10:15 23/10/2020

Gia Lai đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa bão lũ

Những ngày vừa qua, các tỉnh miền Trung đang gồng mình hứng chịu những thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra.

Dự báo cơn bão số 8 sẽ đổ bộ vào miền Trung với diễn biến rất khó lường. Để đảm bảo an toàn hồ, đập, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra cho vùng hạ du, tỉnh Gia Lai đã lên phương án khắc phục hậu quả mưa lũ và triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới.

Chú thích ảnh
Công nhân Thủy điện Ia Ly kiểm tra hệ thống camera giám sát xả lũ.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 352 công trình thủy lợi của 23 đơn vị quản lý vận hành, khai thác; trong đó 344 công trình đã vận hành, 8 công trình đang thi công. Để đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trên địa bàn, ngay từ trung tuần tháng 5/2020, Hội đồng tư vấn của tỉnh Gia Lai đã tổ chức kiểm tra và đánh giá an toàn trước mùa mưa lũ.

Ông Nguyễn Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, qua kiểm tra, các công trình thủy lợi vừa và lớn trên địa bàn tỉnh cơ bản vận hành bình thường, chưa xuất hiện dấu hiệu hư hỏng gây mất an toàn đập. Tuy nhiên, tại một số công trình thủy lợi nhỏ, việc lập và phê duyệt quy trình vận hành, phương án bảo vệ công trình, kê khai đăng ký an toàn đập, công tác kiểm định an toàn đập, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp… chưa được thực hiện.

Đối với những công trình này, Sở đã yêu cầu các chủ công trình phải sửa chữa, khắc phục những hạng mục xuống cấp; đồng thời bố trí nhân lực thường xuyên theo dõi trong mùa mưa lũ, nếu xảy ra khả năng mất an toàn thì không được tích nước để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

"Giai đoạn mưa lũ vừa qua, các chủ công trình thủy lợi đã tuân thủ nghiêm quy định về quản lý nên các đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo an toàn, chưa xảy ra vấn đề phức tạp", ông Lương khẳng định.

Gia Lai hiện có trên 40 công trình thủy điện lớn nhỏ với tổng công suất khoảng 2.200 MW, cho sản lượng điện hàng năm là 7 tỷ Kwh. Công ty Thủy điện Ia Ly được giao nhiệm vụ quản lý vận hành 3 Nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Tây Nguyên gồm: Thủy điện Ia Ly (công suất 720 MW), Thủy điện Sê San 3 (công suất 260 MW) và Thủy điện Pleikrông (công suất 100 MW).

Những ngày qua, bão lũ đã tàn phá nghiêm trọng các tỉnh miền Trung và gây mưa lớn cục bộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Để chủ động ứng phó với bão lũ, Công ty Thủy điện Ia Ly đã triển khai đầy đủ và chặt chẽ các phương án về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động phòng, tránh những tình huống khẩn cấp.

Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly Đinh Viết Thiện chia sẻ, đầu tháng 10, trên địa bàn tỉnh bắt đầu xuất hiện nhiều đợt mưa do ảnh hưởng của các cơn bão số 5, 6 và 7. Tuy nhiên, tổng lưu lượng nước về hồ chứa của thủy điện đến thời điểm này mới chỉ đạt hơn 4,2 tỷ m3, bằng 52% so với lưu lượng nước về hồ trung bình nhiều năm. Do đó, mực nước hồ Ia Ly hiện tại mới chỉ đạt cao trình 512,6 m, còn thấp hơn mực nước cho phép là 1,6 m, ứng với dung tích thiếu hụt so với mực nước cho phép khoảng 80 triệu m3 theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San (ban hành kèm theo Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 13/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ) cho phép mực nước hồ Ia Ly đạt cao trình 514,2 m từ ngày 1/10.

Với dung tích hồ chứa còn trống, cộng với dự báo mưa lũ trên địa bàn thì khả năng xả lũ của hồ Ia Ly là rất thấp. Mặc dù vậy, trước những diễn biến khó lường, Công ty Thủy điện Ia Ly xác định không chủ quan, thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo mưa lũ trên lưu vực để đề ra phương án vận hành hợp lý.

Theo đó, Công ty tích cực phối hợp với Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia để chủ động vận hành các tổ máy, tăng dung tích phòng lũ cho các hồ và hạn chế tối đa việc xả nước qua đập. Ngoài ra, cùng với việc duy tu, sửa chữa đảm bảo năng lực vận hành khi mưa bão đến, Công ty Thủy điện Ia Ly cũng đã lắp đặt bổ sung các còi cảnh báo thay đổi lưu lượng nước tại hạ du hai đập thủy điện Pleikrông và Ia Ly để tăng mức độ cảnh báo đến người dân khu vực hạ du; giúp giảm thiểu thiệt hại cho người và hoa màu trong trường hợp phải xả lũ; bố trí các đội xung kích luôn sẵn sàng ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Khu vực Tây Nguyên, những ngày vừa qua, lượng mưa phổ biến cao nhất ở khu vực phía Tây và trung tâm tỉnh Gia Lai đạt từ 100-200 mm; mực nước lũ trên sông Ba và sông Sê San đều dưới mức báo động I.

Ông Trần Trung Thành, Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Khu vực Tây Nguyên cho biết: Trước đợt mưa lũ vừa rồi xảy ra, trên địa bàn tỉnh Gia Lai lượng nước đang thiếu hụt, các hồ thủy lợi, thủy điện phía Tây của tỉnh thiếu nước trầm trọng, mực nước dưới mức nước bình thường trung bình 20 m. Hai đợt mưa lớn vào các ngày 11-12/10 và 16-18/10 đã bổ sung lượng nước đáng kể cho các hồ chứa; mực nước trên các sông tuy có xuất hiện lũ nhưng dưới mức báo động I.

Chú thích ảnh
 Thủy điện Ia Ly. 

Cũng theo Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Khu vực Tây Nguyên Trần Trung Thành, từ nay đến ngày 25/10, thời tiết trên địa bàn tỉnh Gia Lai cơ bản tốt lên. Tuy nhiên, vào cuối tháng 10 khả năng sẽ có 1 đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới gây ra trên địa bàn tỉnh. Ước đoán đợt mưa này sẽ xảy ra với lưu lượng nước từ 100-200 mm, góp phần bổ sung nguồn nước dồi dào cho khu vực phía Tây của tỉnh tích trữ để phục vụ mùa khô hạn sang năm. Ông Thành cũng khẳng định, xác suất mưa lớn vượt ngưỡng gây lũ lụt đợt này trên địa bàn tỉnh Gia Lai là không cao.

Tin, ảnh: Nguyễn Hoài Nam (TTXVN)