06:06 24/06/2019

Giá vàng sẽ xô đổ mọi kỷ lục nếu thương chiến Mỹ-Trung và bất ổn Trung Đông tiếp diễn

Nhiều tháng nay, Trung Quốc ồ ạt mua vàng dự trữ. Họ đang chuẩn bị cho một “cơn bão” mới trong nền kinh tế toàn cầu và sử dụng vàng làm hàng rào bảo vệ nền kinh tế quốc gia. 

Chú thích ảnh
Vàng thoi trong kho của Sở Đúc tiền Mỹ. Ảnh: AP

Cuộc tranh thương mại đã tạo ra một cú hích lớn với giá vàng, lần đầu tiên trong năm nâng giá kim loại quý này vượt qua ngưỡng 1.400 USD/ounce vào hôm 21/6. Trả lời phỏng vấn hãng Spunik (Nga), nhà báo, nhà phân tích chính trị Tom McGregor tin tưởng giá vàng sẽ còn phi mã nếu cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào cuối tháng này ở Nhật Bản không dẫn đến một thỏa thuận thương mại song phương mới. 

Trung Quốc đã ồ ạt mua vàng dự trữ nhiều tháng nay, bắt đầu từ tháng 12/2018 trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung gây ra nhiều biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cùng lúc đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bán phá giá trái phiếu Kho bạc Mỹ, làm dấy lên các giả định rằng "Trung Quốc tăng gấp đôi lượng vàng để tránh xa đồng đô la Mỹ”. 

Theo ông McGregor – biên tập viên cấp cao tại đài truyền hình CCTV ở Bắc Kinh – thực chất PBOC đang chuẩn bị cho một “cơn bão hoàn hảo” mới trong nền kinh tế toàn cầu và sử dụng vàng làm hàng rào bảo vệ nền kinh tế quốc gia. 

Ông lý giải: “Giá vàng sẽ còn tăng cao hơn. Đây là cơ hội mua tốt cũng là một quyết định kinh doanh sáng suốt của PBOC. Một số hãng truyền thông nước ngoài khẳng định Trung Quốc đang tích trữ vàng để làm quân bài sức mạnh chiến lược, nhưng khi giá vàng tăng cao hơn, giới đầu tư thông minh đủ hiểu tình hình đã chín muồi để mua vàng”.

Nhà phân tích này chỉ ra rằng vàng có xu hướng tăng cao khi nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái, chiến tranh nổ ra hoặc một cuộc khủng hoảng quốc tế gây bất ổn trật tự thế giới. “Vàng là một kênh đầu tư trú ẩn an toàn. Bắc Kinh lo ngại các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ có thể xấu đi nên PBOC vội vàng mở rộng kho dự trữ vàng”, ông McGregor nhấn mạnh. 

Thương chiến Mỹ - Trung bắt đầu sôi sục từ tháng 3/2018 khi ông Donald Trump tuyên bố đánh thuế cao hơn đối với mặt hàng thép và nhôm. Kể từ đó, Washington cùng Bắc Kinh đã nhất trí một thỏa thuận “đình chiến thương mại”, song tình hình căng thẳng trở lại từ ngày 10/5 sau khi đàm phán thương mại song phương kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Đến nay, cả thế giới đang trông chờ vào cuộc họp G-20 tại Osaka, Nhật Bản, không rõ lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất có đạt được một thỏa thuận đột phá nào cho thế đối đầu thương mại hiện nay hay không.  

 

Chú thích ảnh
Một người đàn ông đi ngang qua tấm bảng quảng cáo các loại tiền tệ bên ngoài một sàn giao dịch chứng khoán ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

“Mua Nhân dân tệ nếu Mỹ - Trung đạt thỏa thuận”

Trong khi đó, vàng chính là mặt hàng được lợi lớn nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi giá kim loại quý này đang tăng ổn định. 

Theo tỷ phú đầu tư Paul Tudor Jones, trong hai cuộc phỏng vấn riêng biệt với Bloomberg và CNBC, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất trước cuối năm 2019 vì chiến tranh thương mại có thể làm suy yếu đồng USD và tăng sức mạnh cho vàng. 

