12:16 24/12/2015

Giấc mơ của Nhật Bản về vòng vây bao quanh Trung Quốc

Nhật Bản đang phát triển quan hệ quân sự và kinh tế với một loạt nước Đông Nam Á, nằm xung quanh cái gọi là "đường 9 đoạn" phi lý mà Trung Quốc tự đặt ra trên Biển Đông.

Tàu hộ tống Kurama của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản tham gia diễn tập ngoài khơi vịnh Sagami hồi tháng 10. Ảnh: AFP-TTXVN

Theo trang mạng geopoliticalmonitor.com, “khối kim cương của các nền dân chủ” là thuật ngữ ám chỉ liên minh sắp hình thành giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, và những nỗ lực chung của các nước này nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản đang kiên nhẫn và thận trọng hình thành khối liên minh riêng với cùng mục tiêu như vậy. Thêm vào đó, các kế hoạch này từng được bổ sung bởi những đề xuất của Nhật với Nga về việc giải quyết tranh chấp quần đảo Kuril trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ấn Độ và Australia đang tiến bộ rất nhanh trong việc xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh. Ấn Độ là cường quốc lục địa rộng lớn ở châu Á với lịch sử đương thời thù địch với Trung Quốc, cụ thể là cuộc giao tranh biên giới năm 1962. Ấn Độ là quốc gia châu Á có khả năng phô trương lực lượng trên Ấn Độ Dương nếu cần thiết. Mặc dù không nhận được nhiều sự chú ý như vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông hiện nay, nhưng phải nhớ rằng, các nguồn lực từ châu Phi và Trung Đông sang châu Á phải đi qua Ấn Độ Dương trước khi tới được hai vùng biển này. Cuối cùng, Ấn Độ Dương là nơi sản xuất một lượng lớn dầu mỏ ngoài khơi của thế giới.

Cũng giống như Ấn Độ, Nhật Bản đang phát triển quan hệ quân sự với Australia. Mặc dù Australia chỉ là cường quốc bậc trung, song lợi ích mà nước này mang lại cho Nhật Bản thậm chí còn lớn hơn lợi ích mà Ấn Độ mang lại. Điều này là bởi bên cạnh vị trí chiến lược gần điểm giao cắt giữa Ấn Độ Dương và Biển Đông, Australia còn xuất khẩu một loạt tài nguyên khoáng sản sang Trung Quốc. Các nguồn tài nguyên này rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và cho phép Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Australia.

Nhật Bản bên cạnh đó cũng đang phát triển quan hệ quân sự và kinh tế với một loạt nước Đông Nam Á, trong đó đáng chú ý nhất là Việt Nam, Philippines và Malaysia. Cả ba nước này đều có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ở Biển Đông. Philippines thậm chí đang theo đuổi một phán quyết pháp lý quốc tế có lợi cho những tuyên bố của họ, trong khi Malaysia ở rất gần Eo biển Malacca - nơi xảy ra “thế tiến thoái lưỡng nan ở Malacca” của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tầm quan trọng hàng đầu đối với Nhật Bản là cả ba nước này đều nằm xung quanh cái gọi là "đường 9 đoạn" phi lý mà Trung Quốc tự đặt ra, bao trọn hầu hết Biển Đông. Nếu hợp tác cùng nhau, Ấn Độ, Australia, Việt Nam, Philippines và Malaysia sẽ có lợi thế vượt trội trên biển để ngăn chặn sự tiếp cận của Trung Quốc đối với các tài nguyên mà nước này cần để tồn tại.

Tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản tham gia diễn tập tại Yokosuka ngày 16/12. Ảnh: Kyodo-TTXVN

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn cần một cường quốc lục địa phía Bắc để hoàn thiện “vòng vây” này. Nếu không có cuộc khủng hoảng Ukraine và các biện pháp trừng phạt sau đó của phương Tây, thì Nhật Bản đã có thể giải quyết phần nào vụ tranh chấp quần đảo Kuril với Nga. Mong muốn của Nhật Bản cũng được thể hiện rõ qua mức độ trừng phạt mà nước này áp đặt với Nga, vốn không gay gắt như các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu.

Việc có được Nga - nhà cung cấp dầu và khí đốt khổng lồ cho Trung Quốc - trở thành đồng minh của Nhật Bản sẽ có lợi cho Nhật Bản một cách hoàn hảo. Việc này sẽ giúp hoàn tất một hàng rào bao vây Trung Quốc từ mọi phía, đẩy Trung Quốc vào vị thế dễ bị tổn thương hơn, bởi nền kinh tế của Trung Quốc phải phụ thuộc vào dòng di chuyển các tài nguyên thông qua các khu vực chịu ảnh hưởng của liên minh do Nhật đứng đầu, hoặc thậm chí trực tiếp từ các nước đồng minh của Nhật như trong trường hợp của Nga. Cuối cùng, mặc dù Trung Quốc đang tiến hành xâm nhập kinh tế vào Trung Á đi chăng nữa, thì Nga vẫn duy trì mức ảnh hưởng phần nào ở đó mà có thể tác động đến chính sách đối ngoại của các nước này.

Tóm lại, không thể nói rằng Nhật Bản sẽ khiến tất cả các nước nói trên rơi vào thế đối đầu quân sự với Trung Quốc. Việc đơn giản có được các nước này để đối trọng với Trung Quốc đã đủ tạo ra những xáo trộn chiến lược trong những tính toán của Trung Quốc theo hướng có lợi cho Nhật Bản. Việc này đi kèm với việc thừa nhận rằng chìa khóa của tăng trưởng kinh tế và mở rộng ổn định chính trị của Trung Quốc là được tiếp tục tiếp cận tới các tài nguyên đặc biệt cần thiết. Điều này cũng giống với châm ngôn của Tôn Tử đó là “bất chiến tự nhiên thành” và để kẻ thù tự giết chính hắn.

TTXVN/Tin Tức