06:22 27/06/2020

Giá gạo Ấn Độ tăng trở lại, giá các nông sản giao kỳ hạn của Mỹ đồng loạt giảm 

Tuần này, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ ở mức 373-378 USD/tấn, tăng so với mức 366-372 USD/tấn của tuần trước đó, trong khi đó, giá các loại nông sản trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) sụt giảm trong phiên 26/6 với sự dẫn đầu của giá lúa mỳ.

Thị trường gạo châu Á:

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm trong tuần này do sức mua giảm; trong khi giá gạo Ấn Độ tăng từ mức thấp nhất trong hơn 1 tháng qua nhờ nhu cầu của các khách hàng ở châu Phi gia tăng. 

Chú thích ảnh
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm giảm xuống còn 405-450 USD/tấn trong ngày 25/6. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm giảm xuống còn 405-450 USD/tấn trong ngày 25/6, so với mức 450 USD/tấn trước đó một tuần. Giá gạo vụ Đông Xuân hiện ở mức 450 USD/tấn, trong khi giá gạo vụ Hè Thu là 405-410 USD/tấn.

Theo một thương nhân ở tỉnh An Giang thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam), chất lượng gạo vụ Hè Thu không cao do mưa nhiều trong giai đoạn thu hoạch và vụ thu hoạch này dự kiến kéo dài đến hết tháng 7/2020.

Ngoài ra, giá gạo của Việt Nam còn chịu sức ép của nhu cầu yếu của các khách hàng nước ngoài và giá gạo rẻ hơn của Ấn Độ. Theo thương nhân này, giá gạo của Việt Nam có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ - một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - ở mức 373-378 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 366-372 USD/tấn của tuần trước đó.

Một nhà xuất khẩu gạo ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) cho hay số ca mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gia tăng đã khiến một số khách hàng ở châu Phi phải tăng cường mua gạo.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan ngày 25/6 được giao dịch ở mức 514-520 USD, biến động chút ít so với mức 505-525 USD/tấn trong tuần trước đó. Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan thường cao chủ yếu vì nguồn cung thấp do hạn hán và đồng nội tệ của Thái Lan tăng giá, trong khi nhu cầu “trầm lắng”.

Thị trường nông sản Mỹ:

Giá các loại nông sản trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) sụt giảm trong phiên 26/6 với sự dẫn đầu của giá lúa mỳ.

Cụ thể, giá ngô giao tháng 9/2020 giảm 1,25 xu Mỹ (0,39%) xuống còn 3,1925 USD/ bushel khi đóng cửa. Giá lúa mỳ giao tháng 9/2020 mất 12,5 xu Mỹ (2,56%) còn 4,7575 USD/ bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2020 chốt phiên hạ 7 xu Mỹ (0,81%) xuống còn 8,6125 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg, 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Các thương nhân trên sàn CBOT ước tính các quỹ đã bán 3.400 hợp đồng ngô, 4.200 hợp đồng đậu tương và 5.500 hợp đồng lúa mỳ.

Căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc có thể tác động tiêu cực tới việc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một của hai nước này, từ đó thúc đẩy hoạt động bán ra nói trên. Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo Trung Quốc cam kết mua 132.000 tấn đậu tương của Mỹ. Trong khi đó, vụ thu hoạch ngô của Brazil đã hoàn tất ở mức 15% cao hơn mức trung bình của 5 năm qua là 13%.

Thị trường cà phê châu Á:

Các thương nhân ngày 25/6 cho biết giá cà phê ở Việt Nam tăng trong tuần này do nguồn cung hạn chế trong khi lượng cà phê trữ kho của Indonesia tiếp tục tăng.

Giá cà phê COFVN-DAK tại Việt Nam hiện ở mức 32.000 (1,38 USD)/kg, cao hơn mức 31.300-31.700 đồng/kg trước đó một tuần. Theo một thương nhân, nông dân khá miễn cưỡng khi bán cà phê với giá trên, vốn thấp hơn giá thành sản xuất là 33.000 đồng/kg, trong khi một số nông dân đã bán tiêu, được trồng cùng với cà phê, để bù đắp mức thiệt hại trên.

Giá cà phê Robusta giao tháng 9/2020 ngày 24/6 giảm 9 USD (1%) xuống còn 1.176 USD/tấn.

Trong khi đó, các thương nhân ở Sumatra thuộc tỉnh Lampung (Indonesia) cho hay giá cược đối với cà phê Robusta vẫn không đổi so với một tuần trước đó dù nguồn cung cà phê gia tăng khi các khách hàng nước ngoài tiếp tục gặp cạnh trạnh quyết liệt từ các khách hàng trong nước.

Một thương nhân cho biết, mức giá cược đối với cà phê Robusta giao tháng 9/2020 là 340 USD trong khi một thương nhân khác đưa ra khoản lãi 370 USD cho cà phê Robusta giao tháng 8/2020. Khối lượng cà phê giao dịch tăng khi tỉnh Lampung bắt đầu vụ thu hoạch cà phê chủ chốt, song các nhà sản xuất cà phê uống liền lớn của Indonesia đang “đánh bại” các nhà xuất khẩu với mức giá chào mua cao.

Anh Quân/TTXVN (Tổng hợp)