04:20 20/04/2017

Giá lợn hơi bằng 2/3 giá thành, người nuôi 'khóc ròng' tìm đầu ra

Giá lợn (heo) hơi xuất chuồng liên tục giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục khiến người nuôi "khóc ròng" vì thua lỗ.

Tại khu vực nuôi heo lớn nhất nước - tỉnh Đồng Nai, người nuôi buồn hơn bao giờ hết. Khảo sát của phóng viên cho thấy, giá heo hơi xuất bán tại chuồng chỉ dao động từ 24.000 - 25.000 đồng/kg, thế nhưng thương lái vẫn "chê ỏng chê eo" tìm cách đẩy giá xuống thấp thêm. Tuy nhiên, giá này chỉ được thương lái áp dụng đối với những đàn heo nạc, đúng tuổi... còn những đàn heo nuôi quá lứa với trọng khoảng hơn 120kg/con, giá xuất chuồng còn thấp hơn, chỉ khoảng 22.000 đồng/kg.


"Với mức giá xuất chuồng trên, giá heo hơi chỉ bằng 2/3 so với giá thành và đạt mức giá thấp nhất trong hơn 30 năm qua. Theo đó, người chăn nuôi đang thua lỗ từ 1-1,5 triệu đồng/con. Với những trang trại nuôi lớn, vốn mạnh thì người dân đang chịu lỗ từ 1-1,5 tỉ đồng/chu kỳ nuôi. Nhiều nơi mua heo về sản xuất heo giống, giá khoảng 75.000 đồng/kg đã chấp nhận bán cắt lỗ từ 12.000-14.000 đồng/kg nhưng vẫn khó khăn tìm người mua. Trong khi giá đầu ra giảm mạnh, rất nhiều chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... không giảm mà còn có xu hướng tăng, đẩy người chăn nuôi vào tình thế bi đát hơn", ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, than thở.

Các doanh nghiệp chăn nuôi heo quy mô lớn ở tỉnh Đồng Nai đang "đau đầu" với giá cả xuống thấp kỷ lục của đầu ra.

Theo các chuyên gia trong ngành, khác với gia cầm có thể giảm đàn trong 1 tháng bằng việc ngưng ấp trứng, nhưng heo phải mất khoảng 1 năm mới giảm được. Vì vậy, ít nhất cũng phải hơn 9 tháng nữa mới giải quyết hết lượng heo thừa ngoài thị trường do cầu bất ngờ sụt giảm mạnh. Tính toán sơ bộ, cả nước có thể dư khoảng 150 tấn thịt heo/ngày và nếu chỉ dựa vào thị trường nội địa, đây là bài toán thật sự nan giải đối với các nhà quản lý.


"Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dư thừa khủng khiếp trên là do chúng ta không chủ động được thị trường, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Tương tự nhiều loại nông sản khác trước đây, khi bên bạn siết chặt việc xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch thì ngay lập tức, nhà nông bị ách tắc đầu ra và giá giảm mạnh. Ngoài ra, do không sản xuất theo kế hoạch hoặc phát triển theo kiểu tự phát do thấy giá heo hơi tăng mạnh, nhiều hộ dân đã ồ ạt tái đàn, khiến nguồn cung càng phát triển vượt tầm kiểm soát hơn", ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.


Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Chính phủ xem xét dừng hoạt động nhập khẩu thịt heo, lục phủ ngũ tạng về Việt Nam theo hình thức tạm nhập, tái xuất nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm trong nước, cũng như có kế hoạch khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi. 


Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương tăng cường chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh áp dụng những biện pháp công nghệ và quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi. Riêng ngành Công Thương, sẽ đẩy nhanh những giải pháp đàm phán tìm thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo ở cả khu vực biên mậu và chính ngạch.


"Những đơn vị như Vissan, Việt Đức, Saigon Coop, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn... sẽ có động thái cụ thể tăng cường thu mua giết mổ cấp đông đối với thịt lợn, thịt gia cầm. Nhưng đó chỉ là các giải pháp mang tính tình thế, đã đến lúc ngành chăn nuôi cần mạnh dạn áp dụng những công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi để tăng sức mua trong nước, mở rộng xuất khẩu sang nước có tiềm năng", ông Chinh nói thêm


Bài và ảnh: Lê Nghĩa/ Báo Tin tức