09:17 27/09/2017

Gia tăng đồng tính nam nhiễm HIV

Hơn 4.540 bệnh nhân nhiễm HIV mới được phát hiện trong nửa đầu năm 2017, trong đó có sự gia tăng khá nhanh số người nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam (MSM) và nhóm tình dục không an toàn.

Đó là lo ngại được nêu ra tại hội thảo “Đại biểu dân cử khu vực phía Nam với chính sách y tế và phòng, chống HIV/AIDS” do Ủy ban về các vấn đề xã hội  của Quốc hội tổ chức, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/9.

Báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện 4.540 người nhiễm HIV mới và 2.312 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS, trong đó khoảng 800 người đã tử vong.

Bệnh nhân HIV kiểm tra máu tại khoa Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng quận 11 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS nhận định: Tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã giảm, nhưng giảm chưa sâu, chưa ổn định. Có sự gia tăng khá nhanh số người nhiễm HIV ở nhóm đồng tính nam. Trong đó, lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường tình dục; đặc biệt là trong nhóm người sử dụng ma túy tổng hợp do quan hệ tình dục tập thể, tình dục không an toàn.

Mặc dù vậy, theo thông báo từ các tổ chức quốc tế như PEPFAR, Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét, Dự án ADB… nguồn viện trợ cho hoạt động phòng chống AIDS của Việt Nam sẽ kết thúc vào cuối năm 2017, do đó nguồn kinh phí sẽ chỉ còn trông chờ vào ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, quỹ Bảo hiểm y tế, thu phí…

Hiện nguồn ngân sách Trung ương và tại nhiều địa phương khá hạn hẹp. Vẫn còn 9 địa phương chưa phê duyệt kế hoạch và kinh phí cho đề án phòng chống HIV/AIDS đến năm 2030 là Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Yên Bái, Bình Định, Bình Phước.

Chia sẻ về khó khăn tại địa phương, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dù đã được UBND Thành phố chấp thuận mua thẻ bảo hiểm y tế hỗ trợ cho bệnh nhân HIV nhưng việc chuyển đổi sang điều trị theo bảo hiểm y tế vẫn còn vướng mắc do một số quận, huyện thiếu các điều kiện nhân sự, cơ sở để thành lập phòng khám đa khoa thực hiện điều trị cho ARV bằng bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, khoảng 24% bệnh nhân đang điều trị ARV tại Thành phố Hồ Chí Minh có hộ khẩu ở các tỉnh, thành khác và không có thẻ bảo hiểm y tế cần được hỗ trợ về kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho họ. Do đó, rất cần có sự điều phối của cấp quốc gia để đảm bảo các tỉnh, thành thực hiện việc mua thẻ cho người dân của tỉnh, thành mình để đảm bảo việc điều trị liên tục.

Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu đến từ các tỉnh Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Nai cũng cho rằng họ gặp nhiều khó khăn khi tài trợ quốc tế giảm đi, trong khi địa phương chưa đủ nhân lực lẫn tài lực để có thể “cáng đáng” được số lượng bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ngày càng gia tăng.

Do đó trước mắt, để đảm bảo việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được liên tục, Cục Phòng chống HIV/AIDS yêu cầu các địa phương khẩn trương kiện toàn các Phòng khám HIV/AIDS, mở rộng tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế, đấu thầu thuốc ARV…

Góp ý tại hội thảo, bà Marie Odile Emond, Trưởng Đại diện Cơ quan Phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam (UNAIDS) cho rằng, hầu hết các nước trên thế giới đều dùng tài chính công để đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS, do đó Việt Nam cần tăng đầu tư, đầu tư sớm và thỏa đáng cho công tác phòng chống HIV/AIDS, nếu không nguy cơ dịch HIV/AIDS có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.

Đinh Hằng (TTXVN)