11:10 25/11/2011

Giá trị và sức sống lâu bền của hát Xoan

Hát Xoan Việt Nam đã được UNESCO thông qua quyết định ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Hồ sơ hát Xoan là tài liệu duy nhất được sự đồng thuận hoàn toàn của Ban thẩm định và đánh giá là hồ sơ tốt nhất trong số các hồ sơ được đệ trình.

Hát Xoan Việt Nam đã được UNESCO thông qua quyết định ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Hồ sơ hát Xoan là tài liệu duy nhất được sự đồng thuận hoàn toàn của Ban thẩm định và đánh giá là hồ sơ tốt nhất trong số các hồ sơ được đệ trình.

Hành trình trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại


Những năm gần đây, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư phát triển kinh tế, bạn bè quốc tế và khu vực đã có dịp biết đến nhiều loại hình văn hóa dân gian truyền thống vùng đất Tổ như: hát Xoan, hát Ghẹo, đánh trống đồng, đâm đuống và các trò diễn xướng dân gian trong các hội làng...

Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá dân gian một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã có ý định tìm hiểu về hát Xoan và xem đây là một loại hình nghệ thuật đặc biệt - hiện thân của vùng văn hoá thời kỳ lúa nước với những hình thức diễn xướng độc đáo và ấn tượng. Tuy nhiên, những hoạt động đó đến nay vẫn đơn thuần diễn ra trong phạm vi của địa phương, chưa có những nghiên cứu tổng thể.

Hát Xoan trong đình Thét, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN

Hát Xoan chỉ thực sự được bạn bè và giới nghiên cứu văn hóa khu vực biết đến thông qua chương trình phục vụ hội thảo âm nhạc dân gian quốc tế được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 9-2005. Qua phần thể hiện mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, vừa có nét sơ khai dân dã, vừa có sự chau chuốt công phu, đoàn nghệ thuật dân gian hát Xoan Việt Nam đã được đông đảo khán giả Thái Lan, các nhà nghiên cứu về âm nhạc, ngôn ngữ, dân tộc học đón nhận và cổ vũ nhiệt tình. Sau khi xem hát Xoan, giới nghiên cứu nước ngoài đã đánh giá: “Chương trình diễn xướng dân gian của âm nhạc nghi lễ hát Xoan đã cho mọi người hiểu được “tầng sâu” của nền văn hoá Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc”.

Ngay sau đó, để có được một chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và văn hoá vùng đất Tổ giới thiệu đến bạn bè quốc tế, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã tập trung khai thác, sưu tầm các làn điệu Xoan cổ. Trên cơ sở đó có chỉnh lý, cải biên để loại hình nghệ thuật này có thể đi vào đời sống xã hội một cách hiệu quả nhất.

Ngành đã tổ chức tập huấn về nghệ thuật hát Xoan cho trên 100 hạt nhân văn nghệ cơ sở. Tổ chức trình diễn hát Xoan phục vụ giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm. Ngành phối hợp với UBND huyện Phù Ninh tổ chức liên hoan tiếng hát làng Xoan, thu hút sự tham gia của hơn 200 nghệ nhân, diễn viên không chuyên của 15 làng Xoan.

Tiếp đó, Phú Thọ đã tổ chức chương trình giao lưu 3 phường Xoan gồm: Xoan Kim Đới, Xoan Thét và Xoan An Thái, thuộc xã Phượng Lâu (thành phố Việt Trì), thu hút sự tham gia của đông đảo nghệ nhân và diễn viên không chuyên của các làng Xoan. Tại liên hoan hát Xoan dân tộc Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Đồng Mô, phường Xoan An Thái, thành phố Việt Trì cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời biểu diễn phục vụ chương trình khai mạc, để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.

Thành công bước đầu trong việc đưa dân ca Xoan giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước không chỉ khẳng định dân ca Xoan Phú Thọ đã được hình thành và phát triển từ thời kỳ đầu sơ khai của Nhà nước Văn Lang mà nó còn khẳng định sức sống lâu bền của loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, tiêu biểu này trong đời sống văn hoá, tâm linh, tín ngưỡng của cư dân Phú Thọ.

Nhận thức rõ giá trị hát Xoan, tỉnh Phú Thọ đã đề nghị Chính phủ phê duyệt chương trình xây dựng hồ sơ khoa học “Hát Xoan Phú Thọ” để trình UNESCO xem xét, ghi nhận di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Sau đó, Chính phủ đã đồng ý lập hồ sơ cho di sản hát Xoan.

Từ tháng 8-2009, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng UNESCO tổ chức các cuộc hội thảo về loại hình nghệ thuật này. Đồng thời, lập hồ sơ xem xét công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp, dựa trên các tiêu chí độc đáo ở lời ca, giai điệu, làn điệu và tính trung thực của hát Xoan.

