03:16 02/03/2017

Giá lúa tăng, nông dân 'bẻ kèo' doanh nghiệp

Vụ lúa Đông Xuân 2016-2017 tại Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Trái với các năm trước, năm nay càng vào vụ thu hoạch rộ, giá lúa Đông Xuân càng tăng cao.

Đây cũng là niềm vui chung của nông dân để bù vào việc năng suất lúa bị giảm, nhưng cũng là nỗi lo của các doanh nghiệp vì giá lúa nguyên liệu tăng nhanh trong khi giá xuất khẩu gạo tăng chậm. Đặc biệt, giá lúa tăng liên tục làm cho doanh nghiệp khó thu mua đủ chỉ tiêu để xuất khẩu vì nhiều hộ nông dân mặc dù đã ký kết bao tiêu với doanh nghiệp nhưng vẫn cố tình "bẻ kèo" để bán ra bên ngoài.


Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, do tình hình giá lúa ngoài thị trường gia tăng, các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân cũng đã tăng giá thu mua cho phù hợp với thị trường nhưng vẫn có nhiều hộ nông dân "bẻ kèo" với doanh nghiệp, số lượng này chiếm từ 10-20%. Trong đó, có trường hợp nông dân trả tiền cọc lại cho doanh nghiệp, thậm chí trả gấp đôi số tiền doanh nghiệp đặt cọc, sau đó khi thu hoạch đã bán toàn bộ sản lượng lúa ra bên ngoài. Một số nông dân vẫn bán lúa cho doanh nghiệp nhưng chỉ bán với sản lượng 50%, còn lại bán ra bên ngoài...


Về tình hình xuất khẩu gạo, ông Toại cho biết, một số doanh nghiệp năm nay đang gặp khó khăn về vốn để thu mua lúa gạo cho nông dân do định mức cho vay của một số ngân hàng thương mại đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị cắt giảm.


Năm nay, những doanh nghiệp nào ký hợp đồng xuất khẩu từ đầu năm với sản lượng cao, giá thấp thì đang bị lỗ vì giá lúa nguyên liệu hiện tại tăng cao hơn giá xuất khẩu. Những doanh nghiệp mới ký hợp đồng thì xuất khẩu có lãi.


Tình hình xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm cho thấy, giống lúa thơm Jasmine 85 xuất khẩu với sản lượng nhiều hơn giống lúa thường IR 50404 nên giá lúa thơm Jasmine 85 cũng tăng cao hơn cùng kỳ khoảng 1.000 đồng/kg, trong khi giá lúa thường IR50404 chỉ tăng khoảng 600 đồng/kg.


Ông Nguyễn Văn Hải, Công ty VinaCam Cờ Đỏ cho biết, mặc dù doanh nghiệp hàng tuần đều có điều chỉnh tăng giá thu mua lúa cho phù hợp với giá ngoài thị trường nhưng một số hộ dân vẫn "kiếm chuyện" và "bẻ kèo", không bán lúa cho doanh nghiệp mà bán ra bên ngoài. Số lượng này chiếm khoảng 10% tổng số hộ ký kết bao tiêu.


Năm nay, Công ty VinaCam Cở Đỏ đã ký kết bao tiêu 500 ha lúa của nông dân tại huyện Cờ Đỏ. Đến nay, Công ty đã thu mua được gần 3.000 tấn, thấp hơn cùng kỳ do năng suất lúa năm nay đạt thấp hơn cùng kỳ khoảng 30% cộng với sản lượng thu mua bị giảm vì nạn người dân bẻ kèo.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ, trong vụ Đông Xuân 2016-2017, trên địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện 92 cánh đồng lớn với diện tích là 19.872 ha với 13.126 hộ tham gia, tăng 3.206 ha và 479 hộ so với vụ Đông Xuân trước.


Tính đến đầu tháng 3, nông dân trên địa bàn đã thu hoạch được trên 55.000 ha trên tổng diện tích gieo cấy là 85.450 ha, năng suất bình quân đạt khoảng 6,2 tấn/ha, thấp hơn cùng kỳ khoảng 1,2 tấn/ha. Hiện giá lúa tươi được nông dân bán tại ruộng cho thương lái từ 4.400 đến 4.700 đồng/kg đối với giống IR 50404 và từ 5.500 đến 5.700 đồng/kg đối với giống Jasmine 85, cao hơn cùng kỳ từ 600 đến 1.000 đồng/kg.

Ngọc Thiện (TTXVN)