03:09 27/03/2015

Giá vàng, dầu biến động do tình hình Yemen

Đà tăng giá của vàng chậm lại, giá dầu tăng sau khi Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh tiến hành không kích Yemen.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/3, trên thị trường New York, đà tăng giá của vàng chậm lại sau khi giá kim loại quý này chạm mức cao nhất trong ba tuần rưỡi khi tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông khiến cổ phiếu mất giá và nhà đầu tư tìm đến các tài sản ít rủi ro hơn như vàng hay trái phiếu Đức.

Cụ thể, giá vàng giao ngay tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX) vào cuối phiên 26/3 đứng ở mức 1.195,25 USD/ounce. Trước đó, giá kim loại quý này có thời điểm đạt 1.219,4 USD/ounce.

Trong khi đó, giá vàng giao tháng 4/2015 tăng 7,8 USD và đóng cửa ở mức 1.204,8 USD/ounce. Giá bạc cũng tăng mạnh hồi đầu phiên (tăng 2,7%) lên mức cao nhất trong hơn năm tuần, sau đó giảm dần và giao dịch ở mức 16,93 USD/ounce (tăng 0,5%) vào cuối phiên này.

Sàn chứng khoán New York. Ảnh: AP


Mặc dù đây là phiên đi lên thứ bảy liên tiếp của giá vàng, đánh dấu đợt tăng giá dài nhất kể từ tháng 8/2012, song nhiều nhà đầu tư vàng vẫn giữ tâm lý bi quan. Chuyên gia phân tích hàng hóa Daniel Briesemann của Commerzbank nhận định rằng nếu tình hình ở Yemen không cải thiện thì giá vàng có thể tiếp tục tăng, song ngược lại, giá kim loại quý này sẽ rơi xuống dưới ngưỡng 1.200 USD/ounce. Bên cạnh đó, nhu cầu vàng vật chất cũng vẫn còn yếu do giá tăng.

Trong khi đó, giá dầu tăng trong phiên 26/3 sau khi Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh tiến hành không kích Yemen, gây lo ngại khủng hoảng leo thang ở quốc gia này có thể đe dọa các nước sản xuất dầu ở Trung Đông.

Giá dầu ngọt nhẹ giao tháng Năm của Mỹ tăng 2,22 USD, hay 4,5%, chốt phiên ở mức 51,43 USD/thùng tại sàn giao dịch New York, mức cao nhất trong hơn ba tuần. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ, tăng 2,71 USD lên 59,19 USD/thùng. Giá dầu giao theo hợp đồng này bắt đầu phục hồi vào ngày 25/3 sau tin Tổng thống Yemen, Abedrabbo Mansour Hadi, phải đi lánh nạn.

Theo giới phân tích, căng thẳng địa chính trị tại Yemen đang đẩy giá dầu lên. Yemen không phải là nước sản xuất lớn nhưng là một trung tâm giao dịch của khu vực, do đó, những căng thẳng ở nước này có thể gây ra tình trạng gián đoạn các hoạt động giao dịch.

Giới phân tích cũng cho rằng cuộc khủng hoảng tại Yemen đã làm giới đầu tư ít chú ý tới sự gia tăng của kho dự trữ dầu mỏ Mỹ, điều đang khiến nguồn cung toàn cầu thêm dư thừa.

Đóng cửa phiên 26/3, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều giảm điểm, trong đó Nasdaq để mất 13,16 điểm (tương đương với 0,27%) về 4.863,36 điểm, lùi xa mức trên 5.000 điểm mà chỉ số này đã lập được trước đó trong phiên đầu tuần 23/3. Dow Jones Industrial Average cũng tiếp tục bốc hơi 40,31 điểm (0,23%) xuống chốt phiên ở 17.678,23 điểm, sau khi trước đó đã có lúc vào đầu phiên bị tuột khỏi mốc 17.600 điểm. S&P 500 cũng để mất tiếp 4,90 điểm (0,24%) về 2.055,15 điểm.

Trong phiên này, cả ba chỉ số chủ chốt đều bị giảm mạnh vào đầu phiên, song kể từ giữa phiên chiều, nhà đầu tư dường như đã lấy lại bình tĩnh và thậm chí đã có lúc thị trường xanh trở lại trước khi giảm nhẹ vào lúc chốt phiên. Mức giảm của phiên này đã chững lại khá nhiều so với phiên lao dốc hôm trước.

Cũng trong phiên này, các cổ phiếu của ngành hàng không bị giảm khá mạnh do giá dầu tăng cao cùng hệ quả của vụ tai nạn máy bay thảm khốc của Đức. Cổ phiếu của hãng hàng không American Airlines giảm tới 1,4% troong phiên này, trong khi cổ phiếu của United Continental giảm 0,9%.

Cuộc khủng hoảng tại Yemen và vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Đức Germanwings là những nhân tố chính chi phối thị trường chứng khoán Mỹ phiên 26/3, một phiên không có những thông tin kinh tế quan trọng tác động mạnh đến thị trường.


ML - Lê Minh - Thùy Chi (TTXVN)