01:22 26/01/2016

Giá rét tiếp tục đảo lộn cuộc sống người dân

Nhiệt độ ở khu vực phía Bắc vẫn đang duy trì ở mức thấp, từ 1 - 7OC. Lạnh kèm theo mưa, băng giá khiến cuộc sống của người dân các nơi đều bị ảnh hưởng.

Hà Nội vắng vì rét

Đến sáng ngày 26/1, nhiệt độ tại Hà Nội là 6,7OC. Nền nhiệt thấp kèm theo mưa liên tục kéo dài đã khiến thời tiết vô cùng giá rét, hầu hết các trường tiểu học, THCS đã cho học sinh nghỉ học.

Cái lạnh tê tái cũng khiến đường phố Hà Nội trở nên vắng lặng. Các hàng nước, hàng rong hầu như vắng bóng, các quán ăn thường ngày đông chen chúc giờ cũng lác đác khách; người bán hàng thì co ro trong tất, khăn, mũ bịt tai... Nhân viên bán hàng của quán phở trộn nổi tiếng phố Mã Mây than thở: “Suốt từ sáng tới giờ mới có mấy khách đến mua về ăn, chứ cũng không ăn tại quán, gà của em còn chất đống cả đây”. Chợ hoa Hàng Lược vừa kịp khai trương cũng đã đóng cửa, những cành đào được phơi mưa trơ trọi giữa ngã tư, những cây quất vàng ươm quả thì được che chắn cẩn thận, vì quất mà gặp mưa là úng ngay, chỉ còn nước bỏ đi.

Trang bị đèn sưởi ở các phòng bệnh nhân tại Bệnh viện Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Duy

Mưa rét khiến mọi người ngại ra đường, nhưng với những người có việc thì cũng không thể tránh được đối mặt với cái lạnh như kim châm, xuyên thấu kể cả áo phao, quần bò, găng tay da. Dường như có bao nhiêu quần áo rét đều được mang ra sử dụng hết, những tấm áo đại hàn tưởng cất kín đáy tủ lâu nay bỗng phát huy tác dụng. Thậm chí ủng đi mưa được huy động, nhất là với những người dân lao động.

Lo cho 3 sào hoa hướng dương trồng phục vụ Tết, nên dù giá rét, gia đình ông Nguyễn Văn An (60 tuổi, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) vẫn cần mẫn ra đồng chăm hoa. “Những ngày này, cây hoa càng cần được chăm sóc kỹ lưỡng hơn. Nhiệt độ thấp quá nên cây không phát triển được. Nụ hoa vẫn còn khá nhỏ, trời phải ấm hơn chút nữa thì vườn hoa hướng dương của tôi mới nở kịp để đón Tết”, ông An xót xa chia sẻ.

Giá rét cũng làm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân lao động. Ông Nguyễn Văn Bình (53 tuổi, quận Long Biên) làm bảo vệ cho một doanh nghiệp tại quận Cầu Giấy. Ngoài ca trực, ông còn làm thêm nghề xe ôm để nuôi hai con trai đang tuổi đi học. Ông cho biết, ông thường nhận chở khách quen, mỗi ngày kiếm được gần 200.000 đồng. Tuy nhiên, mấy ngày nay trời mưa lạnh, khách chuyển sang đi taxi nhiều hơn, thu nhập của ông vì vậy thấp hẳn.

