11:14 19/11/2019

Giá gà giảm, người chăn nuôi thấp thỏm vụ Tết

Việc ồ ạt chuyển sang nuôi gà khiến cho nguồn cung thịt gà vượt cầu dẫn đến tình trạng giá gà giảm sâu.

Thời điểm này, các hộ chăn nuôi gà thả vườn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bắt đầu tăng đàn, tái đàn trở lại để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2020. Tuy nhiên năm nay, do hậu quả của dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã không thể tái đàn mà ồ ạt chuyển đổi cơ cấu vật nuôi sang nuôi gà. Điều này khiến cho nguồn cung thịt gà vượt cầu dẫn đến tình trạng giá gà giảm sâu.

Ghi nhận tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, đây là địa phương tập trung chủ yếu các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ. Sau đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không còn sức cầm cự để tái đàn, buộc phải chuyển đổi vật nuôi sang nuôi gà phục vụ thị trường Tết.

Ông Hồ Hoàng Ngọc, hộ chăn nuôi gà xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ cho biết, trước đây gia đình nuôi hơn 100 con lợn thịt, tuy nhiên, sau đợt dịch tả lợn châu Phi, toàn bộ số lợn trong trại buộc phải tiêu hủy hết, gia đình mất trắng. Sau đó nhận được một khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước, nhưng gia đình ông vẫn không dám tái đàn lợn vì sợ chưa hết dịch nên quyết định chuyển sang nuôi gà phục vụ thị trường Tết.

“Dịp này tôi nuôi gần 2.000 gà thả vườn, sẽ xuất bán vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Hiện gia đình tôi chưa tìm được đầu ra do đây là năm đầu tiên nuôi gà thịt. Nếu không nuôi gà thì chuồng trại bỏ không cũng uổng”, ông Hồ Hoàng Ngọc chia sẻ.

Đối với lứa gà này, do để phục vụ vào thị trường Tết nên người dân rất chú trọng việc chăm sóc, phòng ngừa cúm gia cầm và tăng cường bổ sung các loại vitamin khoáng chất, tăng sức đề kháng để đàn gà phát triển tốt, đủ trọng lượng và xuất bán kịp thời.

Ông Hoàng Văn Thân, hộ chăn nuôi gà tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc cho biết, mùa này vắc xin lúc nào cũng được người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ, chi phí bỏ ra lớn. Tuy nhiên hiện nay, giá gà lại đang giảm sâu, lứa gà gần nhất xuất bán của ông Thân chỉ có giá 21.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 24.000 đồng/kg, với tổng đàn 3.000 con gà, ông Thân lỗ gần 50 triệu đồng chưa kể tiền nhân công, điện nước... 

Mặc dù vậy, ông Thân cho biết, mình vẫn may mắn hơn nhiều hộ chăn nuôi vì trước đó có những hộ phải bán gà với giá từ 16.000 - 18.000 đồng/kg, vì nếu không bán gà sẽ bị quá lứa. Với giá gà hiện tại, hầu hết các hộ chăn nuôi đều đang rất hoang mang, thấp thỏm lo âu sợ lỗ nặng.

Sau dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Đồng Nai khuyến cáo, người chăn nuôi nên xem xét chuyển đổi qua các loại vật nuôi như gà, vịt, dê, bò... để tránh thiệt hại về kinh tế. Tuy nhiên, việc người dân tận dụng chuồng nuôi lợn và ồ ạt chuyển qua nuôi gà, vịt trong khi đầu ra không ổn định dẫn tới nguồn cung vượt cầu, giá giảm xuống mức chạm đáy khiến người chăn nuôi càng thêm thua lỗ.

Ông Ngô Hữu Phụng, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ khuyến cáo, nông dân khi chuyển đổi vật nuôi, tổ chức chăn nuôi cần đảm bảo vệ sinh chăn nuôi tránh dịch bệnh trên gia cầm. Đặc biệt, người dân cần liên kết với đơn vị cung cấp nguyên liệu đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra để đảm bảo ổn định giá cả, số lượng vật nuôi, tránh tình trạng cung vượt cầu khiến giá giảm sâu, người chăn nuôi thua lỗ nặng.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, hiện tại, nhiều hộ chăn nuôi lợn không đủ điều kiện tái đàn, đã ồ ạt chuyển sang đầu tư nuôi gà ta thả vườn. Điều này khiến cho đàn gia cầm tăng quá nhanh trong thời gian ngắn là nguyên nhân khiến giá gà thịt giảm sâu và liên tục rớt giá trong thời gian qua. Do đó, người chăn nuôi không nên chạy theo phong trào mà nên tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường trước khi đầu tư.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, hiện nay, tổng đàn gà của Đồng Nai là 24 triệu con, tăng hơn 3 triệu con (từ 21 - 24 triệu con) so với đầu tháng 5/2019, thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra khiến cho giá gà liên tục giảm sâu, người chăn nuôi thấp thỏm lo lắng.

Lê Xuân (TTXVN)