11:20 02/11/2014

Giải mã chương trình không gian giá rẻ của Ấn Độ

Chỉ với hơn 70 triệu USD, chương trình chinh phục Sao Hỏa của Ấn Độ là một nhiệm vụ không gian rẻ nhất từ trước tới nay trên thế giới.

Ấn Độ đã chính thức gia nhập câu lạc bộ ít ỏi các nước (gồm Mỹ, Liên Xô và châu Âu) đưa thành công tàu thăm dò đi vào quỹ đạo của Sao Hỏa và trở thành nước châu Á đầu tiên có được thành tựu không gian quan trọng này. Nhưng điều đáng bàn là New Delhi đã có được thành công ngay ở lần thử đầu tiên với một số tiền đầu tư rất khiêm tốn.

Bên trong Cơ quan Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO).


Chỉ với hơn 70 triệu USD, chương trình chinh phục Sao Hỏa của Ấn Độ là một nhiệm vụ không gian rẻ nhất từ trước tới nay trên thế giới. Hai ngày trước thành công trên của Ấn Độ, tàu Maven của Mỹ cũng đã tới hành tinh Đỏ nhưng NASA đã phải tốn tới 671 triệu USD, gấp gần 10 lần so với tàu Mangalyaan của Ấn Độ.

Theo các chuyên gia, có chênh lệch rất lớn về chi phí nêu trên là nhờ Ấn Độ đã thiết kế Mangalyaan một cách đơn giản nhất. “Họ đã thu gọn nhỏ con tàu, chỉ nặng có 15 kg. Điều đó lý giải cho chi phí rất thấp của nó”, Andrew Coates, người giám sát chính nhiệm vụ thăm dò Sao Hỏa năm 2018 của châu Âu nói.

Nhỏ hơn, đơn giản hơn Maven nhưng Mangalyaan vẫn sẽ giúp Ấn Độ hiểu được về Sao Hỏa, bởi nó được trang bị các thiết bị để tìm kiếm metan - mục tiêu then chốt trong việc phát hiện sự sống của hành tinh này.

Đi lên từ một làng chài

Trở lại nhiều năm về trước, chương trình không gian của Ấn Độ có khởi đầu khá khiêm tốn. Năm 1962, Ấn Độ đã xây dựng Thumba, một làng đánh cá nhỏ gần thành phố phía Nam Thiruvananthapuram thành nơi phóng tên lửa đầu tiên. Địa điểm này được biết tới với tên TERLS rồi sau đổi thành Trung tâm không gian Vikram Sarabhai.

Một nhà thờ nhỏ được TEILS trưng dụng làm căn cứ và nhà của một giám mục gần đó trở thành trụ sở chính. Các bộ phận của tên lửa và bệ phóng thường xuyên được vận chuyển bằng xe đạp. Trong năm đầu thành lập, TERLS đã phóng được tên lửa đầu tiên: Nike-Apache, do Mỹ sản xuất.

Năm 1969, Cơ quan Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) được thành lập tại Bangalore và đã giành được một số thành tựu giúp khẳng định vị thế của Ấn Độ. Nước này trở thành một số ít các quốc gia tiến hành các nhiệm vụ không gian vươn xa khỏi quỹ đạo Trái Đất.

Tới năm 2008, ISRO đã thành công trong nhiệm vụ đầu tiên khi đưa được tàu Chandrayaan đi vào quỹ đạo Mặt Trăng. Cũng trong đợt thám hiểm này, Ấn Độ đã phát hiện được nước trên bề mặt của Mặt Trăng.

Ấn Độ cũng là nước sở hữu mạng lưới vệ tinh viễn thám lớn nhất trên thế giới và là một trong số ít quốc gia cung cấp các dịch vụ phóng vệ tinh thương mại khi New Delhi đã đưa được vào không gian 67 vệ tinh, trong đó có 40 vệ tinh nước ngoài thuộc 19 quốc gia khác nhau. Và việc tàu Mangalyaan đi vào quỹ đạo Sao Hỏa là “ngôi sao” mới nhất trên bảng thành tích của ISRO.

Chương trình khám phá Sao Hỏa của Ấn Độ.


Tuy nhiên, không phải ai cũng ấn tượng và tán thành với những thành công trên của ISRO và những tham vọng không gian của Ấn Độ. Những chương trình thám hiểm Mặt Trăng hay Sao Hỏa đặc biệt bị chỉ trích như một sự lãng phí những nguồn lực vốn có thể được sử dụng tốt hơn để giải quyết tình trạng nghèo đói, suy dinh dưỡng và nhiều vấn đề khác tại quốc gia Nam Á đông dân này.

Tờ Financial Times viết chương trình không gian của Ấn Độ “dường như là cuộc tìm kiếm đầy mơ mộng vị thế siêu cường của tầng lớp tinh hoa” của nước này. Nhưng nhà nghiên cứu Ajey Lele thuộc Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng có trụ sở tại New Delhi phản bác: “Đây là một sự chỉ trích thiếu hiểu biết. Lợi ích của mọi hoạt động không gian không nên được xem xét một cách độc lập, đó là cả một tiến trình phát triển”.

Không giống như các chương trình không gian của những nước khác vốn có động lực và hướng tới các mục tiêu quân sự, chương trình của Ấn Độ bắt nguồn từ những mục tiêu để phát triển, một nhà khoa học cấp cao của ISRO nhấn mạnh.

Thực vậy, các vệ tinh của ISRO đóng một vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi cuộc sống của những người dân Ấn Độ bình thường, thông qua những đóng góp trong việc xóa mù chữ, phát triển các chương trình học từ xa, dự báo thời tiết và thảm họa thiên nhiên, chữa bệnh từ xa…

Một dẫn chứng cụ thể nhất đó là khi cơn bão Phailin ập vào bờ biển phía Đông Ấn Độ hồi năm 2013, các vệ tinh của ISRO đã cung cấp thông tin quan trọng về thời điểm và vị trí mà cơn bão quét qua mạnh nhất. Điều này đã giúp chính phủ sơ tán kịp thời trên 1 triệu dân.

Thống kê sau cơn bão cho biết có 7 người dân bị chết, trong khi so với thời điểm năm 1999, một cơn bão với sức tàn phá tương tự đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng.

Những thành công của ISRO trên không gian vũ trụ phần lớn nhờ chính nỗ lực tự thân của Ấn Độ. Sau các vụ thử hạt nhân trong các năm 1974 và 1998, một số cơ sở nghiên cứu khoa học của nước này, trong đó có ISRO, đã rơi vào danh sách bị trừng phạt.

Các biện pháp trừng phạt này đã đẩy lùi những chương trình không gian tham vọng của New Delhi khi họ không thể tiếp cận được công nghệ của Phương Tây. Trong đó, đặc biệt là việc không tiếp cận được với công nghệ làm lạnh, đã có tác động tiêu cực tới dự án thiết bị phóng vệ tinh địa tĩnh (GSLV).

Nhưng có lẽ chính sự cản trở này đã giúp ISRO có được lợi ích về lâu dài khi các nhà khoa học của họ buộc phải nỗ lực tự làm chủ công nghệ không gian.

“Điều đó đã buộc các nhà khoa học của chúng tôi phải làm việc với những nguồn lực sẵn có và đổi mới dựa trên nguồn ngân sách eo hẹp”, một nhà khoa học của ISRO chia sẻ. Khả năng phát kiến chỉ với số tiền ít ỏi đã giúp ISRO hạ được chi phí cho rất nhiều dự án và chương trình của cơ quan này.


Thái Nguyễn
(The Diplomat)
(Còn tiếp)