10:07 02/10/2014

Giá nước tăng, vẫn lo chất lượng

Từ ngày 1/10, giá nước sạch dùng trong sinh hoạt gia đình, cơ quan, doanh nghiệp Hà Nội đồng loạt tăng khoảng 1.000 đồng/m3 (khoảng 25%), trong đó giá nước sinh hoạt gia đình tăng từ 4.172 đồng/m3 lên 5.020 đồng/m3 đối với 10 m3 đầu tiên.

Từ ngày 1/10, giá nước sạch dùng trong sinh hoạt gia đình, cơ quan, doanh nghiệp Hà Nội đồng loạt tăng khoảng 1.000 đồng/m3 (khoảng 25%), trong đó giá nước sinh hoạt gia đình tăng từ 4.172 đồng/m3 lên 5.020 đồng/m3 đối với 10 m3 đầu tiên.

 

Mức tăng này là theo lộ trình tăng giá nước 3 năm liên tiếp từ 2013 - 2015 mà thành phố Hà Nội đã công bố, nên nhìn chung, người dân không băn khoăn nhiều về mức tăng, mà vấn đề được quan tâm là giá nước tăng thì chất lượng nước và việc cung cấp nước sinh hoạt có thực sự được cải thiện?


Mức độ tác động không lớn


Gia đình chị Ngọc Anh (Liễu Giai, Hà Nội) có 3 người, hai vợ chồng và 1 con nhỏ, dù dùng không phải quá tiết kiệm nhưng mỗi tháng tiền nước của gia đình cũng chỉ suýt soát 100.000 đồng. Với mức tăng mới này, số tiền nước hằng tháng sẽ cao hơn khoảng 25.000 đồng, theo chị Ngọc Anh, không phải là mức tăng quá cao, nên cũng thấy chấp nhận được.

 

Một trạm cung cấp nước sạch cho người dân Thủ đô.Ảnh: CTV


Với gia đình bà Nguyễn Thị Hằng (Lạc Long Quân, Hà Nội), do nhà đông người nên tiền nước mỗi tháng cũng suýt soát 150.000 đồng, với mức tăng mới, giá nước lên gần 200.000 đồng. “Thêm mấy chục ngàn, cũng là vấn đề với người về hưu như tôi, tuy nhiên, theo tôi cũng không quá cao, quá sức, nên thực sự cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới chi phí hằng tháng của gia đình tôi”.


Rõ ràng, ở những hộ gia đình có mức thu nhập trung bình trở lên, thì việc tăng thêm khoảng 25% giá nước là mức chi phí chấp nhận được và cũng ít người tỏ ra lưu tâm. Tuy nhiên, với nhiều gia đình có mức thu nhập thấp, thì đây vẫn là khoản tiền cần tính toán. Bà Nguyễn Thị An (Đội Cấn, Hà Nội) cho biết: “Lương hưu công nhân cả hai vợ chồng hơn 4 triệu đồng. Thời gian qua, mọi chi phí đều tăng, nên tôi đã phải chi tiêu khá khó khăn, tằn tiện nhiều, nay giá nước lại tăng thế này, kể cũng là điều phải bận tâm suy nghĩ”.


Đi đôi với trách nhiệm


Điều mà người dân bận tâm nhiều là việc tăng giá nước có đồng thời với việc tăng trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước đối với việc bảo đảm cung cấp nước thường xuyên và chất lượng nước sạch.


Theo đại diện Sở Tài chính Hà Nội, trong bối cảnh giá nước không đủ bù đắp giá thành sản xuất nước, công ty nước sạch bị lỗ và việc tăng giá nước sạch hiện nay là cần thiết với điều kiện thực tế.

Ông Phạm Văn Thành, phường Ngọc Khánh (Ba Đình) khá bức xúc khi được hỏi về vấn đề tăng giá nước, nhưng là vì cả khu vực nhà ông đã bị mất nước gần 5 ngày nay mà không được thông báo trước, khiến nhiều hộ gia đình, trong đó có gia đình ông, phải khốn đốn “sơ tán” con sang nhà ngoại. “Nước là dịch vụ cơ bản ở đô thị đáp ứng nhu cầu tối thiểu con người, nên cần phải bảo đảm cung cấp thường xuyên. Mức tăng giá nước phải đi đối với trách nhiệm của đơn vị cung cấp, chứ không thể để mất nước không báo trước như vậy”, ông Phạm Văn Thành phàn nàn.


Cùng chung tâm trạng, chị Lê Văn Thanh (khu Định Công Thượng) cho biết: “Dịp hè vừa qua, gia đình tôi khốn khổ vì mất nước. Mất nước, người dân trong khu phải mua tới 100.000 - 120.000 đồng/m3. Giờ giá nước sinh hoạt tăng, thì phải đồng nghĩa với việc phải bảo đảm nhu cầu nước cho người dân cũng như chất lượng nước”.


Không băn khoăn về vấn đề mất nước, nhưng với bà Phạm Thị Hoạch, khu đô thị Mỹ Đình II, thì điều đáng để tâm là vấn đề chất lượng nước. Bà Hoạch chia sẻ: “Khi nhận được thông tin nước sạch ở khu vực này nhiễm Asean, tôi rất sốc, bởi nước sạch đồng nghĩa với sức khỏe. Bình quân một tháng, gia đình tôi dùng hết khoảng 120.000 - 140.000 đồng tiền nước, nếu tăng xấp xỉ 25% tương đương khoảng 30.000 đồng, với gia đình tôi không thành vấn đề, vấn đề tôi quan tâm là chất lượng. Chúng tôi bỏ tiền ra mua nước thì chất lượng nước phải được bảo đảm, chứ không như hiện nay, cả khu tôi phải tìm mua máy lọc nước về lọc nước để dùng hàng ngày”.


Tâm lý này của bà Phạm Thị Hoạch cũng được anh Nguyễn Văn Thủy (Xa La, Hà Đông) chia sẻ: “Thực tế thì giá nước sinh hoạt tăng từ năm 2013 và theo thông tin thì sẽ tiếp tục tăng đến 2015, nên không có gì gây sốc cả. Vấn đề tôi thấy không ổn là dù giá nước sinh hoạt tăng liên tục trong 2 năm nay, nhưng tình trạng mất nước, nước nhiễm bẩn vẫn gia tăng. Đúng ra khi tăng giá, đơn vị cung cấp nước phải bảo đảm chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho người dân theo tỷ lệ thuận”.


Theo đại diện Công ty nước sạch Hà Nội, việc tăng giá nước này là đúng lộ trình và không gây sốc cho người tiêu dùng. Sau đợt tăng vào tháng 1/10/2013 và đợt tăng lần này, 1/10/2014; thì đến năm 2015, giá nước sẽ tiếp tục tăng (lên 5.973 đồng/m3 cho 10 m3 đầu tiên), tương ứng tăng 19,34% so với mức giá bình quân năm 2014. “Dù tăng liên tục 3 năm liên tiếp nhưng mức giá này mới chỉ bảo đảm giá thành sản xuất và bù đắp chi phí của năm 2013”, đại diện công ty chia sẻ.


Còn về vấn đề bảo đảm chất lượng nước, theo đại diện này, công ty sẽ tăng cường các trạm xử lý để bảo đảm chất lượng nước, đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện những trường hợp thiếu, mất nước sinh hoạt, để khắc phục kịp thời; bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân.


Xuân Minh - Đức Trung