10:08 19/10/2021

Giá nông sản trên Sở Chicago tăng 3 phiên liên tiếp; nhóm năng lượng bắt đầu hạ nhiệt

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, bên bán chiếm ưu thế trên các thị trường hàng hóa nguyên liệu cơ bản, khiến chỉ số hàng hóa MXV-Index giảm 0,65% xuống còn 2.403 điểm.

Đáng chú ý, chỉ số MXV-Index Năng lượng giảm mạnh 1,75% xuống mức 3.833 điểm, kết thúc chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp. Giá trị giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đạt gần 4.200 tỷ đồng, trong đó nhóm năng lượng chiếm gần 40%. Giới đầu tư trong nước vẫn đang tập trung giao dịch các mặt hàng dầu thô WTI và Brent, dù xu hướng tăng đã có dấu hiệu chững lại.

Giá dầu Brent giảm điều chỉnh sau khi đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm

Thị trường dầu diễn biến trái chiều ngày hôm qua, với WTI tăng nhẹ 0,19% lên 82,44 USD/thùng, trong khi Brent giảm 0,62% xuống 84,33 USD/thùng.

Sau Trung Quốc, đến lượt sản lượng công nghiệp ở Mỹ xuống thấp hơn mức kỳ vọng, khi thiếu hụt nguyên liệu đầu vào buộc các nhà máy giảm công suất. Đây là lần đầu tiên trong năm nay, hoạt động sản xuất giảm 2 tháng liên tiếp, khiến cho thị trường rơi vào trạng thái lo sợ mức giá cao sẽ gây thiệt hại cho tiêu thụ, ít nhất là đối với nhu cầu công nghiệp.

Điều này có thể khiến các nước gia tăng sức ép buộc nhóm OPEC+ gia tăng sản lượng trong cuộc họp ngày 4/11 tới. Nhà Trắng ngày càng công khai hơn trong việc kêu gọi OPEC hành động để giải quyết vấn đề của thị trường. Nhật Bản đang dựa vào các nhà sản xuất trong nước để giảm thiệt hại, trong khi Trung Quốc cũng buộc phải cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu. Chính phủ Pháp cũng đang để ngỏ khả năng sẽ cấp phiếu giảm giá xăng dầu đối với các gia đình có thu nhập thấp.

Trên Sở NYMEX, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 12 giảm mạnh 6,5% xuống còn 5,24 USD/MMbtu. Giá khí hạ nhiệt khi cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu không còn là chủ đề nóng trên thị trường. Chỉ sau 2 phiên giảm liên tiếp, giá khí tự nhiên đã giảm hơn 10%.

Chú thích ảnh

Các mặt hàng nông sản trên sở Chicago tăng phiên thứ 3 liên tiếp

Hợp đồng đậu tương kỳ hạn tháng 11 chủ yếu tăng mạnh vào cuối phiên và đóng cửa trên vùng giá 1220 cents/giạ. Những lo ngại về thời tiết mùa vụ tại Nam Mỹ đang là nguyên nhân hỗ trợ giá đi lên. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), dự báo thời tiết mưa quá lớn ở phía nam Brazil và hạn hán ở Argentina đều bị đánh giá là khung thời tiết không thuận lợi đối với giai đoạn phát triển đầu tiên của cây đậu tương.

Giá dầu đậu tương tăng mạnh hơn 1% lên hơn 62 cents/pound nhờ sự hỗ trợ đến từ đà tăng của giá dầu cọ. Trong khi đó, đà tăng của đậu tương cũng giúp khô đậu tương đóng cửa với sắc xanh.

Chú thích ảnh

Ngô là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của thị trường nông sản trong phiên hôm qua. Lo ngại về hiện tượng thời tiết La Nina tái xuất hiện gây ra khô hạn ở Brazil vẫn là yếu tố chính hỗ trợ giá. Bên cạnh dó, nhập khẩu ngô trong tháng 9 của Trung Quốc đạt mức 3,53 triệu tấn, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy nhu cầu nhập khẩu đang tăng lên ở quốc gia nhập khẩu số 1 thế giới này.

Tại thị trường trong nước, giá ngô nhập khẩu CNF tại cảng Cái Lân tăng 2 USD/tấn lên khoảng 305 – 307 USD/tấn đối với hàng Nam Mỹ giao tháng 1, 2, 3. Giá ngô tại cảng Cái Mép thấp hơn từ 3 – 4 USD/tấn so với thị trường miền Bắc. Hiện nay, các nhà máy thức ăn chăn nuôi vẫn chưa chốt giá nhập khẩu các hợp đồng kỳ hạn tháng xa, bởi giá cao hơn so với kỳ vọng, trong khi yếu tố đầu ra vẫn chưa được đảm bảo do giá lợn, gà đang đồng loạt giảm mạnh.

Các chuyên gia trong ngành lo ngại giá lợn hơi có thể sẽ giảm xuống mức đáy 35.000 đồng/kg đối với lợn tiêu chuẩn trong vài tuần tới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam