06:17 27/06/2012

Giải mã gen người VN- giải pháp cải tạo giống nòi

Các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về gen thuộc Viện Công nghệ Sinh học đã giải mã được 16.000 gen ty thể của 9 cá thể thuộc 3 dân tộc Kinh, Tày, Mường, xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu về hệ trình tự gen người Việt Nam.

Ngày 27/6, tại Hà Nội đã diễn ra buổi làm việc giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam (KHCNVN) về Dự án khả thi giải mã trình tự và phân tích bộ gen người Việt Nam. Đây là đề tài do Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng cho Viện và đã được nghiệm thu cấp Nhà nước.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 

PGS. TS Nông Văn Hải, Phó Viện Trưởng Viện Công nghệ Sinh học – Viện KHCNVN, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Đến nay, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về gen thuộc Viện Công nghệ Sinh học đã giải mã được 16.000 gen ty thể của 9 cá thể thuộc 3 dân tộc Kinh, Tày, Mường, xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu về hệ trình tự gen người Việt Nam. Việc giải mã đầy đủ trình tự gen người Việt Nam sẽ phục vụ hữu ích trong các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác giúp phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, tăng khả năng chăm sóc sức khỏe con người... Cũng từ những kết quả nghiên cứu này sẽ mở rộng ra các nghiên cứu về gen đối với các vi sinh vật, cây trồng thuộc phạm vi nước ta.

 

Chủ trì buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến nhấn mạnh, hướng phát triển gen là hướng phát triển công nghệ sinh học chủ đạo của Việt Nam trong giai đoạn tới. Đây là hướng triển vọng lớn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe con người. Trong quá trình triển khai đề án, Việt Nam cần dựa vào những đối tác quốc tế để được hỗ trợ về kinh phí, tư vấn thiết kế kỹ thuật đạt chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, đề án cần có sự kết hợp liên ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ thông tin với chuyên ngành tin sinh học để có được đội ngũ chuyên gia được đào tạo chuyên sâu và có đủ trình độ chuyên môn cao phục vụ hướng phát triển lâu dài.

 

Thứ trưởng Lê Đình Tiến cho rằng cần thành lập ngay một tổ công tác gồm các chuyên gia trong lĩnh vực gen nhằm xây dựng những bước đi cụ thể đối với lĩnh vực mới này. Trước mắt, Việt Nam cần làm chủ công nghệ giải mã trình tự gen, đào tạo nhân lực, đặc biệt là chuyên ngành tin sinh học phục vụ lĩnh vực mới này.

 

Trong giai đoạn 2012- 2015, dự án tiếp tục triển khai thực hiện mục tiêu giải mã được 100- 115 bộ gen người Việt, trong đó chú trọng giải mã những mẫu gen người có các biểu hiện của căn bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường…, đồng thời tìm hiểu các bộ gen của người Việt có các tài năng, năng khiếu đặc biệt, hoặc có tuổi thọ cao, sức khỏe tốt, từ đó tìm ra giải pháp cải tạo giống nòi.

 

 

Thu Phương