Hồ sơ hát Xoan được gửi tháng 3-2010 và đến tháng 8-2011, nước ta nhận được ý kiến đánh giá của các chuyên gia quốc tế. Các chuyên gia đánh giá cao giá trị di sản hát Xoan, ghi nhận những cố gắng của cộng đồng tỉnh Phú Thọ bảo vệ di sản những năm gần đây và khuyến nghị UNESCO ghi nhận đề cử của Việt Nam. Và hát Xoan đã được ghi nhận ngày hôm nay 24-11.

“Trong thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có các chương trình, kế hoạch cụ thể với tầm chiến lược dài hơi để bảo vệ, phát huy di sản hát Xoan”, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Cục Trưởng cục Di sản cho biết.

Về loại hình nghệ thuật hát Xoan

Hát Xoan, còn có tên gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các Vua Hùng. Hát Xoan là một loại dân ca lễ nghi, phong tục gắn với hội mùa, thờ thành hoàng. 

Hát Xoan được tổ chức vào mùa xuân để đón chào năm mới. Các họ Xoan ở vùng đất Tổ lần lượt hát khai xuân ở miếu đình làng xã. Sau đó, các họ Xoan sẽ đi hát lần lượt ở nơi khác. Hát Xoan có trình tự, gồm ba phần: phần lễ nghi tôn giáo, phần trình diễn các quả cách và phần hát hội.

Hát "Giáo trống, Giáo pháo", điệu hát mở đầu trong hát Xoan. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Theo truyền thuyết dân gian, hát Xoan có từ thời Vua Hùng dựng nước. Trong đó: Các nghệ nhân trong phường xoan thôn Phù Đức (xã Kim Đức, Việt Trì) kể rằng: “Ngày xưa có 3 anh em Vua Hùng đi tìm đất có qua thôn Phù Đức vào buổi trưa và nghỉ lại một khu rừng gần thôn. Từ khu rừng này các vị quan lang nhìn ra bãi cỏ trước mặt, thấy có một đám trẻ chăn trâu chơi vừa hát và đánh vật, kéo co. Thấy vậy, Đức Thánh cả liền bảo những người đi theo đem những bài hát mà họ biết dạy thêm cho lũ trẻ. Về sau, cứ hàng năm đến ngày 13 tháng chạp âm lịch dân làng phải làm bánh nẳng để cúng vào buổi trưa và thịt bò vào buổi chiều để thờ Đức thánh (nguyên là ngày xưa Đức thánh đi qua thôn, dân làng đã đãi hai món ấy). Tới ngày mùng hai, mùng ba (tháng giêng Âm lịch) thì dân Phù Đức mở hội cầu, trong hội cầu, họ diễn lại cảnh hát xướng, kéo co, đánh vật ở bãi. Lệ làng hàng năm chỉ hát xướng, cầu chúc bắt nguồn từ sự việc ấy.

Làng Cao Mại (huyện Lâm Thao) có một truyền thuyết như sau: “Vợ Vua Hùng mang thai đã lâu tới ngày sinh nở, cứ đau bụng mãi mà không đẻ được. Người hầu tâu rằng: Có nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa giỏi, nên đón về múa hát có thể làm đỡ đau và sinh nở được, vợ Vua Hùng nghe lời cho mời nàng Quế Hoa tới (Quế Hoa ở thành Phong Châu), vâng lời triệu, Quế Hoa đến chầu vợ Vua. Bấy giờ, vợ Vua đang lên cơn đau đẻ dữ dội mới bảo nàng Quế Hoa đứng trước giường múa hát. Quế Hoa hát hay, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún ai cũng phải mê. Vợ Vua mải xem múa hát không thấy đau, sinh được 3 người con trai khôi ngôi đẹp đẽ. Khi ấy đang mùa xuân, Vua Hùng hết lời khen ngợi Quế Hoa mới bảo các Mỵ nương học lấy các điệu múa hát ấy sau được gọi là hát Xoan”.

Cũng có truyền thuyết giải thích rằng: Xoan là từ gọi chệch tiếng xuân (vì vợ Vua tên thật là Xuân). Do tục kiêng kị tên huý, nên hát Xuân được gọi là hát Xoan.

