11:11 11/11/2018

Giải bài toán phân phối nông sản - Bài 2: Giữ thế cạnh tranh

Việc tìm đầu ra, tổ chức các kênh phân phối và lưu thông nông sản đang là thách thức lớn và là nhiệm vụ thiết yếu đặt ra cho ngành nông nghiệp hiện nay.

Mặc dù là quốc gia xuất siêu các mặt hàng nông sản nhưng giá trị nhập khẩu các nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất phân bón, chế biến thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm thịt chế biến và các loại nông sản khác hàng năm cũng không nhỏ. Điều này tác động mạnh lên giá thành sản xuất các mặt hàng nông sản trong nước và ảnh hưởng đến thế cạnh tranh so với các mặt hàng nhập khẩu cùng loại.

Cẩn trọng trước các thông tin

Tháng 10 vừa qua, nhiều loại nông sản rơi vào tin thất thiệt như: thanh long, bưởi da xanh, tỏi Lý Sơn,... Người tiêu dùng chỉ thụ động tiếp nhận nguồn tin các loại nông sản rớt giá, như thanh long chỉ được thu mua với giá 500 đồng/kg tại vườn, hoặc tỏi Lý Sơn rớt giá chỉ còn 35.000 đồng/kg, bưởi da xanh Bến Tre được đổ đống trên vỉa hè tại TP Hồ Chí Minh, bán với giá từ 20.000 - 30.000/kg,…

Chú thích ảnh
Người dân huyện Chợ Gạo, Tiền Giang thu hoạch thanh long. Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngay khi có thông tin thanh long rớt giá, Cục Bảo vệ thực vật đã nắm bắt tình hình thực tế tại các cửa khẩu và doanh nghiệp xuất khẩu thanh long. Thực tế cho thấy, mọi hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc không xảy ra bất thường. Mỗi ngày, Việt Nam vẫn xuất khẩu trung bình 13.000 tấn quả thanh long tươi qua các cửa khẩu tại biên giới phía Bắc.

Với thanh long, sau khi nông dân bán hết thanh long loại 1, loại 2,  loại 3, còn lại là thanh long “dạt”, không được thu mua vì chất lượng quá thấp, khó khăn trong tiêu thụ. Nông dân bán rẻ cho người thu mua để bù đắp chi phí dọn vườn, đại diện Hợp tác xã thanh long Tiền Giang cho biết.

Ông Phạm Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, khi nhận được thông tin sản phẩm bưởi da xanh rớt giá, ông Linh đã khảo sát thông tin giá bưởi da xanh tại huyện Chợ Lách, hầu như không có nhà vườn nào phản ảnh giá bưởi sụt giảm, gây khó khăn trong tiêu thụ bưởi.

Hiện bưởi da xanh Bến Tre được cơ sở Hương Miền Tây thu mua để tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị với giá 32.000 đồng/kg loại 1, 25.000 đồng/kg loại 2. Những loại này phân phối tại siêu thị từ 60.000 - 65.000 đồng/kg. Còn những loại bưởi “dạt”, chất lượng quá kém, nhà vườn chấp nhận bán giá rẻ, khoảng 5.000 đồng/kg để không dọn vườn.

Do đó, nhiều nguồn tin thất thiệt vừa qua chỉ phản ánh những loại sản phẩm bị loại bỏ, không được sử dụng với mục đích kinh doanh sinh lời. Nếu người tiêu dùng không tìm hiểu kỹ sẽ gây thiệt hại cho cả một ngành hàng và người sản xuất ngành hàng đó.

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn cho rằng, việc tìm đầu ra, tổ chức các kênh phân phối và lưu thông nông sản đang là thách thức lớn và là nhiệm vụ thiết yếu đặt ra cho ngành nông nghiệp hiện nay. Bởi, khi thông tin sai lệch, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, thu mua, phân phối và tiêu dùng.

Để quản lý được các nguồn tin liên quan đến mặt hàng nông sản, chính các doanh nghiệp liên kết thu mua, xây dựng vùng nguyên liệu phải tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành hàng của doanh nghiệp, có những thông tin công bố cụ thể về mặt hàng để người tiêu dùng có cơ sở đối chiếu khi nhận một thông tin bất lợi nào đó cho nông sản. Hơn nữa, với cách quản lý này, cũng sẽ giúp hạn chế được những thành phần muốn lũng đoạn ngành hàng, gây hại cho nông dân và kinh tế nông nghiệp.