Trong những ngày giá rét, không chỉ lo cho cái lạnh của mình, những tấm lòng của người dân Hà Nội cũng đang hướng tới các địa phương miền núi phía Bắc, nơi cái rét còn đậm và hại hơn, nơi những manh áo ấm, bữa cơm no chống rét thật sự rất hiếm hoi. Rất nhiều trường học đã phát động học sinh quyên góp quần áo cũ và 1 bữa sáng để tặng áo ấm cho các em nhỏ vùng cao. Và nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã nhanh chóng quyên góp đồ từ thiện, phân phát quần áo, thức ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn ngay ở chính Thủ đô. Em Phạm Thị Ngân (21 tuổi, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) đã tích cực tham gia các chuyến từ thiện, phát cơm, phát áo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, lao động ngoại tỉnh ở Hà Nội. Ngân chia sẻ: “Giữa cái lạnh thấu xương, vẫn còn rất nhiều người vật lộn mưu sinh, để rồi đêm xuống lại trở về chỗ ngủ quen thuộc là vỉa hè, ghế đá. Thấu hiểu hoàn cảnh của họ và mong muốn được chia sẻ, chúng em đã tình nguyện ủng hộ và phát quà cho người vô gia cư. Tuy nhiên, vì thời tiết quá lạnh nên chúng em cũng gặp khá nhiều khó khăn”.

Bệnh nhân nhập viện tăng cao

Từ ngày 24 - 26/1, tỉnh miền núi Lai Châu phải chịu đợt rét đậm, rét hại, băng tuyết kỷ lục. Giá rét đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và đặc biệt là tình hình sức khỏe của nhân dân, nhất là trẻ em và người cao tuổi.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, số lượng bệnh nhân nhập viện ngày một tăng. Ghi nhận tại khoa Nhi và khoa Nội ngày 26/1, các giường bệnh gần như đã kín bệnh nhân.

Bác sĩ Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, rét đậm, rét hại đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người già và trẻ em. Từ ngày 24/1 trở lại đây, trung bình mỗi ngày có trên 320 lượt bệnh nhân tới bệnh viện khám và điều trị. Trong đó, có khoảng 35 - 40 bệnh nhân phải nhập viện do rét, chủ yếu là người già và trẻ em. Bệnh nhân vào viện chủ yếu mắc các bệnh huyết áp, tim mạch, hô hấp...

“Thực tế đã có tình trạng một số người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa đi bằng xe máy vượt tuyến lên thẳng bệnh viện tỉnh mà không ủ ấm cho người bệnh dẫn đến người bệnh bị sốc nhiệt. Đã có trường hợp bệnh nhân tử vong vì thân nhiệt hạ thấp”, bác sĩ Giang cho biết thêm.

Trước tình hình bệnh nhân nhập viện có xu hướng tăng, bệnh viện đã chủ động lên kế hoạch, bố trí nhân lực, vật lực y tế để đảm bảo chăm sóc, cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng trang bị đèn sưởi, điều hòa cho các phòng cấp cứu, phòng đẻ, phòng có trẻ sơ sinh, người cao tuổi và một số phòng đặc biệt để giúp giữ ấm cho người bệnh; trang bị thêm chăn ấm cho những phòng chưa có điều hòa và đèn sưởi. Ngoài ra, các khoa, phòng chủ động đun, nấu nước sôi, thức ăn nóng, đảm bảo đủ dinh dưỡng để phục vụ bệnh nhân trong những ngày giá rét.

*Tại Quảng Ninh, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương và các sở, ngành dừng các cuộc họp chưa thực sự cần thiết, tổ chức ngay các đoàn công tác xuống tận các thôn, bản và hộ gia đình để hỗ trợ nhân dân phòng chống rét cho người và gia súc, gia cầm, sản xuất nông nghiệp. Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để tình trạng gia súc, gia cầm, thủy sản, diện tích mạ đã gieo bị chết do chủ quan, thiếu trách nhiệm trong việc phòng, chống. Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các địa phương thực hiện thống kê chính xác các thiệt hại và có phương án hỗ trợ cho những hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại trước Tết Bính Thân năm 2016.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do không khí lạnh có cường độ rất mạnh nên các tỉnh miền Bắc tiếp tục duy trì nền nhiệt thấp trên diện rộng đến hết ngày 27/1. Như vậy, người dân Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác vẫn sẽ phải tiếp tục chống chọi với rét đậm, rét hại.
PV – TTN