Các mô hình nuôi thủy sản ở tỉnh Kiên Giang có bước phát triển về quy mô và số lượng, tiêu biểu như: mô hình nuôi lươn không bùn, nuôi ba ba thịt, nuôi xen canh một số loài cá, cua, sò huyết dưới tán rừng phòng hộ…
Mô hình nuôi lươn không bùn tại xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (ảnh tư liệu).
Mặc dù vậy, một số mô hình gặp khó khăn do thiếu tính liên kết, đầu ra và giá cả không ổn định khiến cho một số mô hình chưa phát huy hiệu quả, hiệu quả kinh tế chưa mang tính bền vững.
Bấp bênh đầu ra
Theo một số nông chuyên nuôi lươn ở xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, tình hình nuôi lươn thịt ở địa phương khoảng 3 năm gần đây gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do giá lươn thịt bắt đầu giảm từ giữa năm 2022, giảm mạnh từ đầu năm 2023 đến nay và hiện tại giá chỉ bằng một nửa so với thời điểm đầu năm 2022 (90.000 đồng/kg). Trái ngược với giá lươn thương phẩm, giá thức ăn dành cho loài vật nuôi này lại liên tục tăng. Vì vậy, người nuôi rất khó có lời và đa số họ đều giảm quy mô, nuôi theo kiểu cầm chừng để tránh thua lỗ.
Anh Lý Thanh Thoại, ngụ ấp Minh Dũng A, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng cho biết sau thời gian thất nghiệp do ảnh hưởng dịch COVID-19, cuối năm 2021, gia đình anh xây bể xi măng nuôi lươn. Đợt nuôi đầu, anh Thoại thả nuôi với số lượng 8.000 con/2 bể nuôi, thu hoạch bán lươn với giá khá cao, (170.000 đồng/kg) mang về lợi nhuận hơn 150 triệu đồng. Thấy hiệu quả, anh Thoại xây thêm 2 bể để tăng số lượng thả nuôi lên 16.000 con trong năm 2022, tuy nhiên từ đợt thu hoạch lươn này vào đầu năm 2023 đến nay giá lươn thịt dao động từ 85.000-100.000 đồng/kg, người nuôi có lời thấp.
Anh Thoại cũng cho biết, mô hình nuôi lươn không bùn khá dễ, lươn nuôi đạt sản lượng, tuy nhiên giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên anh cho rằng mô hình này chỉ có thể giúp nông dân cải thiện thu nhập lúc nông nhàn, chứ khó có thể làm giàu.
“Để nuôi được 1kg lươn thịt, người nuôi bỏ ra tiền con giống, thức ăn, tiền điện, nước khoảng 80.000 đồng. Vậy nên, giá lươn phải từ 100.000 đồng/kg trở lên, nông dân mới có lời. Nhận thấy giá lươn giảm, trong khi giá thức ăn tăng, khó có lời nên từ giữa năm 2023 đến nay tôi giảm số lượng thả nuôi còn 10.000 - 12.000 con mỗi đợt. Tôi cũng mong ngành chuyên môn, doanh nghiệp thu mua có giải pháp liên kết trong định hướng nuôi lươn, đồng thời có cơ chế bao tiêu giá cả đầu ra ổn định để nông dân yên tâm thả nuôi với số lượng phù hợp, có lợi nhuận tương xứng với vốn, công sức bỏ ra”, anh Lý Thanh Thoại nói.
Cùng với người nuôi lươn, những hộ nuôi ba ba thịt ở Kiên Giang cũng có cùng nỗi trăn trở về giá cả, đầu ra đối với vật nuôi này. Bà Thị Tuyền, ngụ xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng là một trong những hộ gắn bó lâu năm, có quy mô nuôi ba ba khá lớn ở địa phương cho biết gia đình gắn bó 8 năm với nghề nuôi ba ba. Tùy theo tình hình nhu cầu của thị trường và giá ba ba thịt, bà Tuyền thả nuôi từ 4.000 - 6.000 con mỗi đợt; riêng vụ nuôi năm 2024-2025, gia đình thả 3.000 ba ba giống và đến nay đã thu hoạch hơn 1.500 con, còn lại khoảng 700 con có trọng lượng từ 800 gram - 1,2 kg đang chuẩn bị thu hoạch. Theo bà Tuyền, con ba ba khá dễ nuôi và tỷ lệ nuôi đạt tại ao nuôi của gia đình thường đạt khoảng 75%.