“Tôi cho rằng một trong những mặt hàng kinh doanh tốt nhất chính là vàng. Nếu tôi phải chọn lấy thứ (đặt cược) yêu thích nhất của mình trong 12 – 24 tháng tới, nó có lẽ là vàng”, ông Jones trả lời Bloomberg hôm 12/6, đồng thời dự đoán nếu vàng đạt mốc 1.400 USD, nó sẽ nhanh chóng lên mốc mới 1.700 USD. 

Hôm 21/6, giá vàng đã vượt qua mốc 1.400 USD, lập kỷ lục cao nhất từ tháng 9/2013 và sẽ tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, ông Tom McGregor tin rằng đà phi mã của vàng có thể dừng lại, thậm chí là đảo ngược “nếu Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ tại G-20 và có kết quả đàm phán tích cực”. 

Nhà báo sống tại Bắc Kinh lưu ý rằng nếu Mỹ bị kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với Iran, giá vàng còn cao hơn nữa, phải trên 2.000 USD/ounce. “Nếu căng thẳng lắng xuống tại Trung Đông, chúng ta cũng sẽ chứng kiến vàng giảm giá trị”, ông gợi ý.

Ông dự đoán: “Nếu Mỹ - Trung đạt thỏa thuận, giá USD sẽ giảm, bởi vì Bắc Kinh sẽ yêu cầu PBOC tăng giá trị của đồng nội tệ để Washington không thể phàn nàn. Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc thu hẹp sự bất cân bằng thương mại và một đồng Nhân dân tệ mạnh hơn sẽ giúp dễ dàng đạt được mục tiêu trên.

Vì vậy, nếu bạn hỏi tôi, tôi nói hãy mua Nhân dân tệ, thay vì vàng, nếu Mỹ - Trung ký thỏa thuận thương mại, đóng dấu và chuyển cho nhau”.

Trung Quốc bán trái phiếu để hỗ trợ Nhân dân tệ

Ngày 18/6, tờ Financial Times đưa tin số trái phiếu Kho bạc Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm. Dự trữ trái phiếu và đồng đô la Mỹ của Trung Quốc đã giảm 7,5 tỷ USD trong tháng 4, đưa tổng kho dự trữ của nước này xuống còn 1,11 nghìn tỷ USD, giảm 90 tỷ USD so với tháng 8/2017. 

Cùng lúc đó, trang web phân tích của ngân hàng ING chỉ ra rằng doanh số đầu tư, sản xuất và bán lẻ hồi tháng 4 tại Trung Quốc đã chậm lại mặc dù đàm phán thương mại hai nước tại thời điểm đó không có dấu hiệu bế tắc. 

Nhà phân tích Tom McGregor nói: “Tháng 4 là tháng trước khi Tổng thống Trump phá vỡ thỏa thuận đình chiến thương mại. Bắc Kinh đang trông đợi để ký thỏa thuận với Washington nên họ đã thiếp lập một số biện pháp để đảm bảo đó là một thỏa thuận thắng lợi. PBOC đã tăng giá đồng Nhân dân tệ với dự đoán sẽ ký được thỏa thuận và họ sẽ mua lượng lớn hàng nhập khẩu của Mỹ với tỷ giá đồng Nhân dân tệ lớn hơn nên giúp tiết kiệm tiền trong giao dịch hơn. Đồng Nhân dân tệ mạnh hơn đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Trung Quốc được mua hàng Mỹ với giá rẻ hơn”.  

Ông McGregor tin rằng nếu hội nghị G-20 khi đem gì về cho thương chiến Mỹ - Trung, Bắc Kinh sẽ quay trở lại việc mua thêm trái phiếu Mỹ để hạ giá đồng nội tệ, khiến giá hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng thông thường. Hoặc ngược lại, nếu hai bên ký thỏa thuận, PBOC sẽ bán thêm trái phiếu Mỹ. 

Ông đánh giá cốt lõi của mọi bước đi của PBOC chính là giá trị của Nhân dân tệ, không phải chiến thuật lãi suất của FED, cho thấy sự thật Trung Quốc vẫn là nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức