Thực hiện nghị định 70 năm 2025 của Chính phủ, ngành Thuế đang triển khai áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) đối với hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Một số tiểu thương bày tỏ lo lắng khi áp dụng thuế theo doanh thu; lo nguy cơ sẽ bị truy thu tiền thuế của những năm trước. Đặc biệt, nhiều hộ không có HĐĐT cho những hàng tồn kho, hàng được nhập từ trước ngày 1/6 trở về trước. Các băn khoăn này đã được cơ quan quản lý trả lời cụ thể tại buổi trả lời trực tuyến sáng 17/6.
Lực lượng chức năng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều địa phương khác đang thực hiện chiến dịch truy quét hàng giả, hàng lậu. Nhiều tiểu thương chợ truyền thống Hà Nội đã đóng cửa vì lo sợ phải chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Ảnh: TTXVN
"Không nên đặt vấn đề truy thu tiền thuế đã nộp các năm trước"
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế, khi chuyển sang nộp thuế theo kê khai, các hộ sẽ nộp thuế trên doanh thu thực tế bán ra. “Đề nghị cơ quan Thuế không truy cứu hàng hóa tồn kho không đủ hóa đơn, chứng từ, trừ trường hợp hàng phi pháp đã loại trừ nêu trên”, bà Nguyễn Thị Cúc đề xuất.
Liên quan tới vấn đề truy thu thuế của các năm trước, bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, theo Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thực hiện, trường hợp hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán: Nếu doanh thu thay đổi từ 50% trở lên so với doanh thu khoán, đề nghị Cơ quan thuế điều chỉnh lại mức thuế khoán theo doanh thu trong năm chuyển đổi.
“Trường hợp hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai: Hộ kinh doanh tự xác định doanh thu, tự nộp thuế theo tỉ lệ quy định. Cơ quan Thuế sẽ thanh tra, kiểm tra truy thu thuế nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm trốn thuế”, bà Nguyễn Thị Cúc cho biết.
Bắt đầu từ ngày 1/6, các hộ kinh doanh phải xuất hóa đơn theo quy định mới. Như vậy sẽ phát sinh trường hợp doanh thu thực tế xuất hóa đơn sẽ lớn hơn doanh thu kê khai nộp thuế của các năm trước.
Theo Hội Tư vấn Thuế, để khuyến khích các hộ kinh doanh tự giác chuyển đổi kê khai thuế đúng doanh thu thực tế phát sinh, không nên đặt vấn đề truy thu tiền thuế đã nộp các năm trước, trừ trường hợp có hành vi vi phạm nghiêm trọng để trốn, gian lận thuế.
Cần có giấy tờ chứng minh xuất xứ hàng hóa
Trước tình trạng “né” thuế, vẫn có những hộ và cá nhân kinh doanh nhắn người mua hàng khi chuyển khoản thanh toán, không ghi nội dung gì hoặc ghi nội dung không đúng với thực tế giao dịch, đại diện Cục thuế cho biết, cơ quan Thuế đã có giải pháp để xác định giao dịch thực tế như một chủ tài khoản có vài chục đến hàng trăm giao dịch nhận tiền trong ngày. “Với người tiêu dùng mua hàng, chúng tôi khuyến cáo nên trung thực trong việc xác nhận nội dung thanh toán để đảm bảo chứng minh giao dịch. Trong trường hợp hàng hóa đó ảnh hưởng đến sức khỏe, nguồn gốc hàng hóa..., người tiêu dùng có bằng chứng trong việc mua hàng để xử lý các vướng mắc có liên quan (nếu có)”, đại diện Cục thuế cho biết.
Trả lời thắc mắc của nhiều người kinh doanh hàng mỹ phẩm "handmade" không có hóa đơn đầu vào, làm sao xuất hóa đơn đầu ra? đại diện Cục Thuế cho biết: Đối với hàng mỹ phẩm handmade, trường hợp hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai, thực hiện chế độ sổ sách kế toán, chứng từ theo Thông tư 88/2021/TT-BTC.
Cơ quan Thuế khuyến nghị hộ, cá nhân kinh doanh đảm bảo việc lưu trữ các hóa đơn, chứng từ của hàng hóa, dịch vụ mua vào đầy đủ theo quy định để cung cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước khác khi được yêu cầu, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng hàng hóa đáp ứng theo đúng quy định.
Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) trả lời trực tuyến trên VnExpress sáng 17/6. Ảnh: VNE
Tại buổi trả lời trực tuyến trên VnExpress sáng 17/6 về những băn khoăn của tiểu thương muốn nhập quần áo Trung Quốc về bán, cần giấy tờ gì để đầu vào là hợp lệ, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế cho rằng, hộ kinh doanh cần nghiên cứu chính sách nhập khẩu, tuân thủ theo quy định về thuế nhập khẩu, pháp luật hải quan, pháp luật về thương mại biên giới và pháp luật liên quan. Các giấy tờ cần có để chứng minh xuất xứ hàng hóa như: Hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại, vận đơn, chứng từ nộp thuế khâu nhập khẩu...