“Khoảng 4 năm gần đây, lợi nhuận từ nghề nuôi ba ba thịt của gia đình tôi giảm nhiều so với trước đó. Nguyên nhân là do giá ba ba thịt những năm gần đây giảm mạnh, nếu như những năm 2022 trở về trước, giá ba ba thịt cỡ nhất, trọng lượng từ 1,2kg trở lên có giá 200.000 đồng/kg, thì những năm gần đây giảm còn 160.000 đồng/kg, cỡ nhì, cỡ 3 cũng giảm khoảng 40.000 đồng/kg, với giá này, người nuôi thuận lợi sẽ có lời khoảng 10.000 đồng/con, còn nếu không may nuôi không đạt số lượng sẽ hòa vốn, hoặc có thể lỗ vốn. Tôi tìm hiểu thì thương lái cho rằng, thịt ba ba chỉ dùng trong nội địa nên giá cả bấp bênh, khi nông dân nuôi ồ ạt, số lượng lớn dẫn đến giá giảm mạnh”, bà Tuyền chia sẻ.
Tính tới liên kết tạo đầu ra
Nuôi ba ba thịt ở xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (ảnh tư liệu).
Không chỉ giá lươn thịt và con ba ba thịt, giá sò huyết tại Kiên Giang trong những năm gần đây cũng biến động thường xuyên theo chiều hướng bất lợi cho người nuôi. Ông Tôn Văn Tường (72 tuổi ), xã Thuận Hòa, huyện An Minh gắn bó hơn 20 với nghề nuôi sò huyết dưới tán rừng phòng hộ ven biển ở địa phương. Những năm 2000-2015, khi nghề nuôi sò huyết chưa được thịnh hành, trung bình mỗi vụ, ông Tường lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/ha.
Theo ông Tường, sò huyết là đối tượng dễ nuôi, không tốn công chăm sóc, vì người nuôi chỉ cần mua con giống về thả xuống vuông và trong suốt quá trình nuôi chỉ cần thực hiện việc lấy nước ngoài biển vào giống như nuôi tôm, cua biển mà nông dân đã nuôi nhiều thập kỷ qua. Lão nông này cũng cho biết, so với nuôi tôm, cua biển, con sò huyết cho lợi nhuận cao hơn từ 5-6 lần và trong những năm 2000-2015, hàng chục nông dân ở xã Thuận Hòa, huyện An Minh đã giàu lên từ mô hình nuôi độc lập sò huyết, hoặc nuôi xen canh tôm sú, cua biển với sò huyết trong cùng một diện tích.
Tuy nhiên, từ sau năm 2015 đến nay, đầu ra của sò huyết không ổn định, giá thường sụt giảm nên lợi nhuận của hầu hết nông dân ở xã Thuận Hòa đều giảm mạnh. Theo đó, khoảng 5 -7 năm nay, số hộ nuôi sò huyết cũng giảm khoảng 50%, một số hộ còn duy trì nghề nuôi cũng giảm quy mô, số lượng thả nuôi.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 cư bản phát triển ổn định. Song bên cạnh, do ảnh hưởng của tình hình thời tiết, nắng nóng, xâm nhập mặn làm cho một số diện tích tôm, cua của nông dân bị thiệt hại, ảnh hưởng, nhưng không nhiều. Cùng với đó, tình hình giá cả một số loài vật nuôi như: cua biển, tôm sú, giá ba ba thịt, lươn thịt, sò huyết có những thời điểm giảm giá ảnh hưởng đến thu nhập, lợi nhuận của nông dân. Trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước được hơn 215.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng trên 80.000 tấn.
Theo ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang, để phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh thời gian tới, ngành sẽ tập trung rà soát, bố trí vùng, khu vực nuôi hợp lý, đảm bảo không chồng lấn với quy hoạch phát triển các lĩnh vực, ngành kinh tế khác. Ngành tăng cường quan trắc môi trường nước, cảnh báo dịch bệnh để giúp người nuôi có những thông tin kịp thời tránh những điều kiện bất lợi trong sản xuất. Đồng thời, tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi đối với một số loài thủy sản và xây dựng mô hình trình diễn để người sản xuất tiếp cận kỹ thuật mới, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả.
“Cùng với đó ngành nông nghiệp và môi trường tăng cường quản lý nhà nước trong sản xuất và hoạt động cung ứng con giống thủy sản đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả nuôi; đẩy mạnh khuyến khích người dân tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết; có biện pháp hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, giúp ổn định đầu ra cho người dân”, ông Lê Hữu Toàn nhấn mạnh.