12:07 10/12/2015

Gia tài Truyện Kiều cổ của nhà Kiều học

Sở hữu gần 60 bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm, ông Nguyễn Khắc Bảo ở Bắc Ninh, Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam đã trở thành người duy nhất có trong tay một “gia tài” Truyện Kiều cổ và quý nhất Việt Nam hiện nay.

Nhà Kiều học “tay ngang”

Ông Nguyễn Khắc Bảo tự nhận mình là người có duyên với Truyện Kiều, bởi ông vốn xuất thân là một giáo viên dạy toán. Đến năm 1989, ông nghỉ hưu về nối nghề làm thuốc đông y gia truyền. Gia đình ông có nhiều sách thuốc viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Chữ Hán thì ông được các cụ dạy, nên đọc thông viết thạo, nhưng chữ Nôm thì không được học. Trong tủ sách thuốc của gia đình, ông thấy có nhiều bài thuốc dân gian diễn bằng thơ Nôm lục bát, muốn hiểu được thì phải biết chữ, nên ông quyết tâm học chữ Nôm để dịch những bài thuốc dân gian ấy, vừa để chữa bệnh, vừa để lưu giữ cho con cháu sau này.

Ông Nguyễn Khắc Bảo và những cuốn Truyện Kiều cổ. Ảnh: giaoduc.net.vn


Chữ Nôm không có từ điển, ông đành lấy cuốn Truyện Kiều bằng chữ Nôm mà các cụ để lại, rồi so từng chữ với cuốn Truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ, bản dịch của cụ Đào Duy Anh, là bản Kiều rất phổ biến ngày đó để nhận mặt chữ. “Tôi học mò từng chữ một. Ví dụ, Truyện Kiều mở đầu với câu “Trăm năm trong cõi người ta”, tôi so sánh chữ đầu tiên là trăm, chữ thứ hai là năm… rồi nhớ từng mặt chữ. Trong quá trình tự học chữ ấy, tôi phát hiện câu thứ 5 trong cuốn sách nhà tôi không giống trong bản chữ quốc ngữ. Bản Truyện Kiều quốc ngữ do cụ Đào Duy Anh biên soạn viết: ‘Lạ gì bỉ sắc tư phong’, nhưng trong bản Truyện Kiều chữ Nôm của nhà tôi lại ghi là ‘Lạ gì bỉ sắc thử phong’. Tôi cho rằng xuất phát từ câu thành ngữ gốc Hán ‘Phong vô bỉ, sắc vô thử’, nên câu này đọc theo sách nhà tôi là ‘Lạ gì bỉ sắc thử phong’ thì đúng hơn”, ông Bảo cho biết.

Sau này, ông Bảo đọc và phát hiện thêm nhiều chỗ khác nhau nữa trong cuốn Truyện Kiều Nôm của gia đình ông với cuốn Truyện Kiều quốc ngữ. Ông suy luận, đại thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng chữ Nôm, sau này mới được dịch ra chữ quốc ngữ, nên có nhiều khả năng câu trong cuốn sách của nhà ông là đúng hơn. Tuy nhiên, khi đó, trong tay ông chỉ có một cuốn, nếu đưa ra thì sẽ không được thuyết phục được người khác, nên ông nảy ra ý định đi tìm và sưu tầm các cuốn Truyện Kiều Nôm cổ khác, xem các cụ ngày xưa khắc như thế nào để so sánh.

Và ông bắt đầu lặn lội đi sưu tầm Truyện Kiều cổ. Đầu tiên, ông tìm đến những cụ lang già, ai có Truyện Kiều bằng chữ Nôm thì hỏi mua, nếu không được thì mượn đi phôtô. Sau đó, ông lại tìm đến những gia đình xưa kia từng có người làm quan, làm nghề dạy học, những nhà có truyền thống nho học… hễ nghe nói ở đâu có cuốn Truyện Kiều cổ, ông lại tìm đến, hỏi mua hoặc mượn phôtô, sao chép lại. Ông Bảo cho biết: Đa số chủ nhân của những cuốn Kiều Nôm cổ là những nhà nho học, những người hiểu biết, đều đã cao tuổi, họ yêu và giữ sách lắm, nên muốn hỏi mua hay mượn được là không dễ dàng. Những lúc như vậy, ông thường dành thời gian làm quen, lân la hỏi chuyện, chia sẻ và trao đổi về kho kiến thức Truyện Kiều, dần dần, các cụ thấy ông là người yêu Truyện Kiều, có tấm lòng chân thành nên mới bán hoặc cho mượn sách đi phôtô. Cũng có người vì quý tấm lòng của ông đã sẵn sàng tặng lại.

Trong suốt 20 năm qua, ông đã đi khắp trong Nam, ngoài Bắc để tìm những cuốn Truyện Kiều bằng chữ Nôm. Một số cuốn ông phải nhờ bạn bè phôtô lại ở các thư viện bên Pháp, Mỹ gửi về. Đến nay, ông Bảo đã có trong tay trên 60 bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm và trở thành người có nhiều cuốn Truyện Kiều cổ nhất Việt Nam hiện nay.

