09:13 02/09/2018

‘Gia vị’ thiết yếu của thông tin

Nhà hàng “Cơm tấm Kiều Giang” đã được minh oan khi xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của 1.029 kg “phụ gia lạ” có tại cửa hàng trong đợt kiểm tra vừa qua. Vụ việc "đường, muối, hạt nêm bị gọi chung dưới tên “phụ gia lạ” này cũng là một bài học đáng nhớ đối với mỗi nhà báo...

Đoàn kiểm tra liên quận (quận 2, quận 9 và Thủ Đức) trực thuộc Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM ngày 21/8 khi kiểm tra đột xuất quán cơm tấm Kiều Giang (chi nhánh số 652, Xa lộ Hà Nội, quận 9, TP.HCM) đã phát hiện các sai phạm: khu vực chế biến không bảo đảm vệ sinh, có sinh vật gây hại, sàn nhà gạch bị vỡ, bong tróc, nhân viên của quán tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, không mang khẩu trang, găng tay.

Chú thích ảnh
Nhà hàng Cơm tấm Kiều Giang. Ảnh: TTXVN phát.

Những lỗi này, đối với cơ sở sản xuất thực phẩm là điều đáng chê trách. Điều đáng nói là nhiều tờ báo đăng thông tin: đoàn kiểm tra còn phát hiện chi nhánh sử dụng 1.029 kg “phụ gia lạ” không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các gia vị có mùi hắc, vị ngọt lợ, màu trắng được đóng thành từng cây... Giữa thời buổi mà việc “cơm hàng cháo chợ” vốn đồng nghĩa với không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, thì thông tin này khiến người tiêu dùng thất vọng và hoang mang, là điều dễ hiểu.

Cho đến khi chủ hệ thống cơm tấm Kiều Giang cung cấp đầy đủ chứng từ cho lô hàng 1,029 kg bị niêm phong, và đó chỉ là đường, muối, hạt nêm…, thì trong hơn tuần lễ, nhà hàng này đã “lãnh đủ” sự ghẻ lạnh, ghê sợ của cộng đồng. Giám đốc của Công ty chủ chuỗi nhà hàng đã phải than trời: “dùng từ “lạ” có thể “giết chết” doanh nghiệp”!

“Lỗi” này, trước hết là xuất phát từ nguồn thông tin của cơ quan chức năng. Đại diện cơ quan chức năng cho biết khi chưa kiểm nghiệm số phụ gia bị thu giữ, thì dùng từ “phụ gia lạ” là hoàn toàn hợp lý. Cũng tương tự như vậy, cách đây chưa lâu, trong các vụ thông tin trên báo chí về nước mắm truyền thống và vụ “cà phê pin”, cho đến khi cơ quan chức năng xác định những thông tin được “người cấp tin” đưa ra chưa chính xác, thì các nhà sản xuất chân chính “chờ được vạ thì má đã sưng”.

Nhưng bên cạnh “lỗi” của nguồn cấp tin, thiết nghĩ bản thân mỗi nhà báo, mỗi tờ báo cũng cần nghiêm khắc nhìn lại chính phương pháp tác nghiệp của bản thân mình. Đối với thông tin, tốc độ đưa tin là điều cực kỳ quan trọng. Nhưng “nhanh” phải luôn đi cùng “đúng” và “tin cậy” – đó mới thực sự là giá trị để phân biệt “thông tin báo chí” khác với “tin đồn”. Trong các vụ việc nêu trên, một thao tác cực kỳ quan trọng của người đưa thông tin đã bị bỏ qua, đó là kiểm chứng. Các giáo trình nghiệp vụ báo chí trong nước và thế giới đều có hướng dẫn chi tiết về thao tác kiểm chứng thông tin, và cách đưa thông tin khi bản thân nhà báo chưa thể kiểm chứng được (ví dụ thông tin khoa học). Nhưng đây đó, không tính tới những trường hợp cố tình, thì việc không ít các nhà báo bị mắc lỗi trong kiểm chứng thông tin, là điều đáng phải nhìn nhận lại một cách thực sự nghiêm túc. Việc vội vã đưa thông tin theo kết quả sơ bộ ban đầu, theo hướng tìm kiếm những chi tiết giật gân, độc, lạ, khiến xã hội hoang mang và doanh nghiệp thiệt hại- đây là những bài học đắt giá cho công tác tác nghiệp của mỗi nhà báo.

Đến giờ phút này, các tờ báo đã gỡ bỏ các thông tin đưa không chính xác. Cơ quan quản lý báo chí cũng có những nhắc nhở và phương án xử lý với các toà soạn vi phạm về quy định trong thông tin. Tuy nhiên, để không xảy ra những sai sót dẫn đến bị nhắc nhở và gây ảnh hưởng tới xã hội, đối với mỗi nhà báo và mỗi toà soạn báo, điều cần thiết hơn cả là không ngừng nâng cao hơn nữa nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm trong thông tin. Đây mới thực sự là “gia vị cốt yếu”, giúp các nhà báo nâng cao năng lực cạnh tranh của thông tin báo chí, so với cả “rừng” thông tin chưa được kiểm chứng từ mạng xã hội.

Thuỳ Hương/Báo Tin tức