06:18 11/06/2021

Gia Lai tăng cường quản lý lao động người nước ngoài tại các dự án điện gió

Gia Lai là địa phương đang thu hút nhiều dự án điện gió quy mô lớn đầu tư trên địa bàn. Tính đến tháng 6/2021, tại Gia Lai có 17 dự án, công suất hơn 1.200 MW, với tổng vốn đầu tư trên 48.000 tỷ đồng, đang được triển khai.

Tuy nhiên, cùng với việc triển khai các dự án điện gió này, việc kiểm soát người lao động, chuyên gia người nước ngoài còn bị buông lỏng, chưa chặt chẽ, gây nên mối lo ngại về nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong giai đoạn diễn biến phức tạp hiện nay.

Chú thích ảnh
Lao động người nước ngoài tại dự án điện gió ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. 

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có hơn 400 lao động người nước ngoài làm việc tại 37 đơn vị, doanh nghiệp, dự án. Riêng tại các dự án điện gió có 369 lao động người nước ngoài; trong đó có gần 300 lao động đang chờ tỉnh xem xét phê duyệt, chưa làm các thủ tục liên quan đến việc sử dụng lao động người nước ngoài.

Điển hình tại Dự án điện gió Ia Le 1, huyện Chư Pưh, do Công ty Cổ phần đầu tư điện gió Cao Nguyên 1 làm chủ đầu tư, đang sử dụng 20 lao động là người nước ngoài, nhưng chỉ có một nửa được cấp phép theo đúng quy định. Lý giải về việc này, đại diện chủ dự án nêu lý do sử dụng lao động người nước ngoài chưa được cấp phép là do tiến độ thi công dự án gấp rút.

Bà Gián Hiền Vân, Trưởng phòng Hành chính, Công ty China Power Guiyang cho biết, về cấp phép lao động cho người nước ngoài, trước tiên doanh nghiệp phải thông báo đến UBND tỉnh xét duyệt. Sau khi được sự đồng ý của tỉnh, doanh nghiệp mới có cơ sở tiến hành thực hiện các thủ tục với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về sử dụng lao động người nước ngoài tại đây. Tuy nhiên, theo bà Vân, thủ tục hồ sơ rất nhiều.

Ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Ia Le, huyện Chư Pưh, chia sẻ, địa phương rất quan tâm đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, song do lực lượng mỏng nên chủ yếu dựa vào các nhà thầu chủ động thông báo để phối hợp xử lý là chính.

“Về quản lý lao động người nước ngoài, chúng tôi chỉ kiểm tra vấn đề tạm trú, nhắc nhở người lao động di chuyển khỏi địa phương thì báo chính quyền để nắm chính xác. Tuy nhiên, công tác này gặp khó khăn bởi phụ thuộc hoàn toàn vào sự phối hợp thông tin của các doanh nghiệp, nếu lao động đi không thông báo thì địa phương rất khó quản lý. Thực tế thời gian qua, vẫn có một vài trường hợp đang công tác ở đây nhưng chuyển đến dự án khác mà không thông báo, khi địa phương tiếp nhận gửi thông báo về thì mới biết”, ông Việt chia sẻ thêm.

Chú thích ảnh
Lao động người nước ngoài tại dự án điện gió ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. 

Cũng theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, đơn vị đã tiến hành kiểm tra thực tế các dự án nhà máy điện gió trên địa bàn, phát hiện các sai phạm trong quản lý, sử dụng lao động người nước ngoài tại những dự án trên. Đơn vị đang mời các chủ đầu tư, tổng thầu và thầu phụ đến làm việc để xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật.

Trong khi cả nước đang căng mình chống dịch COVID-19, việc buông lỏng quản lý lao động người nước ngoài, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch, ảnh hưởng đến mục tiêu ngăn chặn dịch COVID-19, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Tin, ảnh: Nguyễn Hoài Nam (TTXVN)