10:07 03/10/2016

Gia tăng bệnh hô hấp lúc giao mùa

Thời tiết thất thường, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn nên thời gian gần đây, nhiều trẻ nhỏ đã mắc các bệnh hô hấp như viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản, thậm chí dẫn tới viêm phế quản phổi, gây suy thở.

Tam phen nhập viện

Ôm cậu con trai xinh xắn trên tay, chị Lê Thị Mai Hiền, Nghệ An, không khỏi xót xa vì mới gần 3 tháng tuổi mà bé Nhật Đức đã phải nhập viện 3 lần vì viêm phế quản phổi. 

“Thấy cháu ho, thở khò khè, em vội đưa con đi Bệnh viện tỉnh Nghệ An. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phế quản phổi nên phải nằm điều trị 18 ngày. Nhưng chỉ 3 ngày sau khi xuất viện, bé lại phải nhập viện và lập tức phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương vì bệnh trầm trọng hơn. Tại đây, sau 6 ngày nằm viện, bé đã được cho về nhưng cũng chỉ 3 ngày sau, hai mẹ con lại phải ôm nhau vào viện vì bé bị  nặng hơn, phải thở ôxy. Đợt điều trị này đến nay đã được 16 ngày...”, chị Mai Hiền chia sẻ. 

Thăm khám cho bệnh nhi tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Ở giường bệnh đối diện, chị Phạm Thị Hồng, mẹ bé Phạm Anh Tú (12 tháng tuổi) cũng rầu rầu vì con nhỏ liên tục nhập viện vì bệnh hô hấp lúc giao mùa. Chị Hồng cho biết: Từ 2/9 đến nay, bé Tú thường xuyên phải ra - vào viện. Lúc đầu, thấy con ho, thở khò khè, chị Hồng đưa bé đi khám tư, nhưng rồi lại phải đưa con lên Bệnh viện Xanh Pôn vì bệnh tình không thuyên giảm. Sau 6 ngày nằm viện, tiêm kháng sinh, bé Tú được cho ra viện. Nhưng ngay ngày hôm sau, bé lại vào viện điều trị đến cả tuần vì tiêu chảy. Ra viện chưa được bao lâu thì bé lại bị ho sâu, khó thở nên gia đình vội vào đưa bé cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. 

Theo TS.BS Lê Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng khoa Hô hấp, giao mùa nên số trẻ đến khám và nhập viện do bệnh hô hấp có xu hướng gia tăng. Trung bình mỗi ngày tại Bệnh viện Nhi Trung ương có khoảng 3.000 trẻ đến khám; trong đó, số lượng bệnh nhi mắc bệnh bệnh hô hấp chiếm khoảng 35%.

Đa số trẻ mắc bệnh hô hấp giai đoạn đầu, đều có triệu chứng chán ăn, hắt hơi sổ mũi, có thể ho ít, nhưng 3 - 5 ngày sau thì sốt và ho lên, trẻ nhỏ khó thở. Trẻ càng nhỏ thì bệnh diễn tiến càng nhanh, nên việc điều trị thường lâu, dễ tái phát và phức tạp hơn.

“Thời điểm này, miền Bắc đang ở giai đoạn chuyển mùa, sự chênh lệnh nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn nên ảnh hưởng đến sức đề kháng của trẻ. Hơn nữa, nhiều bà mẹ vẫn giữ thói quen tự điều trị đến khi trở nặng mới đưa đi khám. Đặc biệt, một số trẻ bị nhập viện nhiều lần do gia đình… kiêng tắm để cháu vã mồ hôi dẫn đến nhiễm lạnh hoặc không chú ý vệ sinh mũi họng hàng ngày. Nhiều bé, dù bị sốt vẫn được ủ ấm quá kỹ nên đến viện trong tình trạng sốt cao, co giật”, TS.BS Lê Thị Hồng Hạnh cho biết.

Theo bác sĩ Hồng Hạnh, thời tiết chuyển mùa, các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý việc chăm sóc cho trẻ có cơ địa dị ứng (có người thân bị hen, cháu bị chàm, nổi mề đay khi ăn đồ ăn lạ, thời tiết thay đổi hay bị viêm phế quản…). Thực tế, thấy bé hay bị bệnh hô hấp theo thời tiết, không ít phụ huynh đã tự điều trị bằng kháng sinh khiến nhiều cháu nhập viện trong tình trạng trầm trọng; mới đây, có bé còn bị ngộ độc thuốc nam khiến mặt mọc đầy lông và giảm chức năng gan. 

“Tốt nhất, cha mẹ cần đưa bé đến cơ sở chuyên khoa nhi để xác định xem con có bị hen không để được hướng dẫn dùng thuốc dự phòng. Nếu đó chỉ biểu hiện viêm mũi dị ứng, ho dị ứng theo thời tiết thì bác sĩ sẽ kê thuốc dị ứng và hướng dẫn phòng bệnh”, BS Hồng Hạnh khuyến cáo.

Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ

Để phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa, chuyên gia nhi khoa khuyến cáo cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, tránh cho trẻ tiếp xúc với người ốm. Cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, chú ý bổ sung nước trái cây và uống đủ nước (nhiều bố mẹ, quên không cho trẻ uống nước). Mặt khác, cần chú ý vệ sinh thân thể cho bé, tránh nhiễm lạnh do trẻ bị nóng, toát mồ hôi. Đặc biệt, khi đi ra đường nên đeo khẩu trang cho bé, tránh hít nguồn bệnh qua đường hô hấp.

Theo BS Hồng Hạnh, tốt nhất nên cho trẻ ở trong phòng thoáng mát để tránh toát mồ hôi. Trường hợp gia đình sử dụng điều hòa thì lưu ý cần hẹn giờ tắt để tránh trẻ bị nhiễm lạnh lúc gần sáng. Hàng ngày, các gia đình cần vệ sinh mũi họng cho trẻ, dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi cho bé (3 lần/ngày);  trẻ trên 1 tuổi bị bít tắc mũi nhiều có thể dùng nước muối biển dạng xịt và dùng dụng cụ hút mũi để hút dung dịch tiết ra. Lưu ý, không cần thiết phải đưa  bé đi hút mũi vì có thể xước niêm mạc. 

Bên cạnh đó, các mẹ cũng không nên lạm dụng cho bé uống thuốc sirô ho dài ngày. Khi con chớm ho, mẹ có thể cho trẻ uống đường phèn chanh đào hoặc quất - mật ong, nhưng nếu 3 - 5 ngày không đỡ thì cần đưa trẻ đi khám. 

“Nếu bé có dấu hiệu cảm cúm như hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ thì gia đình có thể chăm sóc, chườm ấm để giảm sốt. Nhưng khi sốt cao liên tục từ  39 - 40OC, ngày hạ sốt trên 3 lần, hoặc hạ sốt không giảm thì cần phải đưa đi khám ngay để xét nghiệm xem đó là viêm dường hô hấp do virút hay biểu hiện nhiễm trùng ở cơ quan khác nữa, tránh bỏ sót bệnh, gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ”, BS Hồng Hạnh khuyến cáo. 
Phương Liên