10:22 28/10/2012

Giải mã ngành ngân hàng Thụy Sĩ - Kỳ cuối: Cạnh tranh toàn cầu

Kể từ năm 2008, ngành ngân hàng Thụy Sĩ bị tấn công và hai ngân hàng lớn nhất đất nước, từng gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực tài chính toàn cầu, là UBS và Credit Suisse đã phải trả giá.

Kể từ năm 2008, ngành ngân hàng Thụy Sĩ bị tấn công và hai ngân hàng lớn nhất đất nước, từng gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực tài chính toàn cầu, là UBS và Credit Suisse đã phải trả giá.

 

Dòng vốn đang chảy ra khỏi các ngân hàng Thụy Sĩ do độ bí mật giảm.

 

Cả UBS và Credit Suisse đều phải đối mặt với yêu cầu tăng tỷ lệ vốn tự có khiến lĩnh vực ngân hàng đầu tư bớt màu mỡ và buộc các ngân hàng phải thu hẹp quy mô hoạt động. Liệu đây có phải là cuộc cạnh tranh do hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ dành ưu đãi về thuế cho khách hàng hơn các đối thủ quốc tế khác?

 

Kinh doanh thua lỗ


Các điều kiện thị trường khó khăn cùng với những thua lỗ trong lĩnh vực tài chính khiến lợi nhuận ròng của ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đã giảm tới 54% trong quý I/2012. Theo báo cáo của UBS, lợi nhuận ròng của ngân hàng này đã giảm từ 1,81 tỉ franc Thụy Sĩ trong quý I/2011 xuống 827 triệu franc (910 triệu USD) trong ba tháng đầu năm nay. Doanh thu của UBS cũng đã giảm 22% từ 8,34 tỉ franc xuống 6,53 tỷ franc. Viễn cảnh kinh doanh trong những quý tiếp theo của UBS vẫn u ám do cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, những bất ổn toàn cầu và tình trạng thâm hụt ngân sách của Mỹ vẫn tiếp diễn. Trong năm ngoái, lợi nhuận ròng của UBS đã giảm 44% so với năm 2010, xuống 4,2 tỉ franc. Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings mới đây đã hạ một bậc của UBS từ A+ xuống A, trong khi ban lãnh đạo UBS dự định sẽ phải cắt giảm khoảng 10.000 nhân viên.


 

UBS mất hơn 2 tỷ USD trong một giao dịch phi pháp.

 

Cách đây hơn 3 năm, việc cựu Giám đốc Bradley Birkenfeld cung cấp danh sách những khách hàng bị nghi ngờ trốn thuế cho Mỹ đã trở thành “thảm họa” đối với UBS, khi xét tới khoản thua lỗ lên tới hàng chục tỉ USD mà ngân hàng này đã phải gánh từ khi khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ bắt đầu tới nay. UBS đã phải chấp thuận nộp phạt 780 triệu USD và công bố thông tin và số tiền gửi cụ thể của một số khách hàng Mỹ sau khi đã giúp họ gửi tiền và tránh khai báo tại Sở Thuế Vụ Mỹ (IRS). UBS đồng thời cũng đồng ý ngừng cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các khách hàng Mỹ có tài khoản không được công bố rõ ràng.


UBS đã phục hồi khỏi tình trạng mất thanh khoản nhưng hình ảnh của một định chế tài chính đóng góp gần 1/3 tăng trưởng kinh tế Thụy Sĩ trong giai đoạn 1990 - 2009, có nền tảng nguồn vốn vững chắc, thận trọng trong quản lý rủi ro đã bị lu mờ khi ngân hàng này mất hơn 2 tỷ USD trong một giao dịch phi pháp. Giữa tháng 9/2011, ngân hàng này lần đầu tiên thông báo phát hiện một vụ giao dịch lừa đảo có quy mô lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Thụy Sĩ, làm UBS thất thoát khoảng 1,849 tỷ franc (gần 2 tỷ USD).