Tăng chất cho sản phẩm

Dù bài toán giá thành sản xuất luôn là vấn đề trăn trở của người sản xuất, doanh nghiệp và cả chính quyền địa phương nhưng thực tế, ngành nông nghiệp đã hao tốn bao nhiêu giấy mực và thời gian để bàn cãi về phương pháp tăng năng suất, tăng sản lượng, tăng chất lượng cho sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề làm thế nào để giúp người sản xuất hạ giá thành sản phẩm, giữ chất lượng tốt để tăng khả năng cạnh tranh lại ít thấy bàn đến.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ, vấn đề hiện nay là các nhà khoa học và chính quyền địa phương có những đề án giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, thì sản xuất mới hiệu quả. Khi đó, nông dân không cần phải sản xuất thật nhiều mới kiếm lãi nhiều, mà làm ít, giá thành thấp cũng có thể kiếm lời nhiều.

Sản xuất vừa đủ, có nhiều điều lợi cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là, bảo dưỡng được môi trường sinh thái, không tận dụng triệt để tài nguyên đất, tài nguyên nước, không khí. Nông dân tiết kiệm kinh phí cho cải tạo đất, nước và môi trường sau sản xuất, tránh lãng phí khi hàng hóa phát sinh thừa, không mất chi phí giải cứu hay đổ bỏ khi khó tiêu thụ, nguồn kinh tế được xoay vòng sang các mục tiêu khác như dịch vụ kèm theo trong nông nghiệp sẽ hiệu quả hơn.

Giá thành sản xuất trên mỗi sản phẩm giảm, tăng cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng nội địa và cả người tiêu dùng quốc tế. Đây là một trong những chiến lược cạnh tranh, giữ thị trường nội địa trước cơn bão giảm giá bán, tăng chất lượng hiện nay của các tập đoàn kinh tế lớn.

Khối lượng sản phẩm làm ra có chừng mực, khiến khách hàng cảm thấy Việt Nam không vi phạm quy tắc sản xuất của quốc tế, cũng là cách hạn chế các hàng rào thuế chống bán phá giá của thị trường khó tính. Song song với việc giảm giá thành sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm thay vì chú trọng tăng năng suất, tăng số lượng cũng là điều các chuyên gia kinh tế thường nhắc đến.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ, giảm giá thành sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm vốn là một bài toán khó đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Với đặc trưng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nông dân khó mua được vật tư nông nghiệp giá thấp.

Bởi, tỷ lệ chiết khấu phụ thuộc vào số lượng hàng hóa được mua. Khi nông dân mua vật tư nông nghiệp với số lượng lớn mới được chiết khấu nhiều, giúp giảm giá vật tư. Thế nhưng, nông dân sản xuất diện tích nhỏ, trang trại hẹp, số lượng ít, chắc chắn không đủ vốn để mua vật tư nông nghiệp số lượng lớn làm ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất sản phẩm.

Đơn cử, giá thành cho mỗi kilogram thịt lợn hơi là 26.000 đồng, mỗi kilogram cá tra là 24.000 đồng, mỗi kilogram gạo là 3.600-4.000 đồng, mỗi kilogram thịt gà từ 19.000-22.000 đồng. Trong khi đó, sản phẩm thịt gà, thịt lợn nhập khẩu đã qua chế biến, pha lóc chỉ có giá ngang với giá thành của sản phẩm trong nước. Như vậy, bài toán giảm giá thành, tăng chất lượng cho nông sản Việt là điều bắt buộc phải làm.

Ông Nguyễn Trí Công, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Đồng Hiệp (Đồng Nai) cho biết, ngành nông nghiệp có nhược điểm là manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến việc khó cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trang trại lớn, công nghệ hiện đại.

Để giữ thế cạnh tranh, theo ông Nguyễn Trí Công nông sản Việt không thể chạy theo số lượng như những doanh nghiệp nước ngoài mà phải tạo sự khác biệt trong sản phẩm. Đó là, đánh mạnh vào thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng trong nước. Tất cả các loại nông sản từ thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trái cây… đều được dùng ở dạng tươi, ít tiêu thụ dạng chế biến.

Vì vậy, sản phẩm dạng tươi phải được sản xuất vừa đủ cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, chú trọng chất lượng cao, an toàn thực phẩm và chỉ tiêu dinh dưỡng nổi trội để có thể cạnh tranh mạnh với mặt hàng nhập khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước phải nắm rõ khẩu vị của người tiêu dùng trong nước hơn các doanh nghiệp nước ngoài, phải phát huy những lợi thế này để phát triển ổn định.

 

Bài cuối: Liên kết thành chuỗi giá trị khép kín

Hồng Nhung (TTXVN)