Anh Hoàng Huy, 33 tuổi, Nam Định gửi câu hỏi về việc gia đình bán cơm online từ năm 2018. Gần đây, cơ quan Thuế liên hệ báo truy thu hơn 1 tỷ đồng. Anh hỏi hiện quy định truy thu thuế cho trường hợp của anh như thế nào?
Trả lời thắc mắc này, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết: Cần phân biệt rõ giữa kinh doanh online và hình thức thuế khoán áp dụng cho hộ kinh doanh cố định. Kinh doanh online, tương tự hoạt động trên các sàn thương mại điện tử (Tổng cục Thuế đã xây dựng cổng dành riêng từ năm ngoái), có đặc trưng là dòng tiền rõ ràng. Do đó, cá nhân hay hộ kinh doanh online sẽ kê khai và nộp thuế theo từng lần phát sinh, theo tháng hoặc quý, dựa trên doanh thu thực tế.
Cơ quan Thuế sẽ xác định nghĩa vụ thuế dựa trên tổng doanh thu kê khai và tỷ lệ phần trăm trên doanh thu tương ứng. Ví dụ, kinh doanh thương mại là 1,5%, dịch vụ 5%. Trường người làm tiếp thị liên kết hoặc livestream bán hàng thuê cho công ty, phần thu nhập này sẽ được tính như tiền lương, tiền công. "Các hộ kinh doanh cố định sẽ kê khai dự kiến doanh thu cho năm tiếp theo. Dựa trên tờ khai này, cơ quan Thuế sẽ kết hợp với các dữ liệu như diện tích cửa hàng, số lượng nhân công, chi phí điện nước hàng tháng và doanh số của năm liền kề để đánh giá", ông Mai Sơn trả lời.
Thông qua Hội đồng tư vấn xã, phường, mức doanh thu dự kiến được xác định và thông báo đến hộ kinh doanh trước ngày 20/1 hàng năm. Danh sách này được công khai. Sau đó, hộ kinh doanh sẽ nộp thuế hàng tháng hoặc quý theo mức doanh thu đã được thống nhất.
Tuy nhiên theo ông Mai Sơn, nếu hộ khoán có thay đổi quy mô kinh doanh (diện tích kinh doanh, lao động, doanh thu...), họ phải thông báo khai, điều chỉnh tờ khai. Cơ quan Thuế căn cứ vào tờ khai, cơ sở dữ liệu và nếu xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên, thông báo thay đổi mức thuế khoán cho hộ kinh doanh.
"Việc điều chỉnh này không có nghĩa là hộ kinh doanh sẽ bị truy thu phần thuế của các tháng trước đó. Đây là điểm khác biệt rõ ràng giữa kinh doanh online và hộ kinh doanh cố định, dù cả hai đều tính thuế theo tỷ lệ trên doanh số tùy theo ngành nghề. Ví dụ, trong tháng 6, hộ kinh doanh đạt 300 triệu đồng doanh thu thay vì 50 triệu đồng như bình thường, hộ kinh doanh sẽ phải khai báo điều chỉnh để nộp thuế theo mức 300 triệu đồng trong tháng 7. Nhưng nếu tháng sau lại giảm xuống trên 50%, các hộ tiếp tục báo cáo để điều chỉnh", đại diện Cục Thuế cho biết.
Với những trường hợp đã hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh thuế kê khai, đang sử dụng phần mềm xuất HĐĐT và báo cáo thuế quý, vậy họ có phải cài đặt thêm máy xuất HĐĐT hay không?
Liên quan vấn đề này, bà Đinh Thị Thúy - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Misa cho rằng, tiểu thương, hộ kinh doanh cần làm rõ việc đã xuất HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền chưa? Trường hợp đã xuất hóa đơn nhưng là hóa đơn thông thường, theo Nghị định 70, Thông tư 32, hộ kinh doanh vẫn phải chuyển sang xuất hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền.
Theo bà Đinh Thị Thúy, với hộ kinh doanh kê khai, hiện việc khai thuế được thực hiện theo Thông tư 40 và sổ sách theo Thông tư 88. Với phần mềm Misa, trường hợp tiểu thương đang dùng hóa đơn thông thường của Misa, Công ty có chính sách quy đổi miễn phí sang hình thức hóa đơn máy tính tiền.
“Hệ sinh thái của Misa có đầy đủ từ hóa đơn, chữ ký số, phần mềm bán hàng và kế toán đáp ứng cho hộ kê khai. Đặc biệt, dữ liệu hoàn toàn liên thông để hộ kinh doanh không phải nhập liệu nhiều lần, giảm sai sót, và đáp ứng đúng quy định. Misa cũng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến hàng đầu, tự động nhập liệu, hạch toán và lên tờ khai, giúp chủ hộ thực hiện khai thuế đơn giản nhanh chóng.