Cũng trong quý I/2012, Credit Suisse thông báo lợi nhuận ròng của ngân hàng Thụy Sĩ này đã sụt giảm mạnh, xuống chỉ còn 44 triệu franc (48,3 triệu USD), giảm tới 96% so với mức lợi nhuận 1 tỉ franc của cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do hoạt động kế toán thua lỗ, cũng như lợi nhuận của lĩnh vực ngân hàng đầu tư giảm sút.
Credit Suisse cho biết ngân hàng này đã cắt giảm 33% các tài sản rủi ro trong suốt năm 2011 nhằm đáp ứng các yêu cầu của quy định quốc tế mới trong Hiệp ước Basel III và giúp các ngân hàng củng cố nguồn vốn dự trữ. Lợi nhuận trước thuế của bộ phận ngân hàng đầu tư đã giảm 1/3 trong quý I/2012 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi bộ phận ngân hàng tư nhân của Credit Suisse (chuyên về quản lý nguồn vốn cá nhân) cũng đã giảm 27%.

 

Họa vô đơn chí


Trong khi đó, truyền thống bí mật ngân hàng Thụy Sỹ lại bị bồi thêm một cú là cuộc chiến chống tham nhũng mang tính toàn cầu. Tháng 9/2007, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick và Ủy ban phòng chống tội phạm và ma túy LHQ (UNODC) đã đưa ra sáng kiến StAR (Stolen Asset Recovery - Thu hồi những tài sản bị đánh cắp) nhằm đấu tranh chống tham nhũng, tìm ra tài sản bị mất để trả lại cho quốc gia bị thiệt hại, kể cả việc lôi ra ánh sáng những kẻ ăn cắp của người nghèo. Việc Bộ Tư pháp Thụy Sĩ ra lệnh trả lại 6 triệu USD cho Haiti là thành công bước đầu trong sáng kiến StAR và cũng là một tín hiệu khác về cách bắt buộc “lộ mật” của ngành ngân hàng.


Tuy nhiên, giới vận động hành lang ngành ngân hàng còn có nhiều ý kiến khác nhau. "Một điều không thể tưởng tượng được là các tổ chức tài chính chuyên nghiệp đã không còn muốn tranh đấu để bảo vệ bí mật thông tin của ngành ngân hàng", một nhân viên ngân hàng tại Geneva nói, "Các ngân hàng lớn đã lùi bước trong khi đó ngân hàng nhỏ, những đơn vị luôn mong muốn bảo mật thông tin khách hàng, lại không có được tiếng nói có trọng lượng đối với giới chính trị gia".


Nhiều khách hàng nước ngoài tỏ ra lo ngại với điều chỉnh này bởi họ sợ rằng ngân hàng Thụy Sĩ sẽ cung cấp thông tin cho giới chức nước họ về các tài khoản mà họ không bao giờ muốn công bố. Trước đó, chính phủ Pháp đã yêu cầu công dân nước mình làm việc trong tổ chức quản lý tài sản phải cung cấp thông tin cho chính phủ. Giới thạo tin cho biết, ngân hàng Credit Suisse đã quyết định yêu cầu các khách hàng có tài khoản không được khai báo phải rút tiền khỏi ngân hàng và không cho phép những người này được mở lại tài khoản. Quyết định này có thể khiến Credit Suisse mất hàng trăm triệu euro.


Mặc dù các ngân hàng yêu cầu khách hàng phải khai báo tài sản ngày càng khắt khe nhưng có vẻ điều đó chưa trả lời được vấn đề cốt lõi nhất, đó là các ngân hàng sẽ dựa vào tiêu chí nào để biết rằng một khách hàng đang gian lận thuế để cắt đứt giao dịch tài chính hay thông báo cho chính quyền? Mặt khác, nếu khách hàng chứng thực được rằng họ đã chấp hành tốt các quy định tài chính, nghĩa vụ thuế đối với các nhà nước thì liệu ngân hàng có phải xác minh xem lời khai đó có chân thực hay không. Hoạt động này hẳn sẽ phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và trải qua các thủ tục khá phức tạp. Nhiều người cho rằng sức hút của các ngân hàng Thụy Sĩ có thể sẽ giảm đi bởi các khách hàng sẽ không còn thấy an toàn khi gửi gắm tài sản của mình, trừ phi chi phí quản lý tài sản giảm mạnh (hiện nay phí dịch vụ ngân hàng của Thụy Sĩ cao hơn so với các nơi khác trên thế giới.


Liệu sự thay đổi chính sách của chính phủ Thụy Sĩ là tham gia Liên minh trao đổi thông tin với EU, có xóa sổ bí mật của ngành ngân hàng? Phải chăng đây là cái giá Thụy Sĩ phải trả cho quá trình hội nhập?


Tố Uyên (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)