Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức một số phiên đấu thầu vàng, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn, vì lượng vàng cung ứng ra thị trường ít, do nhiều yếu tố. Nguồn cung trên thị trường vàng hạn chế, khiến giá vàng miếng SJC vẫn trên đà tăng “phi mã”.
Giá vàng SJC đầu giờ chiều 9/5 tăng cao chưa từng có, đắt thêm 1,6 triệu đồng mỗi lượng so với cuối phiên ngày 8/5, lên đỉnh cao kỷ lục 89,1 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới cũng quay đầu tăng.
Đầu giờ chiều 9/5, giá vàng 9999 của SJC tăng thêm 300.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán, lên mức 89,1 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá vàng thế giới đứng quanh ngưỡng 2.316 USD/ounce, tăng 7 USD/ounce so với đầu giờ sáng. Còn tại hệ thống Doji Hà Nội, giá vàng SJC bán ra tăng 400.000 đồng/lượng so với 10 giờ sáng 9/5, giao dịch là 86,80 - 88,30 triệu đồng/lượng
Vào trưa 9/5, giá vàng SJC giao dịch 86,50 – 88,80 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so với phiên sáng cùng ngày. Trong khi đó vào phiên sáng 9/5, giá vàng bán ra là 88,50 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng so với cuối ngày 8/5.
Tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng là 86,80 - 88,80 triệu đồng/lượng, trong khi đó, giá mua vào – bán ra đầu phiên sáng 9/5 là 86,10 - 87,80 triệu đồng/lượng. Như vậy đầu giờ chiều 9/5, giá vàng tại cửa hàng này đã tăng tới 700.000 đồng/lượng mua vào và 1 triệu đồng/lượng bán ra so với phiên sáng cùng ngày.
Trong khi vàng nhẫn 9999 ít biến động, giá vàng miếng SJC lại tăng nhanh như vũ bão, bất chấp việc NHNN đã bổ sung thêm 6.800 lượng vàng miếng cho một số doanh nghiệp tham gia trúng thầu vừa qua. Tại một số cửa hàng, giá vàng nhẫn nơi giữ nguyên, nơi giảm 50.000 đồng/lượng, giao dịch phổ biến là 73,3 - 73,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 75 - 75,35 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng miếng SJC lại lập đỉnh khiến tâm lý đám đông đổ xô đi mua vàng với kỳ vọng giá vàng còn tăng tới 90 triệu đồng, thậm chí 100 triệu đồng/lượng. Chính vì vậy, tại tuyến "phố vàng" Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), nhiều cửa hàng kinh doanh vàng, đặc biệt Bảo Tín - Minh Châu, lại tái diễn cảnh xếp hàng.
Ghi nhận của phóng viên, khách hàng tới đăng ký mua nhiều hơn là bán, với những lý do như: Mua vàng để tích luỹ, để trả nợ... Có những người chọn vàng làm kênh đầu tư. Cũng không ít người tới mua vàng theo tâm lý đám đông.
Như vậy kể từ đầu tuần đến nay, giá vàng SJC đã tăng khoảng 2,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch với giá vàng thế giới cũng nới rộng lên 17 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng quốc tế chỉ ở mức 2.310 USD/ounce, tương đương với khoảng 71 triệu đồng/lượng. Sau nhiều ngày tăng, giảm liên tục, giá vàng thế giới được một số ý kiến đánh giá là bước vào giai đoạn ổn định, dao động quanh mức 2.300 USD/ounce.
Thực tế cho thấy, nguồn cung trên thị trường vàng miếng đã tăng thêm 6.800 lượng trong hai tuần gần đây, nhưng chênh lệch giữa vàng miếng và vàng thế giới không hề được thu hẹp, thậm chí ngày càng nới rộng thêm.
Theo một số chuyên gia kinh tế, giá đấu thầu vàng miếng mà NHNN đưa ra khá cao. Khi doanh nghiệp mua cao với giá cao, đương nhiên họ cũng bán ra với giá cao hơn. Mục đích đấu thầu vàng là tăng nguồn cung, liên thông dần giá vàng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc NHNN đưa mức giá khởi điểm mời thầu cao và doanh nghiệp đặt thầu với giá cao, đồng nghĩa với việc NHNN “vô tình” lại thừa nhận mức chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế sẵn có.
Như vậy, mục tiêu của đấu thầu vàng chưa đạt kỳ vọng. Chưa kể doanh nghiệp khi đã trúng thầu vàng với giá cao có khả năng sẽ bán ra với giá cao để doanh nghiệp có lợi nhuận và giá vàng trong nước thời gian tới sẽ vẫn khó hạ nhiệt.