11:10 11/11/2018

Giải bài toán phân phối nông sản - Bài 1: Hiệu quả từ liên kết trực tiếp

Trong nhiều năm qua, các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất, cũng như các doanh nghiệp và đất nước.

Thế nhưng, bài toán nan giải gây khó cho nhà quản lý lẫn người sản xuất là làm sao để cân bằng lợi nhuận, lợi ích cho các thành phần tham gia. Đặc biệt, khâu phân phối các loại nông sản đóng vai trò rất lớn trong sự phân chia lợi nhuận và quyết định hiệu quả kinh tế.

Mối liên kết trực tiếp của nhà phân phối, bán lẻ với người sản xuất luôn là mô hình lý tưởng trong phát triển kinh tế hiện nay. Trước yêu cầu của kinh tế thị trường, mua giá thấp nhất, bán giá cao nhất, giảm bớt các chi phí trung gian sẽ mang lại lợi ích lớn cho người sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng. Vì vậy, thông qua việc liên kết trực tiếp của doanh nghiệp và các đơn vị đại diện người sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân sản xuất quy mô lớn… đã mang lại hiệu quả cao cho sản xuất và tiêu dùng.

Chú thích ảnh
Gian hàng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trưng bày tại Hội chợ nông nghiệp công nghệ cao và nông sản an toàn Đồng bằng sông Cửu Long 2018. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Hợp tác làm giàu

Từ những khảo sát thực tế, tiếp cận những chia sẻ từ người sản xuất trước khi tham gia vào các tập thể sản xuất như hợp tác xã kiểu mới, các tổ hợp tác… cho thấy, hiệu quả kinh tế lẫn kinh nghiệm quản lý sản xuất của người sản xuất ngày càng nâng cao. Chỉ khác biệt ở chỗ, năng lực quản lý của từng hợp tác xã khác nhau, dẫn đến sự phát triển nhanh hay chậm.

Song song với việc được nhiều hỗ trợ từ phía hợp tác xã trong sản xuất, như vật tư đầu vào, kỹ thuật sản xuất, thu mua với giá cao hơn so với tự tiêu thụ qua thương lái từ 20% đến 35%… người sản xuất có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin thị trường, thông tin các khách hàng có nhu cầu về sản phẩm khác biệt. Thông qua nguồn thông tin có được từ các hợp tác xã, người sản xuất chủ động hơn trong việc lập kế hoạch sản xuất. Cũng từ đây, sự kết nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp trở nên dễ dàng, không bị làm giá, phá vỡ hợp đồng, người sản xuất có cơ hội xây dựng uy tín và thương hiệu cho chính mình.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nông dân muốn làm giàu phải tham gia vào một tập thể kinh tế như hợp tác xã, tổ hợp tác. Thông qua các tập thể này, quyền lợi của người sản xuất được nâng cao, đủ thông tin ứng phó với những tin giả của người thu mua, đội ngũ thương lái trong và ngoài nước.

Hiện nhiều loại nông sản của Việt Nam như: hồ tiêu, điều, các loại trái cây, rau củ, cà phê, thịt lợn, thịt gà, các loại thủy sản… được sản xuất, chế biến và xuất khẩu khắp thị trường thế giới, nhưng nông dân Việt Nam chưa đủ sức xử lý những “tiểu xảo” trong cạnh tranh thị trường. Thay vì “ai nói gì cũng tin”, người sản xuất tự xác lập cho mình một nguồn tin chính xác về diễn biến giá cả thị trường. Từ đó, người sản xuất sẽ đủ “bản lĩnh” xử lý những thông tin giả, bảo toàn cho sản xuất và thu nhập.

Lợi nhuận chia đều

Với yêu cầu cạnh tranh thị trường hiện nay, bất kỳ ngành hàng nào cũng có chiến lược để phát triển lâu dài. Khi ngành hàng lập chiến lược liên kết ổn định, hầu hết các mắt xích của ngành hàng đều hưởng lợi thỏa đáng.

Trong những năm qua, các ngành hàng phát triển tốt, lợi nhuận được chia đều cho các thành phần tham gia như người sản xuất, doanh nghiệp thu mua, phân phối ra thị trường bán lẻ và cả người tiêu dùng cũng nhận được sản phẩm chất lượng cao từ sự phát triển này.

Các mặt hàng nông sản như thanh long, vú sữa, xoài, chôm chôm, thịt lợn… sau những biến động giảm giá từ 2 năm trước cũng đã phục hồi và mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Qua khảo sát thực tế, ngành hàng vú sữa Vĩnh Kim ở tỉnh Tiền Giang đã chứng minh, doanh nghiệp quản lý tốt kế hoạch sản xuất và phân phối, những nông dân trong chuỗi liên kết của họ cũng trở nên khấm khá.

Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Đại Lâm Mộc (tỉnh Tiền Giang) cho biết, sau tín hiệu tốt từ thị trường Mỹ cách đây 2 năm, ông đã thực hiện liên kết và bao tiêu toàn bộ sản phẩm vú sữa của 40 hộ dân sản xuất vú sữa Vĩnh Kim tại huyện Châu Thành, Tiền Giang để xuất khẩu sang thị trường này.

Qua 2 năm, những lô hàng vú sữa Vĩnh Kim đã nhận được phản hồi rất tốt từ người tiêu dùng Mỹ nên sản phẩm vú sữa Vĩnh Kim có thêm con đường lớn để thâm nhập vào thị trường khó tính khác.

Theo phản hồi của người tiêu dùng nước ngoài, các loại trái cây khác đều có thể phát triển tốt ở những quốc gia khác, nhưng riêng trái vú sữa, hầu như rất khó trồng, hoặc có trồng được cũng không đậu trái. Bởi, khi sản xuất vú sữa, phải có thổ nhưỡng phù hợp, nông dân phải sử dụng các loại thuốc sinh học theo chỉ định. Trước khi thu hoạch 2 tháng, mỗi trái phải được bao để chống ruồi vàng. Người tiêu dùng các nước muốn sử dụng trái này, chỉ có thể nhập khẩu từ Việt Nam.

Thông tin này rất có lợi cho các hộ nông dân sản xuất vú sữa Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm vú sữa Vĩnh Kim. Ông Lê Ngọc Bình, chủ vườn vú sữa 8.000 m2 loại nâu và Lò Rèn tại huyện Châu Thành cho biết, khi ký hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp, ông Bình được sự hỗ trợ nhiều về kỹ thuật chăm sóc.

Nhờ đó, sản phẩm được tiêu thụ ổn định với giá cao, khoảng 70.000 đồng/kg với loại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Những loại khác được doanh nghiệp tuyển chọn để cung cấp cho thị trường trong nước, với giá từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/kg. Ước tính, vườn vú sữa giúp ông Bình thu về hơn 1 tỷ đồng/năm.

Như vậy, có thể thấy được, sản xuất có kế hoạch cụ thể, nắm rõ nhu cầu thị trường và biết điều tiết sản xuất, sẽ giúp cho người sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng được hưởng lợi.

 

Bài 2: Giữ thế cạnh tranh

Hồng Nhung (TTXVN)