Cuốn Kiều cổ và dòng họ Nguyễn ở Bắc Ninh

Trong “gia tài” hơn 60 bản Kiều cổ của ông Nguyễn Khắc Bảo, có một cuốn Truyện Kiều bằng chữ Nôm mà ông cho là cổ nhất. Cuốn sách này được tìm thấy ở nhà gia đình cụ Nguyễn Trừ, anh trai cụ Nguyễn Du.

Ông Nguyễn Khắc Bảo kể, trong quá trình tìm kiếm những cuốn Kiều, ông Bảo có đến một ngôi làng nhỏ nằm dưới chân núi Tiêu Sơn (thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông chợt nhớ bố cụ Nguyễn Du có lấy một người vợ người xã Tiêu Sơn, Bắc Ninh, nhưng giờ xã đó không còn. Ông hỏi các cụ già trong làng, được cụ cho biết, ở xóm bên có gia đình trước đây có mấy đời làm quan phủ. Khi ông tìm đến ngôi nhà đó, ông thấy bên bàn thờ tổ có treo câu đối cổ: “Lưỡng triều danh tể tướng - Nhất thế đại nho sư” (Tể tướng uy danh hai triều đại - Nhà nho lừng lẫy nhất một thời). Các cụ trong nhà còn cho biết, trước đây gia đình còn có một tấm hoành phi, do khó khăn nên các cụ đã bán cho một gia đình hàng xóm. Bức hoành phi có đề 4 chữ “Dịch Thế Thư Hương” (Đời đời vinh quang nhờ văn chương sách vở).

Các cụ còn dẫn ông đi thăm mộ cụ Tổ của dòng họ, dòng chữ ghi trên bia mộ cho biết đây là mộ của tri phủ Nam Sách Nguyễn Hầu, ở xã Tiên Điền, trấn Nghệ An xưa. Đối chiếu, so sánh những dữ liệu liên quan với gia phả của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, ông Bảo nhận định, đó là gia đình cụ Nguyễn Trừ, anh trai thứ 5 của cụ Nguyễn Du. Ông điện vào trong bảo tàng Nguyễn Du, bảo tàng đã cử 2 cán bộ ra thẩm định và công nhận đây đúng là gia đình anh trai cụ Nguyễn Du ở Bắc Ninh.

Ông Bảo kể, cũng trong quá trình tìm kiếm tư liệu để chứng minh nguồn gốc gia đình, các cụ trong gia đình đã đưa cho ông xem cuốn Truyện Kiều bằng chữ Nôm cổ. Cuốn sách đã bị mất đầu, mất đuôi, có chỗ bị mủn sắp hỏng, ông ngỏ ý mượn, các cụ trong họ đã vui lòng tặng lại ông cuốn sách để ông bảo quản, nghiên cứu. “Cuốn sách tuy bị mất tờ bìa, không rõ năm khắc ván, nhưng trong quá trình nghiên cứu, tôi nhận thấy, nửa đầu cuốn sách không kỵ húy tên vua Tự Đức, nhưng nửa sau lại kỵ húy tên vua Tự Đức. Tôi cho rằng, lúc đầu sách không kỵ húy vì khi đó Tự Đức chưa lên ngôi, đến năm 1847, khi vua Thiệu Trị chết, Tự Đức lên ngôi, mới có lệnh cấm kỵ húy tên vua. Khi đó truyện đang khắc dở, nên mới có chuyện nửa đầu không kỵ húy, nửa sau mới kỵ húy. Từ đó, tôi cho rằng, bản Truyện Kiều đó có vào khoảng cuối thời Thiệu Trị đầu thời Tự Đức (1847-1848), và rất có khả năng còn cổ hơn cả bản cổ nhất năm 1866 hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Nguyễn Du ở Hà Tĩnh”, ông Nguyễn Khắc Bảo cho biết.

Từ khi có những cuốn sách cổ, ông Bảo đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu, so sánh… với mong muốn duy nhất là tìm xem “câu chữ nào của cụ Nguyễn Du xin trả lại cụ Nguyễn Du”. Đến nay, ông Bảo đã xuất bản được 4 đầu sách gồm: "Tìm đến nguyên tác truyện Kiều” và “Truyện Kiều bản Nôm Thịnh Mỹ Đường - Tự Đức Kỷ Mão 1879” do NXB Văn hóa dân tộc ấn hành. Cuốn “Truyện Kiều - bản khắc cổ nhất in năm 1866” – NXB Nghệ An phát hành và cuốn “Truyện Kiều văn bản hướng tới phục nguyên, khảo đính và chú giải”- NXB Giáo dục ấn hành tháng 12/2004. “Hiện nay tôi đã phục nguyên được 918 chữ trong Truyện Kiều. Hầu hết các chữ tôi chữa đều được các nhà nghiên cứu, nhà Hán Nôm học, nhà Kiều học đồng tình. Trong cuốn Truyện Kiều do Hội Kiều học Việt Nam xuất bản, nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du vừa qua, đã đồng ý sửa hơn 400 chữ, còn khoảng 500 chữ khác vẫn phải chờ có quá trình tiếp cận dần dần, bởi bản Nôm cổ có nhiều âm ngữ rất khó hiểu, trong khi bản chữ quốc ngữ đã nghe quen tai, nên khi khôi phục lại từ ngữ cổ cần thời gian rất lâu mới được chấp nhận”, ông Bảo cho biết.
Phương Lan