Những truyền thuyết như thế đều có thể thấy ở những làng có phường xoan gốc hoặc những làng thường mời phường xoan đến hát, chúng đều nhằm mục đích giải thích nguồn gốc và sự tích hát xoan. Kết quả là những truyền thuyết ấy đã chứng minh cho ta thấy nguồn gốc xã hội - kinh tế của hát xoan: Hát Xoan được sinh ra và phát triển cùng với việc tế thần, cầu chúc thịnh vượng và mùa màng tươi tốt trong cư dân nông nghiệp ở vùng này từ thời cổ xưa. Mới đầu chúng là một lối hát cúng tế rất đơn giản và thô sơ trong hội hè đình đám, sau do sự duy trì của tập tục tế thần mà hát Xoan cũng biến đổi và phát triển, những tiết mục trong diễn xướng ngày càng phong phú và phức tạp như ngày nay.

Lý giải vì sao hát Xoan có một sức sống lâu bền, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Hát Xoan tác động trực tiếp đến nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân, đem lại sự lạc quan, niềm tin góp phần giáo dục nhận thức cho các tầng lớp nhân dân và là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân.

Những đặc trưng của hát Xoan

- Hát vào thời gian nhất định: hát Xoan tổ chức vào mùa xuân. Mở đầu cho mùa hát và để đón chào năm mới, các họ Xoan lần lượt khai xuân ở đình, miếu làng nhà. Các phường đi hát từ ngày 5-1 âm lịch cho đến ngày 10-3 âm lịch (vào dịp lễ hội Đền Hùng).

- Hát ở những điểm nhất định: Hát Xoan còn có tên gọi là “Khúc môn đình” (hát cửa đình). Mỗi phường Xoan giữ một số cửa đình nhất định, như một kiểu “xí phần”.

Tục giữ cửa đình cũng có một ý nghĩa là tránh sự tranh chấp và dẫm chân lên nhau giữa các phường Xoan. Tục giữ cửa đình đã dẫn tới tục kết nghĩa. Hát Xoan giữ cửa đình và dân địa phương kết nghĩa với nhau. Tục kết nghĩa cấm ngặt trai gái hai bên (dân và họ) kết hôn với nhau.

- Hát Xoan có tổ chức rất chặt chẽ: Hát Xoan đòi hỏi phải tổ chức thành phường Xoan hoặc họ Xoan. Thường mỗi phường Xoan có một ông trùm, 4-5 kép và từ 12-15 đào.

Hát tứ dân và cách hát múa Bỏ bộ miêu tả cảnh nông nghiệp, buôn bán....Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN.

- Hát có trình tự nhất định: Hát Xoan phải theo trình tự đã quy định, gồm ba phần: phần lễ nghi tôn giáo, phần trình diễn các quả cách và phần hát hội:

+ Phần lễ nghi tôn giáo: Hát Xoan có những lời chúc tụng, cầu khẩn và được trình diễn theo đúng nghi thức trước cửa đình, nói lên cảm xúc của con người trước thần linh sau đó là ca ngợi thánh thần.

Những lời ca này thường là có sẵn. Đào và kép hát xen kẽ, lúc phụ họa lúc đuổi nhau. Múa hát rộn ràng, khoẻ mạnh gây được không khí tưng bừng cho ngày hội.

+ Phần trình diễn các quả cách (làn điệu): Nội dung các quả cách bao gồm các mặt, hoặc mô tả đời sống và sinh hoạt của các tầng lớp người đương thời ở nông thôn hoặc ca ngợi cảnh vật thiên nhiên hoặc kể truyện cổ tích xưa. Mỗi quả cách thường có cấu trúc ba phần: giáo cách (mở đầu) - đưa cách (phần giữa) - kết cách (phần cuối).

Nối tiếp các quả cách thường có láy câu: “Các bạn họ ta lấy qua làn dậm là hỡi dậm nào dậm ấy cho qua” hoặc “Cách ấy cho qua, hỡi bạn chèo ta, giờ sang cách khác, giã tiệc này, ta là Đại Vương”.

+ Phần hát hội: Phần hát này mang tính chất trữ tình, phản ánh những nội dung giao duyên, yêu đương trai gái. Đây là giai đoạn ứng tác như hát ví, trống quân bao gồm các tiết mục múa, hát, dựng các hoạt cảnh, các trò chơi.

Đây cũng là phần hứng thú và sinh động nhất trong cuộc hát Xoan nói chung. Nghệ thuật của hát Xoan phong phú, độc đáo nhất chính là ở giai đoạn này.

Giai đoạn này thường được tiến hành theo các thứ tự: hát ghẹo - giao duyên, xin hoa đố chữ, hát đúm và giã cá. Giã cá hoặc mó cá được coi là tiết mục kết thúc quá trình diễn xướng của hát Xoan, có tiết tấu nhịp nhàng, khoẻ, gần với tiết tấu của bài hát lao động. Điệu múa gồm 12 đào Xoan và 4 chàng trai làng, múa hát vào lúc gần sáng trước bàn thờ thánh.

Đàm Trung (tổng hợp)