Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới tại kỳ họp thứ 47 diễn ra tại Paris, Pháp ngày 12/7.
Lễ cung nghinh Tôn tượng Tam Tổ Trúc Lâm từ chốn Tổ chùa Vĩnh Nghiêm lên chùa Thượng Tây Yên Tử, thuộc Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Ninh). Tây Yên Tử là nơi có hệ thống các chùa tháp, di tích cùng sự kỳ vĩ của rừng, núi liên quan đến sự hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Trong đó, có 5 điểm di tích thuộc thành phố Hải Phòng. Đây là quả ngọt cho những nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị di tích suốt chiều dài phát triển. Với dấu mốc này đến nay thành phố Hải Phòng có hai di sản thế giới.
Giá trị đặc sắc, nổi bật
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc nằm trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh gồm 12 điểm di tích. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh có 5 điểm: Thái Miếu, chùa Lân, chùa Hoa Yên, chùa Ngọa Vân, bãi cọc Yên Giang; Thành phố Hải Phòng có 5 điểm: chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, động Kính Chủ và chùa Nhẫm Dương; Tỉnh Bắc Ninh có 2 điểm: chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng, 5 điểm di tích trên địa bàn thành phố thuộc di sản là những di tích lịch sử, danh thắng tiêu biểu, đang bảo lưu những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc không chỉ của Việt Nam mà còn mang giá trị nổi bật toàn cầu.
Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn, là một trong những tinh hoa của kiến trúc nghệ thuật Phật giáo, do Đệ Tam Thánh Tổ Huyền Quang lập ra từ thế kỷ XIII (2017). Ảnh: Mạnh Minh/ TTXVN
Chùa Côn Sơn nằm trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo, được khởi dựng từ thế kỷ thứ 10-11. Thời Trần, đây là một trong ba trung tâm nổi tiếng nhất của Phật giáo Trúc Lâm. Cả ba vị Tổ Trúc Lâm đều từng tu hành, thuyết pháp ở đây. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều dấu ấn kiến trúc các thế kỷ 14, 17-19 cùng nhiều cổ vật ghi lại đầy đủ lịch sử hình thành, phát triển của chùa.
Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận phường Trần Hưng Đạo, thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300) - anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự, được người Việt tôn làm Thánh. Đền là đại diện tiêu biểu của Đạo giáo Đại Việt, thể hiện sự đồng hành với Phật giáo, Nho giáo và tín ngưỡng bản địa thời bấy giờ. Ngày nay, di tích đã trở thành một trung tâm tín ngưỡng linh thiêng bậc nhất của đất nước.
Chùa Thanh Mai nằm trên địa bàn phường Trần Nhân Tông, được khởi dựng dưới thời Trần. Năm 1329, chùa được Thiền sư Pháp Loa mở rộng, từ đó trở thành một đại danh lam gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Ngài cũng như vị Đệ Tam Tổ kế tiếp là Thiền sư Huyền Quang. Chùa vẫn giữ được nhiều cổ vật nguyên gốc. Đặc biệt, đợt khai quật khảo cổ học năm 2021 đã phát hiện 3 lớp kiến trúc của 3 thời kỳ chồng lên nhau, cho thấy chùa Thanh Mai phát triển liên tục trong cả 3 thời kỳ Trần, Lê Trung Hưng và Nguyễn.
Vẻ đẹp cổ kính của cầu Thấu Ngọc trong chùa Côn Sơn, thuộc Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Chùa Nhẫm Dương nằm trên địa bàn phường Nhị Chiểu, xây dựng từ thời Trần, được xem là chốn tổ phái Tào Động Việt Nam. Bộ sưu tập các di vật khảo cổ ở chùa góp phần khẳng định truyền thống định cư, sinh hoạt, giao thương... liên tục của người tiền sử xưa và người Việt trong lịch sử ở khu vực chùa Nhẫm Dương nói riêng, vùng cửa sông Bạch Đằng và rộng hơn là dãy núi Yên Tử và vùng phụ cận.
Động Kính Chủ nằm trên núi Dương Nham, phường Phạm Sư Mạnh, được xem là “Nam Thiên đệ lục động”. Trong động có chùa cổ Dương Nham, các ban thờ vua Lý Thần Tông, Huyền Quang tôn giả và tín ngưỡng bản địa. Đặc biệt, trên các vách đá và trần hang có một hệ thống trên 50 bia ma nhai ca ngợi cảnh trí thiên nhiên của núi Dương Nham, động Kính Chủ.
