01:14 10/01/2011

Gia Minh, mái trường yêu

Tôi trở lại Gia Minh, Hải Phòng. Thoảng đâu đó có ai đang cất lên giọng trong trẻo những lời chứa chan tình cảm trong một bài thơ của thi sỹ Hà Thành – nhà thơ Đỗ Việt Dũng viết về cảnh vật, con người nơi đây trong một lần đến thăm trường...

Tôi trở lại Gia Minh, Hải Phòng. Thoảng đâu đó có ai đang cất lên giọng trong trẻo những lời chứa chan tình cảm trong một bài thơ của thi sỹ Hà Thành – nhà thơ Đỗ Việt Dũng viết về cảnh vật, con người nơi đây trong một lần đến thăm trường: “Bàn chân đi về phía mặt trời/ Bỏ lại phía sau góc khuất/ Cuộc chiến giữa cái còn cái mất/ Bước gian nan tìm lại chính mình...”.

Minh họa: BOP


“Mái trường yêu chuyên dạy viết chữ Người” - ý tứ truyền tải của bài thơ là vậy, và mái trường đó chính là Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội Gia Minh – Hải Phòng với số lượng học viên đông đảo, trên 1.000 người đều là những đối tượng từng sa ngã vào con đường nghiện ma túy, đủ các lứa tuổi, thành phần, nghề nghiệp. Những con người mà nói như ai đó là đã tàn đời, không còn gì để mất.


Ở gia đình họ là kẻ bất trị, ở xã hội họ là kẻ liều lĩnh đáng sợ. Giờ họ dồn tụ về đây. Bí quyết nào để cảm hóa, giáo dục, rèn luyện họ, để có được môi trường sống văn minh, cảnh quan sạch đẹp để rồi mai đây hồi sinh cuộc đời cho họ, đưa họ trở về với cuộc sống lương thiện, trở lại đúng nghĩa: Con người có ích?

Về thăm trung tâm, nhìn những dãy nhà được xây dựng khang trang tựa lưng vào thế núi vững chãi, những hàng cây xanh thẳng tắp, những vườn hoa xinh xắn, những chậu cây cảnh uốn thế tạo hình khoe sắc đón xuân, gặp gỡ những học viên chào đón khách bằng ánh mắt nụ cười niềm nở, tôi có cảm nhận nơi đây con người và thiên nhiên thật gần gũi, thân thiện.


Tuy nhiên, Thượng tá - Giám đốc Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội Hải Phòng Nguyễn Quang Toàn không trả lời câu hỏi của tôi. Anh chỉ cười, nét cười kín đáo, tự tin. Tính anh vốn thế: Không thích khoa trương, nói nhiều về thành tích, cũng không hay kể khó, kêu khổ khi gặp cấp trên hay mỗi lần tiếp khách dù quen, dù lạ về thăm. Ấy là những người bạn anh mách bảo tôi trước khi có cuộc gặp gỡ này. Nhưng những gì hiển hiện trong cơ ngơi rộng dài, bề thế ra đời từ mảnh đất sỏi đá, khô cằn đã thay anh trả lời tất cả.

Thoáng nhìn anh, một con người đã qua tuổi ngũ tuần, mái tóc lưa thưa sợi bạc, khuôn mặt vuông vức, phúc hậu, nước da nâu sẫm đậm màu nắng gió, ánh mắt sắc sảo pha chút ưu tư, tôi đoán chắc anh là người dạn dày, từng trải. Phải, nếu không thế thì làn sao có thể quản lý bao quát một cơ sở trên 1.000 con người, với nhiều lĩnh vực, ngành nghề trải khắp trên 70ha đất đai có đồng ruộng, núi non, ao hồ nằm giữa vùng xưa kia được coi là hoang vu, hẻo lánh? Thăm cơ sở sản xuất gia công giấy xuất khẩu sang tận Đài Loan, nơi làm giầy, làm mi, sửa chữa cơ khí, thăm trại nuôi lợn thịt trên 200 con, trại lợn rừng, gà ác, vùng ao hồ nuôi cá sản lượng 20 tấn/năm, dãy nhà trồng nấm, khu vườn trồng dưa, măng tây, rau các loại... tôi nghĩ anh là nhà quản lý doanh nghiệp tài ba.


