơn 6 năm.

Philby biết rằng một điệp viên trong nhóm bộ tứ là Donald Maclean đang là trọng tâm điều tra sau vụ các bức điện tín giữa Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt thời chiến bị rò rỉ. Philby đã ra lệnh cho Maclean trốn tới Moskva. Không may thay, điệp viên Guy Burgess cũng “bám càng” trốn theo khiến mọi nghi ngờ đổ dồn lên Philby vì mối quan hệ quen thân giữa họ.

Theo một tài liệu của Anh, lúc đầu Philby định bảo vệ bạn nhưng khi thấy nguy cơ với bản thân cao hơn nên đã tìm cách bảo vệ mình trước. Tháng 6/1951, Philby đã điện cho ông Menzies để nói rằng Burgess có thể là gián điệp Liên Xô. Philby đưa ra bằng chứng là Burgess thường làm việc muộn ở nhà, thường đi tới New York và có bài viết của Stalin về chủ nghĩa Mác. Philby còn nói rằng việc Burgess trốn thoát cùng Maclean cho thấy bộ đôi này đã đào tẩu tới Liên Xô.

Khi Burgess đi cảnh báo cho Maclean, Philby đã cảnh báo Burgess rằng không được đi theo Maclean vì biết rõ hành động đó sẽ ảnh hưởng đến mình. Tuy nhiên, Burgess không nghe lệnh. Philby không bao giờ tha thứ cho hành động này và từ chối gặp Burgess những năm sau đó.

Hậu quả của sự việc đúng như Philby dự báo. Vụ tẩu thoát của Burgess và Maclean khiến tình báo Anh tập trung vào những người xung quanh họ, trong đó có Philby và Anthony Blunt. Tuy bị nghi ngờ nhưng người Anh không thể khẳng định Philby là gián điệp của Liên Xô mãi đến khi ông này trốn tới Liên Xô năm 1963. Vụ đào tẩu của Philby là một trong những sự kiện có tác động mạnh nhất thời Chiến tranh Lạnh.

“Bộ tứ Cambridge” do Philby đứng đầu được tình báo Nga tuyển mộ từ khi họ còn học trong Trường Đại học Cambridge những năm 1930. Sau khi ra trường, họ đã leo lên được những vị trí cao trong các cơ quan tình báo, ngoại giao Anh.

Thùy Dương