10:22 21/10/2012

Giá một số mặt hàng có xu hướng ổn định

Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong 15 ngày đầu tháng 10/2012, giá các mặt hàng thực phẩm, đường, phân bón, xi măng, thép, xăng dầu và giá lúa gạo ổn định hoặc giảm nhẹ; giá khí hóa lỏng (LPG) biến động tăng.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong 15 ngày đầu tháng 10/2012, giá các mặt hàng thực phẩm, đường, phân bón, xi măng, thép, xăng dầu và giá lúa gạo ổn định hoặc giảm nhẹ; giá khí hóa lỏng (LPG) biến động tăng.

 

Khu thực phẩm ướp lạnh tại siêu thị Co.opMart Hà Nội.

 

Tại thị trường trong nước, giá thóc, gạo tẻ ở miền Bắc trong 15 ngày đầu tháng 10 ổn định so với 15 ngày đầu tháng 9: Giá gạo tẻ thường dao động ở mức 8.500 - 12.500 đồng/kg. Trong khi đó, tại miền Nam, giá thóc và gạo giảm so với cùng kỳ tháng trước: Giá thóc giảm 50 - 300 đồng/kg, ở mức 5.300- 6.350 đồng/kg… Giá lúa gạo có xu hưởng giảm do Thái Lan đang bước vào vụ thu hoạch chính trong năm, nguồn cung tăng lên trong khi nhu cầu không cao đã tác động làm giá gạo trên thị trường thế giới ổn định và giảm. Ở trong nước, tình hình xuất khẩu hạn chế đã khiến giá thóc, gạo tại các tỉnh Nam bộ giảm trong 15 ngày đầu tháng 10 này. Các chuyên gia thị trường dự báo, giá thóc, gạo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

 

CPI tháng 10 của Hà Nội tăng 0,37% Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Hà Nội tăng 0,37% so với tháng 9 và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2011. Nhận xét về CPI tháng 10 của Hà Nội, một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Hầu hết các nhóm hàng có chỉ số giá tăng so tháng trước nhưng mức tăng không đáng kể.

Diễn biến giá thực phẩm tươi sống đang có xu hướng giảm nhẹ hoặc ổn định (tùy từng mặt hàng), riêng giá rau củ quả và thủy hải sản có xu hướng tăng so với 15 ngày đầu tháng 9. Cụ thể: Giá thịt lợn hơi tại miền Bắc được bán phổ biến 42.000 - 43.000 đồng/kg, giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá thịt lợn hơi thấp hơn một chút so với miền Bắc và cũng giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg; thịt lợn mông sấn ổn định; thịt bò thăn tăng 5.000 đồng/kg với giá bán trung bình 195.000 - 210.000 đồng/kg. Giá thực phẩm tươi sống giảm do nguồn cung dồi dào, sức mua giảm và tình hình dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn. Tình hình này sẽ giữ ổn định đến hết tháng 10/2012.


Trong khi đó, giá rau quả tăng do ảnh hưởng của thời tiết, một số loại rau đã vào cuối vụ thu hoạch nên nguồn cung giảm. So với 15 ngày đầu tháng trước, giá một số loại củ, quả, mặt hàng thủy, hải sản như cá chép, tôm, mực ống… tăng. Đơn cử: rau bắp cải tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg, khoai tây tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg; cá chép tăng 5.000 đồng/kg….


Mức tăng giá gas là phù hợp Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Từ ngày 1/10, giá gas đã tăng từ 13.500 - 16.590 đồng/bình 12 kg, tùy nhãn hiệu. So với tính toán tác động của các phụ phí tăng thêm như giá hợp đồng gas trên thế giới tăng, mức phụ phí tăng thì việc tăng giá gas của 5 doanh nghiệp là Công ty cổ phần (CP) Gas Petrolimex chi nhánh Hà Nội, Công ty CP kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam, Công ty TNHH MTV dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty cơ khí Việt Nam - Công ty kinh doanh sản phẩm phí, Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc là phù hợp.

Giá vật liệu xây dựng tiếp tục giữ ổn định so với 15 ngày đầu của tháng 9. Báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố cho thấy: Giá bán lẻ xi măng ở các địa phương ổn định, giá bán lẻ tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung phổ biến từ 1.320 - 1.500 đồng/kg tại các tỉnh miền Nam, phổ biến từ 1.600 - 1.700 đồng/kg. Mức giá này được dự báo sẽ giữ ổn định đến hết tháng này.


Đối với mặt hàng thuốc, nhìn chung, giá thuốc tại các trung tâm bán buôn thuốc tân dược tại Hà Nội và các vùng lân cận ổn định. Một số mặt hàng thuốc nội và ngoại có giá biến động nhưng mức tăng hay giảm không lớn. Bên cạnh đó, nguồn cung ứng thuốc vẫn đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, báo cáo của Cục Quản lý giá cũng đề cập, giá nhập khẩu thuốc (giá CIF) tăng. Theo đó, số lượng thuốc có giá biến động so với lần nhập liền kề trước chiếm khoảng 9% tổng số lô thuốc nhập khẩu từ các thị trường khác nhau. Ấn Độ, Hàn Quốc, Pháp vẫn là các thị trường cung cấp thuốc chủ yếu của Việt Nam.


Minh Phương