03:11 20/03/2018

Giải cứu cho điệp khúc 'giải cứu'

Hàng trăm tấn củ cải trắng của bà con Mê Linh (Hà Nội) được người dân “giải cứu” trong mấy ngày qua, cho thấy sức mạnh của sự đùm bọc yêu thương trong cộng đồng người Việt; nhưng cũng làm dấy lại câu hỏi: Đến khi nào thì điệp khúc “giải cứu nông sản” mới chấm dứt?

HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, Tráng Việt, Mê Linh, nơi có khoảng 1.200-1.500 tấn củ cải tới kỳ thu hoạch, đã giải cứu được khoảng 60 tấn thông qua các doanh nghiệp, siêu thị, chỉ trong 3 ngày. Số còn lại, lên tới hàng trăm tấn, được người dân, qua các nhóm thiện nguyện, các tổ chức xã hội… đã và đang được tiếp tục đóng gói, vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng.

Nông dân tiêu thụ được sản phẩm nông nghiệp tồn đọng, người tiêu dùng được sử dụng nông sản với giá phải chăng, xã hội bớt đi sự lãng phí và ô nhiễm khi hàng trăm tấn củ phải đổ bỏ. Hơn thế, một lần nữa, lòng thơm thảo, nghĩa sẻ chia lại đem tới sự ấm áp cho cộng đồng.

Trước củ cải, những nông sản khác của nông dân cả nước như: hành tím, dưa hấu, thanh long, thịt lợn… cũng đã phải nhờ đến sự “giải cứu”. Sau củ cải, nghe đâu, xu hào cũng đang gối bước chờ được tiếp ứng. Điệp khúc “giải cứu” dần đã như một tiếng thở dài quen thuộc, đến nỗi bắt đầu có chút lo lắng về việc “mất thiêng”.

Cũng đã hơn một lần, tình trạng “được mùa rớt giá” xuất hiện tại các diễn đàn thời sự chính trị. Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 1/11/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đề ra các giải pháp, trong đó có nội dung đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đề cập đến giải pháp phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông, lâm, thuỷ sản; đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực… 

Quốc hội nước ta cũng từng có nhiều phiên họp, trong đó nội dung về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp luôn được đề cập song song với thống kê các thành tựu về sản xuất.  Các chuyên gia nông nghiệp, doanh nhân, nhà nghiên cứu kinh tế, nhà hoạch định chính sách đã có nhiều, rất nhiều những đề xuất nhằm giải quyết trước mắt và lâu dài cho tình trạng này. Về trước mắt, là sự chung sức của cộng đồng, của các đơn hàng lẻ từ mỗi người dân và các đơn vị thu mua số lượng lớn như siêu thị, bếp ăn các khu công nghiệp, lực lượng vũ trang…

Về lâu dài, là xây dựng hệ thống thông tin, dự báo về tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ… một cách dễ cập nhật, theo dõi để người dân chủ động trong sản xuất. Nông dân nếu không thể có cái nhìn toàn diện, thì mỗi địa phương cần phát huy hơn nữa năng lực của đội ngũ cán bộ nông nghiệp, thương mại… để theo dõi và dự báo, cung cấp những khuyến cáo kịp thời cho người dân. Bên cạnh đó, nếu vùng nguyên liệu đủ lớn, thì việc nghiên cứu để xây dựng các nhà máy chế biến nông sản là điều vô cùng cần thiết. 

Song hành với các nhà máy chế biến, là những cơ chế phù hợp để củng cố mối quan hệ  các “nhà”: Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nhân - Nhà nông - Ngân hàng. Sao cho nông dân yên tâm sản xuất sạch, có vốn mở rộng vùng chuyên canh, nghiêm túc với thoả thuận cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các doanh nghiệp thì có cơ hội về vốn, về hạ tầng, và nhìn thấy được sự hấp dẫn khi đầu tư sản xuất chế biến nông sản cũng như xây dựng các kênh phân phối trong nước và nước ngoài, xây dựng các thương hiệu giá trị cao tạo uy tín cho nông sản Việt.

Nhưng, vấn đề ở đây là  mặc dù đã có không ít nghiên cứu đề xuất về các giải pháp giúp nông nghiệp và nông dân thoát cảnh ùn ứ sản phẩm, nhưng việc triển khai dường như chưa đủ hiệu quả và kịp thời. Vậy là cứ loanh quanh mùa nào giải cứu thức nấy, đến nỗi điệp khúc “giải cứu” cũng sắp đến lúc phải đặt lên bàn giải cứu.

Chính vì vậy, song song với việc giải cứu tức thì cho nông sản dựa vào sự chung tay của cộng đồng, cần lắm những hành động thiết thực và hiệu quả, để triển khai kịp thời chiến lược phát triển công nghiệp chế biến, trong đó vai trò của mỗi “nhà” đều được ràng buộc không chỉ  bởi lợi ích mà còn bởi cam kết cho phát triển lâu dài. Cần tăng cường hơn nữa việc phát triển các ngành công nghệ vào dịch vụ nỗ trợ nông nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng chủ yếu dựa vào doanh nghiệp, hợp tác xã và trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. 

Có như vậy, mới thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 5 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là giải pháp căn cơ cho phát triển bền vững nông nghiệp, để không còn tình trạng lặp đi lặp lại “bài ca” trông chờ giải cứu mỗi mùa vụ.

Thuỳ Hương