12:16 27/12/2012

Giá hàng hóa sẽ không tăng đột biến dịp Tết

Bộ Công Thương cho biết, dự kiến nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng khoảng 20-25% so với các tháng trong năm và tăng khoảng 10% so với năm trước. Do nguồn cung được đảm bảo, trong dịp tết sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Bộ Công Thương cho biết, dự kiến nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng khoảng 20-25% so với các tháng trong năm và tăng khoảng 10% so với năm trước. Do nguồn cung được đảm bảo, trong dịp tết sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

 

Khách chọn mua hàng hoá tại siêu thị Big C Hà Nội. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

 

Để chuẩn bị cho công tác này, cách đây từ vài ba tháng, nhiều địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết, triển khai chương trình dự trữ hàng bình ổn thị trường với tổng số tiền khoảng 1.176,8 tỷ đồng. Tùy thuộc vào quy mô từng địa phương, mỗi địa phương dành khoản kinh phí cho chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường cũng khác nhau. Theo đó, Hà Nội dành 376 tỷ đồng, Tp. Hồ Chí Minh 262,2 tỷ đồng, Cần Thơ 40 tỷ đồng, Bắc Giang 40 tỷ đồng, Quảng Ninh 30 tỷ đồng, Hải Dương 24,13 tỷ đồng, Yên Bái 22,5 tỷ đồng, Đà Nẵng 20,7 tỷ đồng… cho chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường. Do tình hình kinh tế khó khăn, năm nay nguồn vốn hỗ trợ lãi suất của 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh giảm lần lượt 26% và 42%, nhưng chương trình này lại được mở rộng hơn ở nhiều địa phương so với năm trước. Điều này cho thấy chương trình bình ổn thị trường đang ngày càng được xã hội hóa và tiếp tục được các địa phương triển khai rộng rãi nhằm tạo tác động lan tỏa và vai trò định hướng dẫn dắt giá hàng hóa Việt, giảm áp lực tăng giá trong dịp cao điểm.

 

Bên cạnh việc dành nguồn kinh phí cho chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường của địa phương, các doanh nghiệp cũng chuẩn bị lượng hàng hóa cho dịp Tết lớn hơn nhiều so với số vốn được vay ưu đãi, đồng thời các địa phương cũng chú trọng tới việc phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Cùng với kế hoạch này, nhiều địa phương cũng chủ động tăng lượng hàng dự trữ lên 10 - 15% so với dịp Tết năm ngoái và cam kết giữ bình ổn giá các mặt hàng như gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, dầu ăn, bánh mứt kẹo, rau củ quả, muối, đường, bột ngọt… Ngoài ra, các doanh nghiệp còn dự trữ thêm các nhóm hàng tiêu dùng khác như rượu, bia, nước giải khát, các loại nông sản như măng miến, mộc nhĩ, nước mắm, mì chính... để có thể đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết.

 

Theo Bộ Công Thương, do năm nay, tình hình kinh tế trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm, thu nhập của người dân thấp, ảnh hưởng đáng kể đến sức mua trên thị trường nên sức mua được dự báo không tăng quá cao. Với sự chuẩn bị về nguồn hàng và phương án cung ứng hàng hóa phục vụ Tết khá chu đáo của các địa phương, doanh nghiệp, nếu không có những đột biến bất thường, nguồn cung hàng hóa sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Dự báo thị trường các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến. Giá sẽ tăng đối với một số mặt hàng có nhu cầu cao và dồn vào những ngày giáp Tết như thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây...

 

Tuy nhiên, đã thành thông lệ, từ những tháng cuối năm, đặc biệt là vào tháng Tết Nguyên đán, giá cả thường có xu hướng tăng cao. Do đó, cùng với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nhiều bộ, ngành cũng đã vào cuộc để triển khai các giải pháp bình ổn thị trường cuối năm. Cụ thể, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý. Đồng thời phối hợp với các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu dân cư đông, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, triển khai việc dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường kết hợp hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Đối với các tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, Bộ Công Thương đề nghị rà soát, đánh giá cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm tiến độ sản xuất, nhập khẩu, thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết. Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí để giảm giá thành, giảm áp lực tăng giá hàng hóa; củng cố và phát triển hệ thống phân phối, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, khơi thông đầu ra cho sản phẩm để tiêu thụ. Tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong ngành trong việc cung ứng và tiêu thụ sản phẩm của nhau. Kết hợp với các chương trình bình ổn và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết, để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng bị thiệt hại do thiên tai với giá cả hợp lý. Chủ động tham gia triển khai chương trình bình ổn thị trường, các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các địa phương.

 

Cùng với việc chuẩn bị tốt nguồn hàng, Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường, có biện pháp kiểm soát hoạt động phân phối, thu mua hàng hóa nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu của thương nhân nước ngoài gây xáo trộn thị trường trong nước. Đặc biệt là tăng cường kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật về giá, chất lượng sản phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn. Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ công tác bán hàng, giảm bớt các khâu trung gian nhằm đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng với giá bán hợp lý.

 

 

Văn Xuyên