Nhưng khi vào các lớp học có đủ bục giảng, bảng viết, bàn ghế mà ngay phía trên là dòng chữ: “Tiên học lễ, hậu học văn” được kẻ rất ngay ngắn, mô phạm thì trong tôi lại đặt ra câu hỏi: Phải chăng đây là trường học đích thực, anh là nhà quản lý giáo dục đó chăng? Cũng chưa hẳn. Trước cổng từng khu, thường gặp những người bảo vệ trang phục chỉnh tề, đứng chào theo kiểu nhà “nhà binh”.


Vào từng phòng, những dãy giường nằm ngay ngắn, gọn gàng, giá giày dép đặt trước cửa ngang hàng thẳng lối... chỉ từng ấy thôi cũng đủ nhận biết nơi đây có dáng dấp một doanh trại quân đội mà anh là người chỉ huy cao nhất. Những con người mà nói như ai đó là đã tàn đời, không còn gì để mất, ở gia đình họ là kẻ bất trị, ở xã hội họ là kẻ liều lĩnh đáng sợ. Giờ họ dồn tụ về đây.


Để giáo dục họ, theo Thượng tá - Giám đốc Toàn: “Tựu trung lại là mấy chữ: Tâm, tình, tầm... Có tâm nhân ái thì ứng xử đậm tình người, có tâm thì tìm ra cách làm và tầm mắt nhìn xa... Ở trung tâm chúng tôi, từ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên đều tâm niệm như thế...

Trước khi về thăm, tôi đã tìm hiểu trung tâm này từ hơn 5 năm về trước. Còn nhớ ngày 27/4/2005 – cái ngày rất đáng nhớ, nơi đây xảy ra sự kiện “Vỡ trại” gây xôn xao, lo lắng, chấn động cả thành phố.


Cũng từ đó, bao khó khăn, phức tạp tích tụ lâu ngày được lộ rõ: Tư tưởng bi quan thất vọng, tổ chức rệu rã, cơ sở vật chất xuống cấp, bức tranh tài chính một màu xám xịt. Trước tình hình đó, lãnh đạo thành phố đã rất sáng suốt đưa ra nhiều biện pháp cấp bách và xác định vấn đề cốt lõi là phải tìm người đứng mũi chịu sào.


Rồi anh, Trung tá Nguyễn Quang Toàn – người chỉ huy đội đặc nhiệm điều tra vụ việc được cấp trên chọn mặt gửi vàng với nhiệm vụ đầu tiên là: “Lập lại trật tự, ổn định tình hình hoạt động của trung tâm”. Nói tưởng đơn giản, nhưng khi bắt tay vào việc mới thấu hết những gian nan, cực nhọc. Trăm ngàn mâu thuẫn cần giải quyết, một núi công việc đan chen rối rắm như mớ bòng bong.


Bây giờ phải bắt đầu từ đâu? Suy nghĩ, bàn bạc, đắn đo, cân nhắc, cuối cùng tập thể lãnh đạo trung tâm đi đến nhất trí: Coi con người là trung tâm, bắt đầu từ yếu tố con người. Đó là mỗi người đang làm nhiệm vụ quản lý, chăm sóc và giáo dục, là học viên, là gia đình người thân của họ. “Chúng ta phải thật sự hiểu mình, hiểu người. Ấy là bí quyết của mọi thành công”, Giám đốc Toàn tâm sự.


Và thế là hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Người mắc nghiện ma túy về đây họ là ai? Họ nghĩ gì? Cần gì? Chúng ta hiểu hết họ chưa? Gia đình, người thân của họ hiểu gì, nghĩ gì về họ? v.v...

