12:08 15/12/2015

Giá vàng giảm, dầu phục hồi nhẹ

Trong phiên giao dịch ngày 14/12, giá vàng thế giới đi xuống cùng thời điểm giá dầu thô thế giới phục hồi nhẹ.

Giá vàng giảm ở thời điểm trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Thị trường dự đoán FED sẽ quyết định nâng lãi suất tại cuộc họp này.

Các thỏi vàng tại cơ sở tinh chế ở Mendrisio, bang Ticino, Thụy Sĩ ngày 6/1/2009. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cuối phiên 14/12, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.065,10 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giao tháng 2/2016 giảm 1,1% xuống 1.063,40 USD/ounce.

Tính từ đầu năm đến nay, kim loại quý này đã để mất khoảng 10% giá trị. Triển vọng Mỹ tăng lãi suất đã khiến nhà đầu tư “thờ ơ” với vàng.

Theo chuyên gia phân tích Carlo Alberto de Casa thuộc ActivTrades, xu hướng giảm giá của vàng vẫn tiếp diễn, với ngưỡng hỗ trợ ban đầu dao động trong khoảng 1.062-1.063 USD/ounce. Nếu để rơi ngưỡng này, giá vàng có thể trượt về 1.045 USD/ounce.

SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 9/2008. Trong khi đó, nhu cầu vàng vật chất của Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới khá ảm đạm.

Giá dầu thô thế giới phục hồi nhẹ sau một đợt trượt giá dài xuống đáy của gần 7 năm do những quan ngại về tình hình nguồn cung dôi dư trên toàn cầu.

Khép lại phiên ngày 14/12, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 1/2016 tăng 69 xu Mỹ lên 36,31 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn chỉ hạ 1 xu Mỹ xuống 37,92 USD/thùng.

Chuyên gia Ted Sloup của trang iiTrader.com đánh giá diễn biến trên thị trường trong phiên này là sự điều chỉnh của thị trường sau khi hoạt động bán ra bị đẩy lên quá mạnh. Tuy nhiên, ông Ted Sloup nhận định thị trường “vàng đen” nói chung vẫn khá ảm đạm do nhà đầu tư lo ngại về tình trạng dư cung.

Đổ xăng tại một trạm xăng ở Dijon, Pháp ngày 9/3/2011. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi giảm giá trong sáu phiên liên tiếp, giá dầu WTI đóng cửa phiên cuối tuần trước ở mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009, trong khi đó, giá dầu Brent chạm “đáy” kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Chuyên gia Ted Sloup cho rằng nhà đầu tư đang thận trọng trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố quyết định về lãi suất sau cuộc họp chính sách trong hai ngày 15-16/12. Giới quan sát dự kiến đây sẽ là thời điểm Fed nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên. Điều này có xu hướng làm tăng giá trị đồng USD và làm giảm nhu cầu đầu tư dầu thô.

Nhà phân tích Tim Evans của Citi Futures chỉ ra rằng thỏa thuận khí hậu lịch sử hay còn gọi là Thỏa thuận Paris mà 195 quốc gia đã thống nhất trong hội nghị của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) vừa qua dự kiến sẽ có những tác động mang tính dài hạn lên tốc độ tăng của nhu cầu dầu mỏ.

M.H, ML (Theo AFP, Reuters)