12:06 26/12/2014

Giải “bài toán” duy trì mức sinh thấp hợp lý

Những năm qua, nhờ làm tốt công tác giảm sinh, số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ liên tục giảm, từ 6,39 con vào năm 1960 xuống còn 2,09 con năm 2006 (dưới mức sinh thay thế - mức sinh lý tưởng là 2,1 con).

Những năm qua, nhờ làm tốt công tác giảm sinh, số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ liên tục giảm, từ 6,39 con vào năm 1960 xuống còn 2,09 con năm 2006 (dưới mức sinh thay thế - mức sinh lý tưởng là 2,1 con). Tuy nhiên, dự báo của Liên hợp quốc lại khẳng định mức sinh tại Việt Nam còn biến động khó lường: Có thể tăng trở lại hoặc giảm xuống mức thấp, nguy cơ gây ra những bất lợi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nơi thấp, nơi cao

“Hiện nay, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ - TFR) thấp nhất cả nước (1,48 con/phụ nữ) và có khả năng còn tiếp tục giảm sâu. Điều này sẽ đẩy nhanh quá trình già hóa dân số, ảnh hưởng đến sự phát triển nguồn nhân lực cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới. Mặt khác, trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng kết hôn và sinh con muộn cũng như chọn giải pháp chỉ sinh 1 con (dẫn đến xu hướng lựa chọn giới tính để sinh con trai)”, BS Trần Văn Trị, Phó Chi cục trưởng, Phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân cho thanh niên quận Ba Đình, Hà Nội.Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Vấn đề đáng nói là TP Hồ Chí Minh chỉ là một “mảng màu” trong “bức tranh” đa sắc về sự khác biệt mức sinh giữa các vùng, miền. Thống kê cho thấy, trong số 63 tỉnh/ thành thì 18 tỉnh có mức sinh thấp (dưới 2 con), 9 tỉnh có mức sinh rất cao... Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đang có mức sinh rất cao (trên dưới 3 con và thậm chí có nơi lên tới 6 - 7 con) nên vẫn phải kiên trì thực hiện công tác giảm sinh. Ngược lại, vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long lại có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (1,5 - 1,6 con), một số địa phương cũng đang trong tình trạng mức sinh thấp như TP Hồ Chí Minh là Cần Thơ, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu... Mức sinh thấp tại các tỉnh này được cảnh báo là tương đương với Hàn Quốc, Singapore, những nước đã và đang phải triển khai đồng loạt rất nhiều chính sách để khuyến khích phụ nữ sinh con, do thiếu nguồn nhân lực và tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh chóng.

Hơn nữa, theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng, Phụ trách Tổng cục DS - KHHGĐ, sau một thời gian duy trì dưới mức sinh thay thế, những năm gần đây, mức sinh nước ta lại có xu hướng “nhích” lên, đòi hỏi vẫn phải triển khai, giám sát công tác giảm sinh hợp lý. Cụ thể, năm 2011 trung bình mỗi phụ nữ sinh 1,99 con, năm 2013 là 2,13 con, đặc biệt theo một điều tra mới đây của Tổng cục Thống kê thì con số này đã tăng lên 2,4. Theo quan điểm của ngành dân số, tuy chưa đảm bảo độ chính xác vì mục tiêu và phương pháp lấy mẫu so với nghiên cứu của ngành dân số, nhưng con số 2,4 con/phụ nữ cũng là sự “nhắc nhở” về xu hướng mức sinh tăng trở lại.

Từ thực tế nêu trên cho thấy, sự đối lập nhưng song hành giữa tiếp tục triển khai công tác giảm sinh tại những địa phương có mức sinh cao và việc ngăn chặn tình trạng mức sinh giảm quá thấp ở nhiều địa phương đang là 2 vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi ngành dân số, các địa phương cần quan tâm đầu tư để lên kế hoạch và triển khai ngay các giải pháp hữu hiệu trước khi quá muộn.

Linh hoạt điều chỉnh mức sinh

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về “hướng đi” của công tác DS - KHHGĐ, ông Nguyễn Văn Tân cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, việc chủ động duy trì mức sinh thấp hợp lý là giải pháp tối ưu của Việt Nam, đây là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên đã được đề ra trong Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011- 2020. Và đây cũng chính là lý do vì sao Tháng hành động Quốc gia về dân số (tháng 12) và Ngày dân số Việt Nam năm nay có chủ đề “Duy trì mức sinh thấp hợp lý vì sự phát triển bền vững của đất nước”. Mục tiêu hướng đến là vào năm 2015, tổng TFR đạt 1,9 con và vào năm 2020 là 1,8 con.

“Nếu Việt Nam duy trì được mức sinh thấp hợp lý, với TFR khoảng 1,9 - 2 con/phụ nữ thì đến năm 2050 quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 115 -120 triệu người. Như vậy, quy mô dân số ổn định ở mức thấp hơn so với tình huống mức sinh tăng trở lại hoặc giảm thấp, cơ cấu tuổi của dân số cũng sẽ cân bằng, giảm dần sự chênh lệch bất lợi về mức sinh giữa các tỉnh/thành...”, ông Nguyễn Văn Tân khẳng định.

Theo khuyến cáo của Liên hợp quốc, nếu Việt Nam để kịch bản mức sinh tăng trở lại, TFR có thể lên tới 2,3 - 2,5 con/phụ nữ, đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ ở mức cao với khoảng 130 -140 triệu dân; sẽ gây áp lực đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm... Ngược lại, nếu để mức sinh giảm xuống quá thấp, TFR chỉ khoảng 1,35 con/phụ nữ, đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ vào khoảng 95 -100 triệu người; sẽ dẫn đến suy giảm, thiếu nguồn lao động, giai đoạn cơ cấu dân số vàng ngắn lại, già hóa dân số diễn ra nhanh, rất bất lợi đối với sự phát triển của đất nước.

Vậy đâu là giải pháp để duy trì mức sinh thấp hợp lý khi các vùng, miền đang có sự chênh lệch rõ rệt? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp như: Tuyên truyền, giáo dục để người dân chấp nhận quy mô gia đình 2 con; cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân về sử dụng phương tiện tránh thai. Đặc biệt, tùy vào tình hình thực tế mà mỗi tỉnh/thành phố sẽ đưa ra các giải pháp DS - KHHGĐ linh hoạt: Các tỉnh có mức sinh cao cần tiếp tục giảm mức sinh để sớm đạt mức sinh thay thế; các tỉnh có mức sinh thấp cần khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con”.

Theo vị phụ trách ngành DS - KHHGĐ, riêng với các địa phương có mức sinh thấp như TP Hồ Chí Minh, hiện rất khó đưa ra một biện pháp tổng thể hoặc ban hành chính sách khuyến sinh như các nước có mức sinh thấp đã triển khai, song Tổng cục DS - KHHGĐ cũng đã khuyến cáo các địa phương cần chú ý xây dựng các chính sách DS - KHHGĐ phù hợp, tập trung nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền và thay đổi thông điệp từ “Mỗi gia đình nên sinh từ 1 - 2 con” thành “Mỗi cặp vợ chồng hãy sinh đủ 2 con”. Các thành phố lớn cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của những người nhập cư, nhằm đảm bảo đối tượng này không đứng ngoài các chính sách dân số.

Có thể thấy, ngành y tế đã nhìn ra những “lực cản” và đưa ra được những chính sách DS - KHHGĐ cơ bản nhằm thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thấp hợp lý trong thời gian tới. Tuy nhiên, để những chính sách này đi vào thực tế và đạt được hiệu quả như mong đợi thì e rằng còn rất nhiều chông gai. Thực tế, muốn giảm mức sinh từ trên 3 con/phụ nữ, thậm chí từ 6 - 7 con/phụ nữ xuống 1,9 con/phụ nữ ở địa phương có mức sinh cao vốn đã là công việc không đơn giản, nhưng việc nâng mức sinh thấp lên mức hợp lý lại là vấn đề còn khó khăn hơn gấp bội. Đến nay, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong công tác giảm sinh nhưng tuyệt nhiên chưa một quốc gia nào thành công trong việc nâng mức sinh lên sau khi đã “rơi” xuống quá thấp. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy khi TFR rơi xuống khoảng 1,3 - 1,4 con/phụ nữ thì sẽ không cách gì có thể nâng lên được.

Phương Liên - Hứa Chung