04:17 15/04/2021

Giá vàng và giá dầu châu Á đồng loạt tăng

Giá vàng châu Á đi lên trong chiều 15/4, chủ yếu nhờ đồng USD yếu hơn và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm trong khi các nhà đầu tư chờ đợi số liệu về tình hình thất nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 3 của Mỹ để nắm bắt rõ hơn về sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Vàng được bày bán tại một tiệm kim hoàn ở Meyrin, gần Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.744,60 USD/ounce vào lúc 15 giờ 7 phút. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,6% lên 1.745,80 USD/ounce.

Ông Yingtao Jin, nhà phân tích tại StoneX Group, cho biết việc đồng USD yếu hơn sau bài phát biểu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và việc ngân hàng trung ương này sẵn sàng để lạm phát tăng cao hơn đang hỗ trợ cho giá vàng.

Chỉ số đồng USD phiên 15/4 giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tuần so với các đối thủ, giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ những đồng tiền khác.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đang giữ ở mức thấp nhất trong 3 tuần - một yếu tố có lợi khác cho giá vàng.

Tuy nhiên, ông Stephen Innes, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại công ty dịch vụ tài chính Axi, cho biết vàng vẫn bị mắc kẹt trong phạm vi giao dịch nhất định và chỉ có thể phá vỡ tình trạng này giá vàng vượt ngưỡng 1.765 USD/ounce.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần cùng doanh số bán lẻ tháng 3 của Mỹ để có thêm manh mối về sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 0,2% lên 25,47 USD/ounce và giá bạch kim tăng 1,1% lên 1.182,97 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên ngày 15/4, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 54,93 - 55,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

* Giá dầu châu Á tăng lên mức cao nhất một tháng qua trong phiên chiều 15/4 sau khi tăng 5% trong phiên trước đó, nhờ dự báo nhu cầu năng lượng tăng cao từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), giữa bối cảnh các nền kinh tế lớn phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 16 xu Mỹ lên 64,74 USD/thùng vào lúc 13 giờ 59 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 18/3 là 66,94 USD/thùng trong đầu phiên giao dịch. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 12 xu Mỹ lên 63,27 USD/thùng, sau khi cũng chạm mức cao nhất kể từ ngày 18/3 là 63,48 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch.

Chú thích ảnh
 Một cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới phân tích của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho rằng các quy định trong thỏa thuận về nguồn cung năng lượng và các nền kinh tế phục hồi sẽ tạo cơ hội cho giá dầu “thoát khỏi” biên độ giao dịch gần đây. Theo họ, giá dầu Brent dự báo tăng lên 80 USD/thùng trong quý III/2021 do thỏa thuận cắt giảm nguồn cung và nhu cầu phục hồi trong ngắn hạn.

Trong báo cáo hàng tháng, IEA cho biết nhu cầu và nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sẽ tái cân bằng trong sáu tháng cuối năm nay, sau khi đại dịch COVID-19 làm giảm mạnh nhu cầu “vàng đen” trong năm 2020. Theo đó, các nhà sản xuất dầu mỏ có thể phải khai thác thêm 2 triệu thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu.

Tương tự, OPEC mới đây cũng đã nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu thêm 70.000 thùng/ngày so với dự báo được đưa ra trước đó, và dự đoán nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 5,95 triệu thùng/ngày trong năm 2021.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 14/4 thông báo dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,9 triệu thùng trong tuần qua, vượt xa mức dự báo giảm 2,9 triệu thùng của giới chuyên gia.

EIA cho biết nguồn cung ứng xăng cho thị trường, chỉ số tiêu thụ nhiên liệu của Mỹ, trong tuần qua đã tăng lên 8,9 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020.

H.Thủy - Q.Chung/TTXVN (Theo Reuters)