01:07 26/01/2015

Giá tiêu dùng giảm phù hợp xu hướng thị trường

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng diễn biến CPI giảm đúng với xu hướng thị trường hiện nay.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê (TCTK) cuối tuần qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2015 giảm 0,2% so với tháng trước và chỉ tăng 0,94% so cùng kỳ năm trước. Lần đầu tiên trong khoảng 10 năm qua, CPI tháng cận Tết giảm. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Tin Tức chiều 25/1, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, diễn biến CPI giảm đúng với xu hướng thị trường hiện nay.

Hiệu ứng từ giá xăng dầu

Báo cáo của TCTK cho thấy, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 3 nhóm có chỉ số giá giảm: Nhà ở và vật liệu xây dựng (giảm 1,09%); giao thông (giảm 3,96%); bưu chính viễn thông  (giảm 0,07%); chỉ số giá nhóm giáo dục gần như không tăng (tăng 0,08%); các nhóm còn lại tăng từ 0,13% đến 0,53%.

Bà Đỗ Bích Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (TCTK) khẳng định, đây là tháng CPI có mức giảm thấp nhất trong 10 năm gần đây. CPI tháng 1 giảm chủ yếu do giá xăng dầu giảm giá hai đợt vào ngày 22/12/2014 và ngày 6/1/2015. Bên cạnh đó, giá gas đã giảm 33.000 đồng/bình từ đầu tháng 1 góp phần cho CPI tháng 1/2015 giảm hơn so với tháng trước.

Xăng dầu giảm giá khiến giá thực phẩm ổn định. Ảnh: Lê Phú.


Theo bà Ngọc, đây không chỉ là niềm vui của người tiêu dùng mà còn là tín hiệu tốt cho cả nền kinh tế. Giá xăng dầu giảm đã tác động tới nền kinh tế cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Tác động trực tiếp là đối với các hoạt động sử dụng xăng dầu, đặc biệt là vận tải hàng hóa, hành khách. Tác động gián tiếp là vào các ngành, lĩnh vực không trực tiếp sử dụng xăng dầu, nhưng được hưởng lợi nhờ giảm được chi phí vận tải, vận chuyển.

“CPI tháng 1 đã phản ánh hiệu quả các chính sách quản lý của Nhà nước, chính sách tích trữ hàng và áp dụng các chương trình khuyến mại. Bên cạnh đó, tâm lý của người dân giờ cũng khác so với trước là không còn mua bán ồ ạt, tích trữ bởi hàng hóa dồi dào, dịch vụ ngày càng tiện lợi”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong



Tính toán của Vụ Thống kê giá cho thấy: Cứ giá xăng dầu giảm 10% thì CPI giảm từ 0,5 đến 0,55 điểm phần trăm. Nếu tính cả lần giảm giá xăng dầu mạnh gần đây nhất vào ngày 21/1 thì hiện tại, giá xăng RON 92 chỉ còn 15.670 đồng, giảm 2.210 đồng so với thời điểm đầu năm; giá dầu diesel chỉ còn 15.170 đồng/lít, giảm 1.820 đồng. Tính chung đợt giảm giá xăng dầu ngày 21/1 sẽ làm CPI giảm 0,6 - 0,64 điểm phần trăm.

Cũng theo bà Ngọc, thông thường tháng giáp Tết Nguyên đán nhu cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng nhưng do giá xăng dầu giảm mạnh, giá cước vận tải giảm theo nên giá lương thực, thực phẩm không tăng cao. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 1 chỉ tăng 0,28% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với tháng 1 của những năm trước (năm 2011 tăng 2,47%; năm 2012 tăng 1,01%; năm 2013 tăng 1,34%; năm 2014 tăng 0,77%).

Hiện nay, hầu hết các mặt hàng trong nhóm thực phẩm đều tăng giá do nhu cầu phục vụ cho Tết Nguyên đán, nhưng mức tăng không cao. Cụ thể, giá thịt lợn tăng 0,31%; giá thịt bò tăng 0,49%; giá thịt gà tăng 0,71%; giá thịt gia cầm tăng 0,58%; giá trứng gia cầm tăng 0,96%; giá thủy sản tươi sống tăng 0,45%; giá thủy sản chế biến tăng 0,29%.

Tác động của chính sách


Các chuyên gia của Vụ Thống kê giá dự báo, CPI của tháng 2 sẽ ổn định và có thể giảm nhẹ so với tháng 1. Mặc dù, tháng 2 là tháng Tết, thông thường giá lương thực, thực phẩm, các nhu cầu chi tiêu thiết yếu của tháng này tăng cao nhưng nhờ giá xăng dầu giảm mạnh đợt vừa qua sẽ kéo theo chi phí sản xuất, vận chuyển thấp… sẽ khiến cho giá cả các mặt hàng tương đối ổn định. Đây là lý do khiến CPI của tháng 2/2015 dự báo không thể tăng cao.

Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho biết: Theo quy luật hàng năm, vào tháng cận Tết Nguyên đán, mặt bằng giá thị trường sẽ chịu tác động bởi một số yếu tố như: Nhu cầu sản xuất, chế biến, mua sắm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tăng; sức mua có khả năng thanh toán trong dịp cuối năm tăng có thể gây sức ép lên mặt bằng giá...

Tuy nhiên, thị trường tháng này đã có các yếu tố tác động góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế tăng giá. Cụ thể, giá nhiều hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới giảm nhẹ. Trong nước, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tăng cường chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết; tăng cường công tác bình ổn giá, kiểm tra, kiểm soát thị trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các chương trình khuyến mại, giảm giá cũng được nhiều doanh nghiệp, địa phương thực hiện trong những tháng cuối năm sẽ góp phần giảm áp lực tăng giá cho thị trường.

Đề cập tới việc giá hàng hóa, thực phẩm vẫn chưa giảm tương xứng với giá xăng dầu liên tục hạ thời gian qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Hiện hệ thống phân phối hàng hóa ở Việt Nam còn quá yếu nên giá cả hàng hóa từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng còn quá cao. Giá hàng bán buôn và bán lẻ chênh lệch rất lớn khiến người tiêu dùng chịu nhiều thiệt thòi khi mua hàng.

Vì vậy, người dân cũng cần phải chủ động lựa chọn hàng, mặc cả giá để mua hàng với giá hợp lý. Đặc biệt, các địa phương cần chủ động thiết lập hệ thống bán hàng, tạo điều kiện cho người dân và người sản xuất được mua bán hàng trực tiếp.

Tuy nhiên, do tác động theo độ trễ của việc giảm giá xăng, dầu trong thời gian qua, giá cước vận tải đã có xu hướng giảm. Giá một số hàng hóa, dịch vụ ổn định như: đường, sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi, thép xây dựng, giá gas giảm sẽ tiếp tục góp phần giảm áp lực tăng giá.


Minh Phương