03:23 04/03/2011

Gia tộc Tôn Trung Sơn: Trăm năm bể dâu - Kỳ cuối: Số phận long đong của các hậu duệ họ Tôn

Tôn Trung Sơn suốt đời bôn ba lận đận, hậu duệ của ông cũng phiêu bạt khắp nơi trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cho dù họ ở nào trên Trái Đất, họ đều có khả năng kế thừa huyết mạch và tinh thần tổ tiên của gia tộc họ Tôn...

Tôn Trung Sơn suốt đời bôn ba lận đận, hậu duệ của ông cũng phiêu bạt khắp nơi trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cho dù họ ở nào trên Trái Đất, họ đều có khả năng kế thừa huyết mạch và tinh thần tổ tiên của gia tộc họ Tôn, làm người lương thiện thật thà, cần cù chịu khó trong công việc, tạo ra những kỳ tích trong cuộc sống mang nhiều sắc thái khác nhau.

Sau khi Tôn Trung Sơn qua đời, người con trai của ông là Tôn Khoa không còn được Quốc Dân Đảng trọng dụng. Tôn Khoa có ý muốn tới Mỹ, song đương cục Đài Loan đã lấy nhiều lý do không cấp hộ chiếu cho Tôn Khoa, vì thế Tôn Khoa không còn cách nào khác phải ở lại Hương Cảng. Phải đến mùa thu năm 1950, Tôn Khoa mới được phép đưa phu nhân Trần Thục Anh qua Ấn Độ, Hy Lạp và tới Pháp định cư. Cuộc sống phiêu bạt của gia đình Tôn Khoa kéo dài suốt tới năm 1965 cho tới khi trở về Đài Loan (Trung Quốc).

Ba anh em Tôn Uyển, Tôn Khoa và Tôn Diễm.


Hai người con của Tôn Khoa là Tôn Trị Bình và Tôn Trị Cường đều được sinh ra ở Mỹ khi Tôn Khoa lưu học tại Đại học Chicago. Cũng giống như người cha của mình, hai anh em đã được tiếp thu và hun đúc bằng nền văn hóa Đông Tây, học thức đều rất rộng. Tôn Trị Bình và Tôn Trị Cường cũng có thời gian theo học tại trường bồi dưỡng hải ngoại ở Bắc Kinh, là nơi lựa chọn con của những người làm cách mạng cho bồi dưỡng học tập tại trường sau đó cho đi học ở nước ngoài.

Lúc mới nhập trường, anh em Tôn Trị Bình và Tôn Trị Cường không hiểu tiếng phổ thông, vì thế gặp rất nhiều khó khăn trong học tập. Tuy nhiên, nhờ thông minh và cần cù, hai anh em đã nhanh chóng khắc phục được trở ngại về ngôn ngữ và thích ứng với môi trường học tập. Trước kháng chiến, Tôn Trị Bình học tập tại Đại học St. John Thượng Hải, trong khi đó Tôn Trị Cường học tại Đại học Kim Lăng, Nam Kinh. Sau đó, hai anh em cùng tới Mỹ du học và đều đạt được bằng thạc sĩ kinh tế chính trị học, Đại học Chicago, Mỹ. Sau khi Quốc Dân Đảng chạy khỏi Đại lục tới Đài Loan, hai anh em Tôn Trị Bình và Tôn Trị Cường đã định cư tại Mỹ.

Tôn Khoa và Tôn Trung Sơn năm 1910.


Đến cuối đời, hai anh em Tôn Trị Bình và Tôn Trị Cường ở vào hoàn cảnh rất khó khăn, đi đâu cũng bị giới báo chí đeo bám. Đến cuối những năm 1990, một bài báo đăng trên tờ "Tự Lập buổi tối" đã tiết lộ tin tức liên quan đến Tôn Trị Cường. Tôn Trị Cường "vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã viết thư xin Lý Đăng Huy thay đổi sự đãi ngộ". Báo "Tân Hoa Ma Cao" của Ma Cao (Trung Quốc) đưa tin, Tôn Trị Bình nhận thấy tiền đồ chính trị không có hy vọng đã chuyển sang công việc kinh doanh và đã sở hữu nhiều cổ phiếu có giá trị lớn, cuộc sống tương đối sung túc. Năm 1980, Tôn Trị Bình đã chuyển về định cư tại Hương Cảng.