Sau những cuộc hội thảo có sự góp mặt của các nhà khoa học, nhà quản lý - hoạch định chính sách, luật sư, giám đốc các trung tâm - giáo dục - lao động lớn trong toàn quốc; sau những cuộc sinh hoạt, thảo luận, đối thoại cởi mở - dân chủ giữa những người quản lý trung tâm với học viên... đã xác định rõ: Học viên là những người công dân, ngoài quyền được tôn trọng thân thể và nhân phẩm, họ có quyền được chữa bệnh (cai nghiện, hội chứng HIV/AIDS hoặc các bệnh thông thường khác...), quyền được chăm sóc sức khỏe, đồng thời họ có quyền được lao động phù hợp sức khỏe và năng lực, bởi lao động cũng là liệu pháp giúp họ được chữa trị tốt hơn, qua lao động họ quý trọng của cải vật chất hơn, lao động giúp họ được cải thiện sinh hoạt hàng ngày...


Những nhận thức ấy thấm tới từng học viên, và thay đổi suy nghĩ, hành động của cả cán bộ - nhân viên quản lý trung tâm, tạo ra sự đồng thuận nội bộ của hàng nghìn con người, làm cơ sở cho việc áp dụng những cách ứng xử hoàn toàn khác với học viên: Họ được tôn trọng hơn, không có sự kỳ thị, phân biệt; họ được chăm lo nhiều hơn về đời sống, chữa bệnh, học tập, giao lưu, vui chơi, sáng tạo trong lao động... Từ đó học viên thân thiện với người quản lý, yêu thương nhau và phấn khởi, tin tưởng ở kết quả học tập - lao động - cải hóa bản thân.

Mục tiêu cải hóa những “con nghiện” sẽ rất mong manh nếu không có sự kết hợp chặt chẽ với bố mẹ, người thân trong gia đình họ. Hiểu người rồi, giờ đến hiểu mình. Nghĩa là sự gần gũi, cách ứng xử tôn trọng, lời khuyên bảo ân tình sẽ thay vì đe nẹt, bạo lực.


Không khí lao động náo nức, khẩn trương sẽ thay những ngày rỗi rãi buồn tẻ, các hình thức sinh hoạt nâng cao đời sống tinh thần sẽ được đưa thành chương trình hoạt động thường xuyên. Đội ngũ cán bộ, nhân viên cần sàng lọc tổ chức lại và làm việc theo phong cách mới. Từ đó, từng ngày, trung tâm đổi mới trở thành điểm sáng hôm nay.

Tôi say sưa đứng nhìn học viên đang chơi bóng chuyền, bóng bàn và luyện tập văn nghệ để chuẩn bị mừng ngày Quốc khánh 2/9. Tôi chăm chú quan sát bữa ăn của họ với những đĩa rau, đĩa cá do chính bàn tay họ nuôi trồng và được biết đã được tăng thêm hơn nhiều so với định mức tiêu chuẩn.


Và tôi hiểu, để có được điều này, những cán bộ nhân viên trong 3 năm qua đã nỗ lực phi thường.

Tôi lại nghĩ: Trung tâm đã chọn hướng đi bắt đầu từ con người thì thành tựu thu được lớn nhất không chỉ ở những tòa nhà, vườn cây, ao cá, hay sản phẩm chiếc mũ đôi giày- mà cái được bao trùm, có ý nghĩa to lớn là con người. Hàng năm đã và sẽ có gần 1.000 người mắc nghiện được hồi sinh từ đây.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn lời phát biểu của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải phòng trong một dịp xuống thăm trung tâm: “Mong rằng, Trung tâm sẽ là điểm sáng về cảnh quan thiên nhiên; về xây dựng, kiến trúc, về tình thương và lòng nhân ái với con người, vì con người”.


Đó cũng là niềm tin mà nhân dân cả thành phố gửi gắm ở trung tâm, một đơn vị đang trên đường trưỏng thành và phát triển, gánh vác nhiệm vụ vô cùng khó khăn phức tạp – Nhiệm vụ giáo dục đào tạo, hồi sinh con người.

Bút ký của Đinh Quyền