Năm điểm di tích của thành phố Hải Phòng đã đóng góp vào tổng thể giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Đó là câu chuyện về sự ra đời, lan tỏa và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm, một thiền phái độc đáo của Việt Nam được Vua Trần cùng nhiều thành viên hoàng tộc, thiền sư, cư sĩ vĩ đại khác khởi xướng, từ núi Yên Tử, trong bối cảnh đế chế Mông Cổ đang chinh phục thế giới vào thế kỷ 13-14. Cách các vị vua, hoàng tộc, thiền sư, cư sĩ đầu triều Trần sáng tạo và phát triển Phật giáo Trúc Lâm trên cơ sở chắt lọc tinh hoa của nhiều tông phái Phật giáo và các tôn giáo đương thời, kết hợp với tín ngưỡng bản địa, liên minh với nó để huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân để bảo vệ Tổ quốc, ngăn chặn chiến tranh, gìn giữ hòa bình cũng như ảnh hưởng tôn giáo, xã hội và quân sự của Phật giáo Trúc Lâm có ý nghĩa to lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực châu Á rộng lớn hơn.
Hành trình nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của quần thể di tích
Những năm qua, tỉnh Hải Dương cũ (nay là thành phố Hải Phòng), thường xuyên quan tâm, bảo tồn các giá trị các điểm di tích. Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012 và đã được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật Di sản văn hóa. Động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2016. Chùa Thanh Mai được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1992.
Trong suốt chiều dài lịch sử, hệ thống di sản văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc được chắt lọc, bổ sung, phát huy ngày càng phong phú, hoàn chỉnh tốt đẹp hơn. Nhiều nghi lễ truyền thống tại 2 kỳ lễ hội trong năm đã được phục dựng thành công và lễ hội chùa Côn Sơn, lễ hội đền Kiếp Bạc đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2013.
Khu di tích danh thắng Côn Sơn trong Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Phòng) gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân trong lịch sử, trong đó tiêu biểu là đền thờ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Ngôi đền tọa lạc dưới chân núi Ngũ Nhạc, Kỳ Lân, tựa lưng vào Tổ Sơn tạo thành thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Ảnh: Thành Đạt/ TTXVN
Từ năm 2010 đến nay, thực hiện quy hoạch tổng thể khu di tích của Thủ tướng Chính phủ, khu di tích được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, tố hảo. Theo Tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, cùng với nỗ lực bảo vệ các di tích hiện hữu, Hải Phòng đã phục dựng các công trình kiến trúc của khu di tích từng có trong lịch sử, dựa theo những tư liệu (văn bia, thần tích) và kết quả khảo cổ học như tòa Cửu Phẩm liên hoa, Lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, tả hữu hành lang chùa Côn Sơn... Việc quảng bá giá trị các di tích được tăng cường, đổi mới, ngày càng phong phú.
Cùng với đó, di tích chùa Thanh Mai, chùa Nhẫm Dương và động Kính Chủ đều là những điểm du lịch văn hóa độc đáo. Lễ hội truyền thống tại các di tích này được địa phương tổ chức hàng năm thu hút đông đảo nhân dân và du khách.
Đặc biệt, quần thể di tích này đang sở hữu hệ thống di sản tư liệu quý giá, trong đó các Bảo vật quốc gia như: Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn, hệ thống bia ma nhai động Kính Chủ, bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi (chùa Thanh Mai), bia Thanh Hư Động và bia Côn Sơn tư phúc tự bi (chùa Côn Sơn) đã và đang được gìn giữ, bảo tồn.
Việc có 5 điểm di tích thuộc quần thể di tích được ghi tên vào danh sách Di sản thế giới là một niềm tự hào cho thành phố Hải Phòng. Trước đó, tháng 9/2023, quần đảo Cát Bà đã được ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới. Thành phố cảng đang đứng trước nhiều cơ hội để khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa thế giới, đòi hỏi phải xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị di sản theo đúng quy định của quốc tế, luật pháp Việt Nam và định hướng phát triển bền vững của UNESCO.