Con cái của Tôn Trị Bình và Tôn Trị Cường đều định cư tại hải ngoại. Cuối cùng gia tộc họ Tôn chỉ có một mình Tôn Trị Cường sống tại Đài Loan (Trung Quốc). Do hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn, để tiện cho việc chữa trị bệnh tật, Tôn Trị Cường đã từng có một thời gian dài thuê nhà ở gần Bệnh viện đa khoa Vinh Dân, Đài Bắc.

Trong suốt cuộc đời, Tôn Trị Cường đã hai lần trở về Đại lục vào các năm 1992 và 1993. Tôn Trị Cường không những trở về quê hương thôn Thúy Hanh để thăm viếng nơi ở cũ của ông nội, mà còn đi du lịch Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán và Quảng Châu... Mùa hè năm 2001, lúc đó sức khỏe đã yếu nhiều, nhưng Tôn Trị Cường vẫn đi Mỹ tham gia buổi lễ tốt nghiệp cử nhân của con trai Tôn Quốc Thăng. Tuy nhiên, điều không mong đợi đã xảy ra, vào ngày 4/7/2001 Tôn Trị Cường lâm bệnh và đột ngột qua đời, thọ 86 tuổi.

Vợ Tôn Trị Bình người ngồi hàng trước bên trái và vợ Tôn Khoa người ngồi hàng trước bên phải tại Hồng Công năm 1996.

Hậu duệ của Tôn Trung Sơn ngoài chi của con trai Tôn Khoa, còn có chi của con gái Tôn Uyển. Năm 1914, tại Mỹ, Tôn Uyển đã kết hôn với Vương Bác Thu, một nhân sĩ của Đồng minh Hội, và sinh được một con gái là Vương Nhương Huệ và một con trai là Vương Hoằng Chi. Sau này Tôn Uyển chia tay với Vương Bác Thu. Năm 1921, tại Ma Cao, Tôn Uyển lại kết hôn với Đới Ân Trại người Quảng Đông, và sinh được một con gái tên Đới Thành Công, và một con trai tên Đới Vĩnh Phong.

Do thương cảm với sự bất hạnh trong hôn nhân của con gái, Tôn Trung Sơn rất yêu thương những đứa cháu ngoại của mình. Tên Thành Công và Vĩnh Phong đều do Tôn Trung Sơn đặt cho. "Thành Công" có ý nghĩa là sự thành công của cuộc cách mạng do Tôn Trung Sơn lãnh đạo, đồng thời cũng có nghĩa là hy vọng cháu ngoại của mình có thể mưu thành sự nghiệp. Vĩnh Phong là để tưởng nhớ đến Vu Vĩnh Phong đã chỉ huy tàu thuyền chống lại đội quân phản loạn khi Tôn Trung Sơn gặp nạn tại Quảng Châu.

Gia tộc họ Tôn đã trải qua lịch sử trăm năm đầy bể dâu, đến nay vẫn duy trì và phát triển mạnh mẽ. Mặc dù vẫn còn một số người gặp nhiều sóng gió trong cuộc sống, thế nhưng có một điều bất biến là họ luôn kính trọng và hoài niệm về Tôn Trung Sơn, và vô cùng trân trọng tình cảm máu thịt này. Đồng thời, dường như mỗi người trong gia tộc họ Tôn đều không khoa trương trước ánh hào quang của tổ tiên, và luôn ghi nhớ tâm niệm một điều: “Làm một người dân bình thường, giản đơn và bình dị”.

Ngọc Thúy (Tổng hợp)

Đón đọc số tới: Tổ chức tình báo Mossad - Kỳ bí và tàn nhẫn