10:22 18/10/2011

Giá gạo thế giới khó lặp lại mức kỷ lục năm 2008

Giá lương thực tăng luôn là điều lo ngại đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình vì nó có thể gây ra bất ổn xã hội. Việc Chính phủ Thái Lan đang đẩy giá gạo lên để nâng thu nhập cho nông dân - một bộ phận cử tri quan trọng của Thủ tướng Yingluck Shinawatra...

Giá lương thực tăng luôn là điều lo ngại đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình vì nó có thể gây ra bất ổn xã hội. Việc Chính phủ Thái Lan đang đẩy giá gạo lên để nâng thu nhập cho nông dân - một bộ phận cử tri quan trọng của Thủ tướng Yingluck Shinawatra - có thể ảnh hưởng đến thị trường nguyên liệu mềm toàn cầu vốn rất dễ biến động. Tuy nhiên, theo mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế EIU, giá gạo toàn cầu khó có thể quay về mức đỉnh hồi tháng 4/2008.

Gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp chế biến lương thực Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Theo chính sách mới của Thủ tướng Yingluck, từ ngày 7/10, chính phủ Thái Lan thu mua gạo trắng với giá 15.000 baht/tấn (500 USD/tấn) và gạo thơm với giá 20.000 bath/tấn, cao hơn khoảng 30% so với giá thị trường và cao hơn rất nhiều so với thời điểm được công bố trước bầu cử là 8.150 baht/tấn đối với gạo trắng và 13.000 baht/tấn đối với gạo thơm. Mặc dù mục tiêu là nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân Thái Lan, nhưng chính sách này đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ vì cho rằng nó tạo ra gánh nặng tài chính đối với chính phủ, cũng như có thể dẫn đến tình trạng tham nhũng, buôn lậu lúa gạo từ các nước láng giềng vào Thái Lan, làm các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không còn khả năng cạnh tranh.

Tháng 4/2008, Thái Lan cũng có hành động can thiệp tương tự vào thị trường khi quyết định mua 5,4 triệu tấn lúa với giá 17.000 baht/tấn. Cùng thời điểm này Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ cũng kiềm chế xuất khẩu gạo. Tất cả những yếu tố này đã tạo áp lực tăng giá đối với gạo và giá gạo đã vượt mức đỉnh 1.000 USD/tấn. Sau sự thay đổi chính phủ vào cuối năm 2008, chính sách này có sự thay đổi khi chính phủ thực hiện kế hoạch "bảo hiểm thu nhập" - về bản chất, chính phủ sẽ trả cho nông dân khoản khác biệt giữa giá thị trường và giá được chính phủ bảo đảm là 11.000 bạt/tấn.

Cho đến nay, chưa rõ là tác động chung của việc Thái Lan thực hiện lại chính sách cam kết giá này như thế nào vì chính phủ Thái Lan vẫn chưa công bố cụ thể về việc lúa gạo trong kho của chính phủ sẽ được bán ra khi nào, cho ai và với giá nào. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, chính sách này sẽ gây áp lực tăng giá lúa gạo cả trên thị trường nội địa Thái Lan và quốc tế. Chính sách này cũng hút mất nguồn lúa của các nhà máy xay sát và xuất khẩu gạo Thái Lan và do đó, nguồn cung cho các nước nhập khẩu gạo cũng bị hạn chế. Điều này làm một số nhà phân tích Thái Lan lo ngại rằng giá gạo xuất khẩu có thể tăng mạnh trong ngắn hạn. Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse dự báo, gạo 5% tấm có thể đạt mức 830 USD/tấn so với mức trung bình dưới 600 USD/tấn trong tháng 9/2011.

Một yếu tố nữa gây áp lực lên giá lúa gạo là tình trạng lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều khu vực của Đông Nam Á có thể ảnh hưởng đến sản lượng lúa của Thái Lan, Việt Nam, Philíppin và Campuchia. Nhưng vẫn là quá sớm để có thể tính toán mức độ thiệt hại cụ thể đối với nguồn cung về lúa gạo. Tuy nhiên, mùa màng của Ấn Độ bội thu có thể bù đắp cho những tác động từ lũ lụt và chính sách của Thái Lan đối với giá lúa gạo. Ấn Độ gần đây đã quay trở lại thị trường xuất khẩu lúa gạo sau 4 năm vắng bóng. Các quan chức cũng dự báo sản lượng vụ hè này của Ấn Độ sẽ đạt mức kỷ lục 87,1 triệu tấn, cao hơn 6 triệu tấn so với năm trước.

Cân bằng tất cả các yếu tố trên, EIU dự báo, giá gạo trắng 100%, loại 2 của Thái Lan trung bình cả năm 2012 sẽ tăng lên mức 570 USD/tấn, cao hơn mức 560 USD/tấn của năm nay nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức trung bình 650 USD/tấn trong năm 2008. Triển vọng cung và cầu toàn cầu cho thấy nguồn lúa gạo trong kho toàn cầu sẽ vẫn ở mức khá thoải mái trong ít nhất vài năm tới. Và do đó, EIU cũng dự báo giá gạo toàn cầu sẽ có xu hướng giảm trong năm 2012.

Đình Thư (P/v TTXVN tại New York)